Vị Thiếu tướng lẫy lừng của Trường Sơn huyền thoại: Trái tim yêu nước ẩn trong dáng dấp nho nhã, là Phó tướng trực tiếp của Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên
Nếu không có chiến tranh, vị tướng xông pha trên mặt trận đường Trường Sơn khói lửa ấy có lẽ đã trở thành một thầy giáo.
Giữa con hẻm nhỏ trên đường Bạch Đằng (phường 2, quận Tân Bình, TP. HCM), trong ngôi nhà giản dị, mỗi buổi sáng, chiếc ghế quen thuộc nơi phòng khách từng là nơi mà vị tướng tuổi đã bách niên Phan Khắc Hy ngồi đọc báo mỗi buổi sáng. Dù có tuổi cao sức yếu, đôi mắt vị Thiếu tướng ấy vẫn luôn tinh tường, không cần tới mắt kính hỗ trợ.
Nội lực mạnh mẽ trong dáng dấp nho nhã của một thầy giáo
45 năm trôi qua, thế nhưng trong tâm trí Thiếu tướng Phan Khắc Hy, những kỷ niệm về tình đồng đội và những khoảnh khắc hào hùng của mùa xuân năm ấy vẫn nguyên vẹn. Ông chia sẻ: “Quê cha tôi ở Đức Thọ, Hà Tĩnh tuy thi đỗ tam trường nhưng vào thời Nho học thoái trào nên ông chuyển sang học chữ Quốc ngữ rồi vào xã Hoàn Lão, Bố Trạch, Quảng Bình vừa học, vừa làm thầy thuốc Đông y. Hai cụ thân sinh của tôi gặp nhau tại đây sinh ra sáu người con, tôi là người con trưởng. Sau này, cha tôi lại vào Quảng Ngãi dạy học và làm thuốc. Cách mạng Tháng Tám, ông làm Chủ nhiệm Việt Minh xã, sau mất do bị bệnh...”.
Ngay từ thời trẻ, ông Phan Khắc Hy đã mang trong mình lòng dũng cảm và tiếp nối truyền thống gia đình. Từ tháng 4 năm 1945, ông trở thành cán bộ Việt Minh, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa huyện Bố Trạch với lòng nhiệt huyết tuổi trẻ. Trải qua 22 năm chiến đấu, từ thời chống Pháp sang thời chống Mỹ, đến năm 1967, khi Bộ Tư lệnh Không quân được thành lập, ông được bổ nhiệm làm Chính ủy, đặc trách công tác chính trị và tổ chức. Ông đã góp phần quan trọng trong việc tuyển chọn, đào tạo phi công và xây dựng đội ngũ cán bộ không quân.
Tháng 5/1971, ông được điều từ Quân chủng Phòng không Không quân về Đoàn 559, đảm nhận trọng trách Phó Tư lệnh Đoàn 559, kiêm phụ trách Tổng cục Hậu cần Tiền phương, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Vị tướng tuổi bách niên luôn vui vẻ, hóm hỉnh khi nhớ lại những ngày tháng gian khổ trên đường Trường Sơn, nơi bom đạn dày đặc và từng đoàn xe chở bộ đội, thiết bị rầm rập tiến về chiến trường miền Nam.
Chị Tám, người giúp việc của ông, kể rằng trước đây, thi thoảng ông sẽ giật mình và la hét trong giấc ngủ. Có lẽ đó là ký ức về những trận bom rải thảm ác liệt nơi Trường Sơn. Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, ông đã dành 5 năm (1971-1975) để gắn bó với con đường huyền thoại này.
“Được xông pha ngang dọc suốt Đông - Tây Trường Sơn là những năm tháng sống và chiến đấu hào hùng nhất trong cuộc đời binh nghiệp của tôi”, ông nói.
Tướng Phan Khắc Hy mang dáng vẻ của một thầy giáo: nho nhã, nhỏ nhẹ, với giọng Quảng Bình pha chút ngọt ngào của xứ Huế. Nếu không có chiến tranh, có lẽ vị nguyên Phó Tư lệnh Binh đoàn 559, Binh đoàn Trường Sơn anh hùng và Phó tướng của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trên mặt trận Trường Sơn ác liệt ấy sẽ thích hợp với nghề dạy học hơn. Nhưng đằng sau sự nho nhã ấy là một nội lực mạnh mẽ và tiềm tàng, từng được tôi luyện qua những năm tháng chiến đấu hào hùng.
Ông Hy từng nói về những ngày tháng khốc liệt đó: “Tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh không phải một con đường mà là một hệ thống đường, một chiến trường trọng yếu, một căn cứ, một địa bàn chiến lược do Quân đội nhân dân Việt Nam làm chủ”.
