Vì sao Ukraine khó lật ngược tình thế trong cuộc xung đột với Nga?
Nếu phương Tây không thay đổi chính sách hỗ trợ vào đầu năm 2024 để giúp Ukraine trang bị thêm nhiều vũ khí hiện đại, Kiev khó có khả năng giành chiến thắng trong xung đột với Nga.
Theo một bài viết đăng tải trên trang Atlantic Council, Ukraine không thể giành phần thắng trong xung đột với Nga, nếu như Kiev không có được sức mạnh không quân và hỏa lực tầm xa. Trong khi, đây là những vũ khí mà các đối tác quốc tế của Ukraine cho đến nay vẫn chưa cung cấp được.
Viện trợ của phương Tây đóng vai trò quan trọng trong việc giúp quân đội Ukraine tiếp tục chiến đấu. Mỹ đã phân bổ hơn 100 tỷ USD cho Kiev kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, Ukraine vẫn chưa nắm trong tay một số khả năng quan trọng để giành phần thắng.
Điển hình, bất chấp những lời kêu gọi khẩn cấp, Mỹ vẫn từ chối cung cấp tiêm kích F-16. Trong khi đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky từng nhận định ông tin Ukraine có thể chấm dứt xung đột quân sự với Nga nếu nhận được F-16. Với tỷ lệ 10 máy bay chiến đấu Nga mới có 1 chiến đấu cơ Ukraine, hiệu quả hoạt động của Không quân Ukraine là rất hạn chế, dù Kiev đã nhận được các máy bay chiến đấu cũ từ Ba Lan và Slovakia.
Hỏa lực từ Hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS), Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội (ATACMS) có tầm bắn rất xa và độ chính xác cao cũng đã được cung cấp cho Ukraine, nhưng với số lượng tương đối nhỏ. Dù có hàng trăm xe tăng chiến đấu chủ lực M1 trong kho, nhưng Mỹ cũng chỉ bàn giao 31 xe tăng M1 cho Kiev sau gần 2 năm bùng nổ xung đột.
Liên minh châu Âu (EU) đã đóng góp khoảng 80 tỷ USD tổng viện trợ cho Kiev, nhưng phần lớn dưới dạng hỗ trợ tài chính thay vì quân sự. Tính theo % GDP, khoản đóng góp của Ba Lan, Phần Lan, các nước vùng Baltic và Na Uy, những nước có chung đường biên giới với Nga, đã vượt xa những quốc gia giàu có hơn như Đức, Pháp và Italia.
Cụ thể, ngoài máy bay MiG-29, Ba Lan đã chuyển giao hơn 320 xe tăng chiến đấu chủ lực được hiện đại hóa cho Ukraine trong năm 2022 và đầu năm 2023, giúp Kiev thay thế phần lớn xe tăng bị hư hỏng trong quá trình chiến đấu.
Estonia đã chuyển giao các pháo 155mm, và hơn 1/3 ngân sách quốc phòng hàng năm của nước này cho Ukraine. Latvia cũng đã đóng góp toàn bộ tên lửa Stinger của mình. Hay quốc gia Lithuania nhỏ bé đã đóng góp gần 1 tỷ USD viện trợ, và chỉ đứng sau Na Uy khi tính theo % GDP.
Trong khi đó, Anh giữ vị trí dẫn đầu cung cấp hệ thống chống tăng NLAW, tên lửa hành trình Storm Shadow, và xe tăng Challenger cho Ukraine, giữa lúc nhiều nước khác vẫn đang cân nhắc.
Điều này cho thấy những quốc gia gần Nga đã thể hiện cam kết lớn hơn nhiều trong việc hỗ trợ cho Ukraine. Phần còn lại đã đi theo sự dẫn dắt của Mỹ, và từ chối cung cấp cho Ukraine các phương tiện để có thể đạt được thành công mang tính quyết định trong xung đột với Nga. Điều này có nghĩa là không có, hoặc có rất ít xe tăng chiến đấu chủ lực, máy bay chiến đấu, hoặc pháo tên lửa tầm xa được chuyển giao cho Kiev.
Thiếu vũ khí quan trọng
Vậy tại sao phương Tây lại tỏ ra thận trọng trong hoạt động hỗ trợ cho Ukraine? Vấn đề này xuất phát từ 3 lý do chính. Thứ nhất, một số nhà hoạch định chính sách phương Tây lo ngại việc cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí có khả năng giành phần thắng sẽ vượt qua “giới hạn đỏ”, và kích động Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Thứ hai, nếu Nga thất bại ở Ukraine sẽ kéo theo sự hỗn loạn. Thứ ba, Nga phải được duy trì với tư cách là một bên tham gia chính và thành phần quan trọng trong hệ thống quốc tế. Nếu Nga thất bại ở Ukraine, niềm tin này sẽ bị lung lay.
Trên thực tế, Tổng thống Joe Biden và các quan chức cấp cao Mỹ đã cảnh báo về mức độ nguy hiểm của việc kích động Thế chiến thứ 3, và xem đây là lý do căn bản để từ chối viện trợ một số vũ khí quan trọng cho Ukraine. Phần lớn các quốc gia châu Âu cũng đã học theo Mỹ.
Khi xung đột kéo dài, sự ủng hộ từ phương Tây dành cho Ukraine chắc chắn sẽ suy giảm. Với dân số và tài nguyên nhỏ hơn nhiều, quân đội và kinh tế Ukraine sẽ không thể trụ vững.
Hiện tại quân đội Ukraine vẫn chiến đấu, nhưng phải hứng chịu tổn thất nặng nề, và ngày càng thiếu đạn dược. Nếu như các nhà lãnh đạo phương Tây thay đổi chính sách hỗ trợ vào đầu năm 2024 nhằm giúp Ukraine được trang bị thêm nhiều vũ khí hiện đại, Kiev vẫn có khả năng chiếm ưu thế và giành chiến thắng. Điều đó có nghĩa là Kiev sẽ có thêm nhiều đạn pháo, hỏa lực tầm xa, sức mạnh không quân, và thiết bị tấn công xuyên thủng các tuyến phòng thủ của Nga.
Song thời gian và ngân sách hỗ trợ của các nước cho Ukraine đang sắp cạn. Mới đây, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận dần hết nguồn vốn được phê duyệt từ trước, và chỉ còn 1 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Khi 1 tỷ USD bị chi hết, Mỹ sẽ không thể bổ sung cho kho vũ khí được gửi tới hỗ trợ Ukraine.
>> Nga gia tăng sức ép tại Avdiivka, Mỹ sửng sốt trước yêu cầu của Ukraine