Doanh nghiệp

Nghị quyết 68: Đột phá về pháp lý để doanh nghiệp phục hồi, phát triển

Minh Tuấn - Lâm Thùy Dương 10/05/2025 - 09:30

Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân tạo ra những bước ngoặt về tư duy, trong nhìn nhận về vai trò và sứ mệnh của doanh nghiệp tư nhân. Nghị quyết 68 nhấn mạnh “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”.

Liên quan tới Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân vừa ban hành, PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - về một số nội dung được quan tâm.

- Nghị quyết 68 được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt lịch sử trong phát triển doanh nghiệp tư nhân. Ông có ý kiến gì về việc triển khai nghị quyết này?

Nghị quyết 68 lần này rõ ràng có thể thấy được những bước ngoặt về tư duy, trong nhìn nhận về vai trò và sứ mệnh của doanh nghiệp tư nhân. Nghị quyết 68 nhấn mạnh “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”.

Nghị quyết 68: Đột phá về pháp lý để doanh nghiệp phục hồi, phát triển ảnh 1
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký VCCI.

Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp trên cả nước (hiện nay chúng ta chưa đến 1 triệu doanh nghiệp), đến 2045 có 3 triệu doanh nghiệp. Trong nghị quyết này cũng đặt ra mục tiêu rất cụ thể như khu vực này đến năm 2045 phải chiếm đến 60% GDP. Đây chính là nền tảng tạo ra sự phát triển kinh tế, tạo ra sự hùng mạnh của đất nước. Chúng ta thấy rõ ràng sứ mệnh của doanh nghiệp tư nhân được trao gửi rất lớn.

Đối với một đất nước, đối với một địa phương việc có được nhiều doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, doanh nghiệp chất lượng, quy mô lớn là yếu tố rất quan trọng đóng góp công ăn việc làm, thuế, phát triển khoa học công nghệ, giải quyết những vấn đề về an sinh xã hội rất lớn.

Trước đây, doanh nghiệp nhà nước độc quyền trong rất nhiều lĩnh vực, nhưng từ khi có nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia thì chất lượng dịch vụ, sản phẩm hoàn toàn khác. Điển hình như dịch vụ như công chứng, rất nhiều dịch vụ phục vụ hoạt động xuất khẩu từ khi tư nhân tham gia cũng tốt hơn, chi phí rẻ hơn. Trong lĩnh vực lưu trú, dịch vụ du lịch, điện ảnh, xây dựng công trình, công nghiệp ô tô... cũng vậy.

Nghị quyết 68: Đột phá về pháp lý để doanh nghiệp phục hồi, phát triển ảnh 2
Một công đoạn sản xuất xe trong nhà máy Vinfast. Ảnh: Vinfast.

Cách tiếp cận của Nghị quyết 68 cơ bản đã tạo ra một mặt bằng đối xử bình đẳng, công bằng.

- Một điểm trong Nghị quyết được doanh nghiệp, doanh nhân đặc biệt quan tâm đó là yêu cầu sửa đổi quy định về pháp luật đảm bảo nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Ông có thể phân tích sâu thêm về nội dung này?

Tôi cho rằng, đây thực sự là đột phá tư duy về công tác tư pháp, tư duy giải quyết đối với các vụ việc kinh tế và là nội dung doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Đã làm kinh doanh thì luôn đối mặt với những trục trặc, rủi ro pháp lý; những tranh chấp... Đối với người kinh doanh, một trong những nhu cầu lớn của họ là tính an toàn, thân thiện trong hệ thống pháp lý.

Trong giai đoạn vừa qua cũng có những lúc, những nơi lạm dụng các quy định hình sự trong giải quyết các tranh chấp về dân sự kinh tế, làm ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp. Chẳng hạn như có những vụ vi phạm có thể mãi không tìm ra được bằng chứng nhưng truy tố vội vàng. Mặc dù sau đó họ có thể được minh oan nhưng đã khiến cho doanh nghiệp, doanh nhân lâm vào con đường cực kỳ khó khăn, không gượng dậy được.

Nghị quyết 68 đánh dấu bước chuyển trong tư duy pháp lý, chúng ta không phải đưa ra quy định để trừng phạt mà giải pháp ở đây là để phục hồi và phát triển.

Vừa rồi có nhiều vụ việc rất đau xót. Có thể một cá nhân đứng đầu, kể cả chủ sở hữu của tập đoàn có vi phạm pháp luật nhưng không có nghĩa tập đoàn đấy phải bị triệt tiêu! Cách áp dụng pháp luật, cách thức xử lý những vụ việc như vậy gây thiệt hại rất lớn đến tập đoàn, đến thương hiệu đã hình thành rất nhiều năm, ảnh hưởng rất nhiều công ăn việc làm, tài sản của cổ đông. Suy cho cùng, chúng ta có thể cần phải giam giữ một vài cá nhân vi phạm nhưng chúng ta không thể giam giữ cả một tập đoàn.

Tôi ví dụ, sai phạm của một doanh nghiệp là 10 tỷ đồng thì pháp luật buộc doanh nghiệp đó phải bồi hoàn 10 tỷ đồng hoặc nhiều hơn số đó. Như vậy thiệt hại của cộng đồng, của nhà nước đã được bảo đảm chứ không nhất thiết doanh nhân đó phải vào tù. Tôi cho rằng nhiều chế định về kinh tế như thế thậm chí còn có tính răn đe cao hơn so với những giải pháp khác.

Nghị quyết 68: Đột phá về pháp lý để doanh nghiệp phục hồi, phát triển ảnh 3
Cảng Container ở Hải Phòng. Ảnh: Ngọc Mai.

- Thưa ông, việc triển khai, hiện thực hóa Nghị quyết 68 có thể gặp vướng mắc, khó khăn gì?

Nhiều tín hiệu cho thấy chúng ta đang triển khai tương đối tích cực ngay khi nghị quyết được ban hành. Chính phủ đã có những phiên họp để soạn thảo nghị quyết trình ngay kỳ họp Quốc hội này để giải quyết những vấn đề cấp bách đã nêu trong Nghị quyết 68.

Thực hiện Nghị quyết 68 phải thực sự là một nhiệm vụ chính trị. Từ Nghị quyết 68, mỗi bộ ngành, mỗi địa phương cần phải trăn trở làm sao có chính sách nào tốt cho doanh nghiệp mà mình cần phải thực hiện, cần áp dụng ngay.

Các địa phương phải luôn tự hỏi là chúng ta phải làm sao để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn. Mỗi địa phương sẽ có một cách thức khác nhau nhưng cần phải làm sao để sớm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân. Đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ ngành, địa phương phải gắn với các chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp, doanh nhân.

- Xin cảm ơn ông!

>> Đổi mới 2.0: Kinh tế tư nhân được giải phóng như thế nào sau Nghị quyết 68?

Chủ tịch Bamboo Airways: Nghị quyết 68 không phải 'vé miễn phí', ai không tự lái sẽ bị loại khỏi cuộc chơi

Đổi mới 2.0: Kinh tế tư nhân được giải phóng như thế nào sau Nghị quyết 68?

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/nghi-quyet-68-dot-pha-ve-phap-ly-de-doanh-nghiep-phuc-hoi-phat-trien-post1740705.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nghị quyết 68: Đột phá về pháp lý để doanh nghiệp phục hồi, phát triển
    POWERED BY ONECMS & INTECH