Phó tướng trực tiếp của Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên
Binh đoàn 559 của bộ đội Trường Sơn được thành lập vào tháng 5/1959, gắn liền với thời khắc lịch sử khi Tướng Đồng Sỹ Nguyên nhận lệnh từ Bác Hồ và Quân ủy Trung ương. Chính tại làng Ho (Quảng Bình), ông đã bổ nhát cuốc đầu tiên để mở ra con đường Trường Sơn huyền thoại, con đường trở thành mạch sống quan trọng phục vụ chiến trường miền Nam.
“Những năm sau này, chúng tôi có nhiều chuyến đi tìm làng Ho lịch sử nhưng không thể vì đấy là làng của người đồng bào Pako, Vân Kiều, họ có tập tục du canh, du cư nên làng xưa bây giờ không còn dấu tích”, ông Phan Khắc Hy kể lại.
Khi nhận nhiệm vụ, Tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn căn dặn ông Hy: Trong công tác vận chuyển chiến lược, cần nắm vững “cầu đường phải đi trước một bước dài; nắm vững lực lượng vận tải ô tô, lực lượng xung kích thực hiện nhiệm vụ; phải nắm vững nghệ thuật quân sự để chỉ đạo chỉ huy vận tải quân sự trong chiến tranh…”.
Những lời dạy ấy đã trở thành những bài học sâu sắc, giúp ông Hy vận dụng sáng tạo và hiệu quả trong suốt quá trình chiến đấu.
Tết năm 1975, ông được phân công tháp tùng đoàn của Đại tướng Văn Tiến Dũng tiến vào Tây Nguyên, qua Kon Tum và Buôn Ma Thuột để tham gia trận mở màn của chiến dịch.
“Dọc đường bộ đội và thanh niên xung phong vừa làm đường vừa ca hát, thấy xe thủ trưởng liền í ới: “Thủ trưởng ơi, quà Tết cho chúng em với!”, ông vui vẻ kể lại. Trên xe luôn có lược, kẹp tóc cho chị em và thuốc lá cho cánh nam giới, những món quà nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa giữa chiến trường khốc liệt.
Hàng ngàn, hàng vạn chuyến xe chở quân và thiết bị hạng nặng liên tục tuôn trào về phía Nam, tạo nên một không khí sôi nổi, hừng hực khí thế. “Nhiều đoạn chúng tôi phải nhảy xuống điều tiết xe để tránh nhau”, ông nhớ lại. Tốc độ vận chuyển của bộ đội ta rất nhanh, lực lượng 559 đảm nhiệm bảo đảm đường xá, cầu cống và vận chuyển suôn sẻ cho toàn chiến dịch.
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ, vật tư, đạn dược và nhu yếu phẩm từ hậu phương được đưa vào tiền tuyến một cách thông suốt. Các trạm xăng dầu và tuyến đường ống đã được kéo dài đến tận Chơn Thành (Bình Phước), đảm bảo xe đi đến đâu, xăng có đến đó.
Vào lúc 11h30 sáng ngày 30/4/1975, khi nghe Đài Phát thanh Sài Gòn phát đi lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh, ông Hy và toàn bộ đội ngũ 559 vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Bộ đội 559 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, không chỉ bảo vệ cầu đường và vận tải chi viện, mà còn tham gia tác chiến phòng không và bộ binh, góp phần quan trọng vào việc cơ giới hóa bộ binh trong chiến dịch tấn công.
Ông nói: “Tất cả chúng tôi vui mừng khôn tả! Bộ đội 559 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngoài nhiệm vụ bảo vệ cầu đường, vận tải chi viện, tác chiến phòng không và bộ binh, nhiệm vụ có ý nghĩa nhất là cơ giới hóa bộ binh trong chiến dịch tấn công”.
Minh chứng sống cho sự bền bỉ của tình yêu thời chiến và 500 lá thư tình vượt lửa đạn
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, vợ của tướng Phan Khắc Hy, là một bác sĩ tài giỏi. Hai người gặp nhau trong hoàn cảnh đặc biệt khi bà Lan tạm dừng việc học để tham gia chiến đấu tại mặt trận Bình Trị Thiên. Lúc ấy, ông Phan Khắc Hy đang giữ vai trò Phó Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng Quảng Bình, được điều động để xây dựng lực lượng chủ lực.
Tình cảm giữa họ nảy nở ngay từ lần gặp đầu tiên trên chiến trường. Hai trái tim đầy nhiệt huyết với cách mạng, với Tổ quốc đã xích lại gần nhau và cùng nhau vượt qua những ngày tháng chiến tranh đầy gian khổ.
“Đó là tiếng sét ái tình đấy. Thanh niên tham gia cách mạng, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng nhưng lòng vẫn thầm mong có tình yêu làm chỗ dựa”, tướng Phan Khắc Hy kể với với Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến
Ông Phan Khắc Hy mãi không quên được gia đình nền nếp, gia giáo của bà Lan. Là cháu ngoại của một nhà nho xứ Nghệ, bà Lan dù cảm mến ông Hy nhưng luôn tránh mặt vì sợ gia đình khiển trách. Để được phép tìm hiểu bà Lan, ông Hy phải nhờ đến Tư lệnh mặt trận Bình Trị Thiên viết thư xin phép ông ngoại của bà. Khi nhận được thư đồng ý từ Hà Tĩnh, bà Lan mới chính thức đón nhận tình cảm của ông Hy.
