Vì sao thảm họa cháy rừng ở Hawaii vô cùng tàn khốc?
Vụ cháy rừng ở Maui, Hawaii, Mỹ đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 96 người, tàn phá thành phố nghỉ mát lịch sử Lahaina và khiến hàng chục nghìn cư dân, du khách phải sơ tán khỏi đảo.
Giới chức Mỹ mô tả đây là thảm họa cháy rừng kinh hoàng nhất ở nước này trong hơn 100 năm qua. Các đội cứu hỏa vẫn đang vật lộn dập tắt các đám cháy ở Maui cũng như Đảo lớn thuộc quần đảo Hawaii.
Thống kê sơ bộ cho thấy, sự cố bùng phát từ đêm 8/8 đã gây tổn thất nghiêm trọng về người và vật chất cho các cộng đồng địa phương. Ngoài 96 trường hợp được xác nhận đã thiệt mạng, hơn 1.000 người khác vẫn đang mất tích. Hơn 1.000 héc-ta diện tích trên đảo Maui bị thiêu rụi. Cơ quan quản lý các tình huống khẩn cấp liên bang (FEMA) ước tính việc tái thiết thành phố Lahaina sẽ tiêu tốn tới 5,5 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, thảm họa tồi tệ trên do nhiều nguyên nhân, trong bối cảnh các vụ cháy rừng gia tăng tàn phá miền tây nước Mỹ những năm gần đây.
Hai sự kiện thời tiết đã tạo điều kiện cho cháy rừng dữ dội và khó dập tắt ở Maui. Thứ nhất, hòn đảo vừa trải qua một đợt hạn hán, biến thảm thực vật thành nhiên liệu khô dễ bắt lửa. Thứ hai, một cơn bão càn quét ở phía nam đã tạo ra những đợt gió lớn kéo dài, thổi bùng các đám cháy khắp hòn đảo.
Ngoài ra, các chuyên gia cho biết, môi trường do con người tạo ra ở Maui và các đảo khác thuộc Hawaii cũng trở nên thuận lợi hơn cho các vụ cháy rừng. Reuters dẫn lời Elizabeth Pickett, đồng giám đốc điều hành tổ chức Quản lý cháy rừng Hawaii tiết lộ, chỉ chưa đầy 1% các sự cố như vậy ở bang này là do nguyên nhân tự nhiên.
Trong nửa thế kỷ qua, diện tích đất của Hawaii dành cho trồng trọt và chăn nuôi gia súc đã giảm hơn 60% do cạnh tranh quốc tế và giá bất động sản tăng cao. Một phần những đồng ruộng trên các đảo từng được tưới tiêu để trồng mía, đu đủ, dứa và hạt mắc ca, đã trở thành đất ở hoặc không còn phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nhiều mảnh đất bị bỏ hoang, tạo điều kiện cho một loại cỏ ngoại lai, dễ bắt lửa sinh sôi, phát triển và hiện chiếm 25% diện tích toàn bang. Chuyên gia Matthew Zeitlin giải thích trên trang Heatmap rằng, những loại cỏ xâm lấn đó đã lấn án các loài thực vật bản địa, khô héo nhanh và dễ bắt lửa, khiến các đám cháy rừng lan rộng với tốc độ chóng mặt. Điều đó góp phần khiến các đám cháy ở Hawaii, kể từ những năm 1990, đã thiêu rụi số diện tích mỗi năm cao gấp 4 lần so với thế kỷ trước.
Theo trang Slate, sau khi nghiên cứu 3 thành phố ở bang California bị cháy rừng tàn phá là Santa Rosa (2017), Ventura (2017) và Paradise (2018), các nhà khoa học kết luận, “tình trạng thiếu nhà ở trong vùng cùng những chính sách sử dụng đất của bang và địa phương như khuyến khích xây dựng khu dân cư ở các nơi tiềm ẩn rủi ro cao, đang dẫn đến tổn thất gia tăng về kinh tế và con người do cháy rừng”.
Điều này có nghĩa là, ngày càng có nhiều người dân chuyển tới sinh sống ở những nơi bị đánh giá là không an toàn, dễ gặp cháy rừng, lũ lụt ven biển,… khiến hậu quả càng bị khuếch đại khi thiên tai xảy ra.
Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến thảm họa ở Lahaina, nơi từng là thủ phủ của Hawaii vào đầu thế kỷ 19, đặc biệt nghiêm trọng. Thị trưởng Richard Bissen cho biết, cháy rừng trong tuần qua đã “thiêu rụi tất cả” của thành phố có gần 13.000 cư dân ở phía tây đảo Maui này.
Biến đổi khí hậu cũng có thể là một nguyên nhân gây thảm họa ở Hawaii. Các nhà khoa học nhận định, tình trạng ấm nóng lên toàn cầu do con người sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, đã dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên hơn và mạnh mẽ hơn. Nắng nóng cùng nền nhiệt độ cao kỷ lục trong mùa hè này cũng góp phần gây ra vô số vụ cháy rừng nghiêm trọng, bất thường ở châu Âu và miền tây Canada.