Vì sao Việt Nam cần 20 doanh nghiệp tư nhân lớn như các chaebol Hàn Quốc?
Xây dựng 20 tập đoàn tư nhân lớn không chỉ là bài học từ Hàn Quốc mà là động lực sống còn để Việt Nam bứt phá, tăng sức mạnh nội tại, giảm phụ thuộc và đưa nền kinh tế vươn ra thế giới.
Sau nhiều thập kỷ phụ thuộc vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để dẫn dắt xuất khẩu và tăng trưởng, Việt Nam đang đối mặt với giới hạn về giá trị gia tăng, chuyển giao công nghệ và quyền chủ động trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nghị quyết 68 ra đời là bước chuyển dịch chiến lược, đặt khu vực tư nhân vào vị trí trung tâm của tăng trưởng kinh tế quốc gia. Theo VinaCapital, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu này chính là việc hình thành ít nhất 20 doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, đủ sức đóng vai trò “đầu tàu” giống như các chaebol của Hàn Quốc đã từng làm.
![]() |
Mục tiêu phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo Nghị quyết 68 đến năm 2030 và 2045. Nguồn: Báo cáo "VinaCapital Insights – Nghị quyết 68: Sức bật cho nền kinh tế tư nhân Việt Nam". |
Doanh nghiệp lớn: Đòn bẩy cho nội lực và giá trị gia tăng
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy, sự phát triển thần tốc của các chaebol như Samsung, Hyundai, LG không chỉ đến từ quy mô vốn hay công nghệ mà chính từ khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và làm chủ các mắt xích then chốt. Theo VinaCapital, các doanh nghiệp tư nhân lớn tại Việt Nam cũng cần phải hướng tới việc kiểm soát các công đoạn có giá trị gia tăng cao, từ thiết kế, R&D đến thương mại hóa sản phẩm.
Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital nhận định: “Việt Nam kỳ vọng rằng, việc hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn hoạt động hiệu quả sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra việc làm chất lượng cao và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trước các biến động”. Điều này đặc biệt quan trọng khi nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với bài toán năng suất lao động thấp, tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu còn hạn chế, khiến tăng trưởng dễ bị tổn thương trước các cú sốc toàn cầu.
Việc thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn đầu tư mạnh vào R&D là bước đi bắt buộc. VinaCapital ủng hộ chính sách cho phép các doanh nghiệp này trích tối đa 20% lợi nhuận sau thuế cho R&D và được khấu trừ tới 200% khoản chi phí đó khỏi thu nhập chịu thuế. Đây là công cụ tài chính giúp doanh nghiệp Việt vượt qua “cái bẫy gia công” và tiến lên các nấc thang giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng.
VinaCapital: Người dẫn đường cho tham vọng chaebol hóa
Không chỉ dừng ở vai trò phân tích và tư vấn, VinaCapital đang trực tiếp đồng hành cùng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trên hành trình lớn mạnh. Với hơn 20 năm đầu tư vào khu vực tư nhân, VinaCapital đã góp phần giúp nhiều doanh nghiệp như Kido, Hòa Phát nâng tầm vị thế, từ doanh nghiệp nội địa thành các tập đoàn có sức cạnh tranh khu vực.
Theo VinaCapital, quỹ đầu tư tư nhân đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp vốn dài hạn, giúp doanh nghiệp vượt qua những hạn chế cố hữu về quy mô và nguồn lực. Ông Michael Kokalari khẳng định: “Lộ trình cổ phần hóa, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là bước đi quan trọng để thúc đẩy khu vực tư nhân vươn lên, tham gia sâu vào các ngành công nghiệp cốt lõi”. Việc VinaCapital tham gia đầu tư chiến lược không chỉ dừng lại ở dòng vốn mà còn bao gồm hỗ trợ quản trị, định hướng phát triển và mở rộng mạng lưới thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, VinaCapital đang mở rộng danh mục đầu tư vào các lĩnh vực then chốt như chế biến chế tạo, logistics, công nghệ cao và kinh tế số. Đây đều là những lĩnh vực có tiềm năng tạo ra giá trị gia tăng lớn và đóng vai trò xương sống cho nền kinh tế hiện đại, phù hợp với định hướng mà Nghị quyết 68 đề ra.
Hệ sinh thái tư nhân mạnh: Bệ phóng cho nền kinh tế tự cường
Một nền kinh tế muốn phát triển bền vững không thể thiếu một khu vực tư nhân lớn mạnh và có khả năng tự cường. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam cho thấy, phần lớn doanh nghiệp tư nhân hiện nay vẫn ở quy mô nhỏ và vừa, thiếu liên kết và rất dễ bị tổn thương trước biến động thị trường. VinaCapital nhận định, việc hình thành các tập đoàn tư nhân lớn chính là “cánh chim đầu đàn” dẫn dắt hệ sinh thái doanh nghiệp đi lên.
Chính phủ đã đặt mục tiêu cắt giảm ít nhất 30% thời gian, chi phí và thủ tục liên quan đến hoạt động doanh nghiệp, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Đây là nền tảng để doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch và đủ sức cạnh tranh trên sân chơi quốc tế.
VinaCapital cũng đặt trọng tâm vào việc xây dựng thế hệ doanh nhân mới – những người có tầm nhìn toàn cầu, dám nghĩ lớn và sẵn sàng đổi mới sáng tạo. Thông qua các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo quản trị và thúc đẩy chuyển đổi số, VinaCapital kỳ vọng tạo ra lớp doanh nhân có đủ năng lực để đưa doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế, giảm thiểu sự lệ thuộc vào khối FDI.
Trong dài hạn, hệ sinh thái doanh nghiệp tư nhân bền vững sẽ giúp Việt Nam tăng sức đề kháng trước các cú sốc kinh tế, đồng thời tạo ra động lực tăng trưởng từ nội lực. Đây cũng là bước đi then chốt để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, theo đúng lộ trình Nghị quyết 68 đã vạch ra.