Vì sao VNG đi đường vòng qua thiên đường thuế Cayman lên sàn chứng khoán Mỹ?
"Kỳ lân" công nghệ Việt Nam VNG do ông Lê Hồng Minh làm CEO có thể sẽ sớm có tên trên sàn chứng khoán Mỹ sau khi cổ đông lớn tại thiên đường thuế Cayman của doanh nghiệp này nộp đơn niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Nasdaq.
Chờ cái tên Việt thứ 2 trên sàn chứng khoán Mỹ
"Kỳ lân" công nghệ Việt Nam VNG (Upcom: VNZ) do ông Lê Hồng Minh làm CEO vừa có thông báo, cổ đông lớn của doanh nghiệp là VNG Limited đã nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC).
VNG Limited được biết đến là cổ đông lớn nhất của VNG với tỷ lệ 49% (tính tới 2/8). Đây là một tổ chức nước ngoài có trụ sở tại quần đảo Cayman (Cayman Islands), một thiên đường thuế trên thế giới.
VNG Limited có 2 người liên quan là người nội bộ tại VNG, gồm Tổng Giám đốc (CEO) Lê Hồng Minh (sở hữu 12,27% vốn) và Phó Tổng Giám đốc thường trực - ông Vương Quang Khải (sở hữu 4,99% vốn).
Như vậy, nếu thuận buồm xuôi gió, VNG sẽ là cái tên doanh nghiệp lớn thứ 2 của Việt Nam lên sàn chứng khoán Mỹ, và cùng trên sàn Nasdaq Global Select Market. Đây là sàn chứng khoán công nghệ của Mỹ, quy tụ các doanh nghiệp công nghệ lớn, có tăng trưởng vượt trội.
VNG có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới, với 33 công ty con và công ty liên kết, trong đó 18 công ty và quỹ từ thiện tại Việt Nam và 14 công ty ở nước ngoài.
VNG được xem là “kỳ lân” đầu tiên của Việt Nam, một startup công nghệ có mức định giá trên 1 tỷ USD. VNG chào sàn Upcom (Việt Nam) ngày 4/1 năm nay với mức giá 240.000 đồng/cp. Tới ngày 16/2, cổ phiếu VNZ lên tới hơn 1,56 triệu đồng/cp sau 11 phiên tăng trần liên tiếp.
Khi đó VNG (chủ sở hữu ứng dụng Zalo) đã trở thành doanh nghiệp có giá cổ phiếu cao nhất mọi thời đại trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mức vốn hóa hơn 55.900 tỷ đồng (khoảng 2,3 tỷ USD).
Hiện, VNG có vốn hóa 29.500 tỷ đồng (tương đương hơn 1,2 tỷ USD). Trước đó, hồi năm 2014, VNG được định giá 1 tỷ USD. Còn năm 20219, Quỹ đầu tư Temasek của Chính phủ Singapore định giá VNZ ở mức 2,2 tỷ USD.
VNG có nhiều dự án lớn và đang ở vị trí hàng đầu trong lĩnh vực trò chơi và quảng cáo trực tuyến. ZaloPay được xem là một trong những ví điện tử số hàng đầu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, VNG có trung tâm dữ liệu VNG Data Center…
Trước đó ngày 15/8, VinFast đã chính thức trở thành công ty lớn đầu tiên của Việt Nam lên sàn chứng khoán Mỹ, khi niêm yết hơn 2,3 tỷ cổ phiếu VFS trên sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market.
“Vòng qua” thiên đường thuế để vươn tầm quốc tế?
Cho tới thời điểm này, vẫn còn sớm để có thể khẳng định VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có chinh phục được thị trường xe ô tô điện của Mỹ và sau đó là châu Âu, Trung Đông, ASEAN… hay không.
Nhưng có thể thấy, VinFast là một hiện tượng trên thị trường tài chính thế giới. Việc VinFast niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ cũng được đánh giá là một cú hích, thúc đẩy các doanh nghiệp vươn ra thế giới, tận dụng nguồn vốn khổng lồ trên thị trường quốc tế để có thể phát triển bứt phá.
