Vì sao quy định về thiết bị an toàn cho trẻ trên ôtô lùi một năm?
Dù Luật Trật tự ATGT đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nhưng riêng quy định về thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô trong luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Để đưa luật vào thực tiễn, trong thời gian tới năm tới có nhiều yếu tố cần chuẩn bị.
Rõ quy chuẩn chất lượng
Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế Công cộng, mỗi năm có khoảng 500.000 trẻ em Việt Nam từ 1 - 10 tuổi tiếp cận với xe ô tô cá nhân.
Cùng với xu hướng gia đình trẻ ngày càng thường xuyên đi chơi xa, hạ tầng giao thông được cải thiện với tốc độ ngày càng cao, tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, đặc biệt là đối tượng trẻ em ngồi trên ô tô ngày càng trở nên cấp thiết.
Tiếp thu các ý kiến về bảo vệ trẻ em tham gia giao thông, ngày 27/6, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, ATGT. Trong đó Điều 10 của Luật đã quy định: người lái xe và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn khi tham gia giao thông đường bộ.
Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế. Đồng thời, người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp.
Theo PGS.TS Phạm Việt Cường - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế Công cộng, cần lộ trình 1,5 năm vì có nhiều yếu tố cần sự chuẩn bị trước khi đưa luật vào thực tế cuộc sống.
“Việc quy định thiết bị an toàn cho trẻ trên xe ô tô là điểm mới trong Luật Trật tự ATGT nên các nhà lập pháp cần một thời gian chuẩn bị về phương án và các quy định đi kèm để thực thi luật tốt hơn; Đồng thời cần thời gian để đưa ra các quy chuẩn chất lượng cho thiết bị; Chuẩn bị thời gian để cộng đồng tiếp nhận và đáp ứng lại luật mới” - PGS.TS Phạm Việt Cường cho biết.
Nêu ví dụ về bài học ngày trước khi nước ta áp dụng quy định về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy. Khi đưa vào thực tế, đầu tiên chúng ta cũng chưa có quy định rõ ràng về mũ bảo hiểm đạt chất lượng nên cho tới tận bây giờ thị trường vẫn tồn tại một số loại mũ không có tác dụng bảo vệ hay giảm thương tích.
PGS.TS Phạm Việt Cường cho rằng tỉ lệ thương tích chỉ được cải thiện khi ý thức người dân được nâng cao, nghiêm chỉnh đội mũ bảo hiểm và có quy định chặt chẽ về chất lượng mũ.
Tương tự, đối với đai an toàn cho trẻ trên xe ô tô, hiện nay lên các website thương mại điện tử và tìm kiếm theo từ khoá “thiết bị an toàn, đai ai toàn cho trẻ trên ô tô” cũng sẽ thấy có nhiều loại thiết bị bán giá chỉ 100 - 200 nghìn đồng. Những đai này chỉ có tác dụng neo người trẻ vào ghế cho khỏi chạy chứ không có tác dụng trong việc đảm bảo an toàn.
“Thực tế trên cho thấy, quy chuẩn chất lượng là yêu cầu hàng đầu đối với thiết bị an toàn cho trẻ trên ô tô nhằm phòng tránh tai nạn thương tích”. - PGS. TS Phạm Việt Cường nhấn mạnh.
Khắc phục trở ngại
Báo cáo của Hiệp hội ATGT đường bộ toàn cầu cho thấy, thiết bị an toàn cho trẻ em có thể giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong (34 - 81%), giảm các chấn thương nghiêm trọng (35 - 72%) và các chấn thương khác của trẻ (25 - 58%) trong các vụ va chạm giao thông.
TS Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia chia sẻ, những thực nghiệm cho thấy khi dùng ghế chuyên dụng cho trẻ em có thể giảm đến 43% rủi ro dẫn đến các chấn thương nặng. Do đó, thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô bao gồm: Nôi trẻ em sơ sinh (< 2 tuổi); ghế trẻ em nhỏ (cho trẻ từ 2 - 6 tuổi); và các loại đệm nâng (cho trẻ từ 6 - 10 tuổi) là hết sức cần thiết.
Theo PGS.TS Phạm Việt Cường, giá thiết bị an toàn cho trẻ so với thiết bị và đồ chơi trên xe ô tô không phải quá đắt để mua khi người dân đã đủ điều kiện để đầu tư xe. Nhưng đáp ứng về mặt tự nguyện chấp nhận sử dụng của người dân sẽ cần có thời gian.
Trên thực tế khi luật có yêu cầu về thiết bị an toàn cho trẻ thì ngay lập tức thị trường sẽ xuất hiện nhiều loại thiết bị an toàn cho trẻ được rao bán. Nếu chất lượng không đảm bảo thì có sử dụng cũng không an toàn. Do đó việc triển khai luật vào thực tiễn cần có hoạt động kiểm tra, giám sát.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cho người dân hiểu về tầm quan trọng của việc sử dụng thiết bị đạt chuẩn và cách sử dụng đúng, cài đúng trên ô tô là rất quan trọng.
Các hãng ô tô cũng phải chuẩn bị tinh thần đưa vào tài liệu hướng dẫn. Nhân viên bán xe phải hướng dẫn người mua xe sử dụng thiết bị để đảm bảo hiệu quả bởi cài hay kết nối không chuẩn thì cũng không có tác dụng phòng tránh chấn thương.
Thừa nhận sẽ còn khó khăn và có ý kiến khác nhau trong khi triển khai luật nhưng theo PGS. TS Phạm Việt Cường: “Để khắc phục các trở ngại về sử dụng thiết bị an toàn trên xe ô tô cho trẻ em, cần nâng cao ý thức của chủ phương tiện và các gia đình có con nhỏ. Hãy thực hiện quy định này với tâm thế chủ động để bảo vệ chúng ta và con em chúng ta an toàn hơn trên mỗi hành trình”.
>> Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Những nơi nào không được dừng, đỗ xe?
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Những nơi nào không được dừng, đỗ xe?
Chi tiết 15 hạng giấy phép lái xe tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