Với mức vốn hóa 85 tỷ USD hiện tại, VinFast là hãng xe điện lớn thứ 2 thế giới, xếp sau hãng xe điện Mỹ Tesla của tỷ phú Elon Musk (752 tỷ USD). Các start-up xe điện khác như Li Auto, NiO, Rivian, Xpeng… đều có vốn hóa thấp hơn khá nhiều, tương ứng ở mức: 38,8 tỷ USD, 20,3 tỷ USD, 19,3 tỷ USD và 14,5 tỷ USD.
Vốn hóa của VinFast thậm chí còn vượt các hãng xe ô tô lâu đời như Mercedes - Benz (78,4 tỷ USD), BMW (70 tỷ USD), Volswagen (68 tỷ USD), Ferrari (56,7 tỷ USD), Honda (51,8 tỷ USD), Ford (48,3 tỷ USD),...
Nếu duy trì được mức giá như hiện tại và phát hành thành công cho các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường quốc tế, VinFast sẽ thu được nguồn vốn khổng lồ cho đầu tư và phát triển doanh nghiệp.
Nhiều nhà đầu tư gần đây đặt câu hỏi tại sao trước là VinFast và giờ là VNG chọn con đường vòng để lên sàn chứng khoán quốc tế. VinFast qua Singapore rồi lên sàn Mỹ, trong khi đó VNG để cổ đông lớn VNG Limited (trụ sở tại thiên đường thuế Cayman) đăng ký lên Nasdaq.
Chia sẻ về vấn đề này, một chuyên gia chứng khoán cho rằng, có thể có nhiều yếu tố liên quan tới pháp lý quốc tế phức tạp và doanh nghiệp chọn phương thức đi vòng như vậy. Bên cạnh đó, theo cảm quan của chuyên gia này thì, dù sao doanh nghiệp ngoài nước dễ niêm yết quốc tế hơn so với doanh nghiệp trụ sở trong nước.
Trước đó, để chuẩn bị cho việc IPO VinFast, cuối năm 2021, Tập đoàn Vingroup của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã tái cấu trúc về sở hữu của doanh nghiệp sản xuất này.
Tập đoàn đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp (51,52%) trong Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (VinFast Việt Nam) cho Công ty VinFast Trading & Investment, một công ty con của Vingroup có trụ sở chính tại Singapore (VinFast Singapore).
Sau tái cấu trúc, Vingroup và các cổ đông hiện hữu của VinFast Việt Nam trực tiếp sở hữu 100% cổ phần của VinFast Singapore, theo đó gián tiếp sở hữu 99,9% VinFast Việt Nam. Tập đoàn Vingroup vẫn duy trì tỷ lệ lợi ích 51,52% trong VinFast Việt Nam như hiện tại.
Với trường hợp VNG, cổ đông lớn VNG Limited mới chỉ nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC). Quy mô giao dịch và khoảng giá chào bán hiện chưa được xác định. VNG Limited dự kiến IPO cổ phiếu phổ thông loại A tại sàn chứng khoán Nasdaq.
Với lịch sử phát triển gần 20 năm (từ 2004) và nhiều sản phẩm hàng đầu, cùng với hệ sinh thái số lớn tại Việt Nam, VNG được kỳ vọng sẽ là doanh nghiệp lớn tiếp theo lên sàn chứng khoán Mỹ và có thể huy động được tiền từ các sàn có quy mô vốn hàng chục nghìn tỷ USD này.
Cũng giống như VinFast, VNG Limited cũng có các tổ chức tài chính nước ngoài lớn hỗ trợ như: Citigroup Global Markets, Morgan Stanley & Co, UBS Securities LLC (Credit Suisse Securities), Morgan Stanley…
Cổ phiếu VNZ của VNG trên sàn Upcom sáng 24/8 tăng mạnh hơn 13% lên 1.452.000 đồng/cp.
[LIVE] Thị trường 12/12: VN-Index lấy lại sắc xanh, dòng tiền phân hóa
Chứng khoán đi ngang, nhóm quỹ ETF bị rút ròng hơn 34.000 tỷ đồng