Hai năm sau, vào năm 1952, họ chính thức nên duyên vợ chồng tại chiến khu Ba Lòng. Tuần trăng mật của họ chỉ kéo dài một tuần trước khi mỗi người lại trở về với nhiệm vụ riêng, tiếp tục cuộc hành trình gian khổ nhưng đầy ý nghĩa.
Trong suốt những năm tháng chiến đấu ở mặt trận, tướng Phan Khắc Hy phải xa nhà liên miên, từ kháng chiến chống Pháp đến cuộc chiến chống Mỹ. Một mình bà Lan ở nhà quán xuyến công việc gia đình, chăm sóc con cái và hai người mẹ già. Mỗi tình cảm yêu thương của ông đều được gửi gắm qua những cánh thư.
Tháng 5 năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Hy viết thư cho bà Lan từ Sài Gòn: “Em yêu. Chắc em không ngờ ngày 7/5 năm nay anh lại ngồi viết thư cho em tại Sài Gòn giải phóng… Tròn 30 năm tham gia cách mạng, trực tiếp được dự ngày lịch sử giải phóng hoàn toàn miền nam, ngày vĩnh viễn giành độc lập tự do thống nhất cho Tổ quốc, anh và mọi người vui sướng. Anh vẫn khỏe và cũng như các anh khác, trẻ lại hàng chục tuổi... Vấn đề lớn bây giờ và sắp tới là xây dựng đất nước thống nhất, phồn vinh, em sẽ về cùng tham gia vào sự nghiệp đó…Viết vội chừng này... Gửi em tất cả niềm vui, xúc động, nhớ thương và tự hào...”.
Trong suốt 24 năm xa cách, từ năm 1952 đến khi đất nước thống nhất năm 1976, họ đã trao đổi hơn 500 bức thư, chứa đựng không chỉ tình yêu mà cả những kỷ niệm kháng chiến và mong ước về ngày đất nước thống nhất. Những bức thư này đã được in trong tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam,” trở thành minh chứng cho tình yêu và sự cống hiến của hai người trong suốt hành trình lịch sử.
Mãi đến năm 1976, khi bà Lan trở về từ Tiệp Khắc, hai người mới chính thức đoàn tụ sau 24 năm xa cách. Những bức thư gửi gắm bao kỷ niệm ấy vẫn được họ gìn giữ cẩn thận, là minh chứng cho một tình yêu vượt thời gian và thử thách.
Kết hôn hơn nửa thế kỷ, tình yêu của tướng Phan Khắc Hy và bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Lan vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Ông bà cùng nhau chia sẻ cuộc sống thường ngày, chăm sóc lẫn nhau một cách tận tâm và chu đáo. Bà Lan, dù đã cao tuổi, vẫn chu đáo lo cho ông từng bữa cơm, ly nước, còn ông thì hàng ngày đo huyết áp, chăm sóc bà khi ốm đau.
"Ông đi biền biệt bao nhiêu năm. Những năm sống tại Hà Nội, ông cũng ở suốt trong đơn vị, không thường xuyên ở nhà. Một tay tôi cùng bà ngoại các cháu lo cho ba đứa con nhưng tôi không trách cứ gì ông ấy. Các con tôi cũng vậy. Bởi ông đang bận việc nước. Và dù xa cách nhưng mẹ con tôi vẫn cảm nhận được tình thương bao la mà ông dành cho chúng tôi. Tình cảm ấy vẫn tươi mới cho đến nay, đã hơn 60 năm rồi", bà Lan tâm sự với báo Người lao động.
Sau tất cả những đóng góp to lớn của ông cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tới ngày 20/6/2024, Thiếu tướng Phan Khắc Hy là một trong bốn đảng viên thuộc Đảng bộ phường 2, quận Tân Bình, TP. HCM vinh dự nhận huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.
Tới 14h30 chiều ngày 17/9/2024, thông tin từ gia đình Thiếu tướng Phan Khắc Hy cho biết ông đã qua đời, thọ 97 tuổi. Hội Truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh Việt Nam cũng đăng thông báo tướng Phan Khắc Hy qua đời trên trang web của hội (theo tin từ Ban Liên lạc Trường Sơn TP. HCM gửi ra chiều 17-9).
Trang web ghi, Thiếu tướng Phan Khắc Hy “là vị chỉ huy cuối cùng trong Bộ Tư lệnh Trường Sơn, người đảng viên nhận huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, cây đại thụ của Trường Sơn”.
Đại tá Trần Thế Tuyển, nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, Trưởng Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn - Báo SGGP bày tỏ sự tiếc thương: “Ông ơi, ông hãy thanh thản nơi cõi vĩnh hằng. Chúng con mãi là người lính Trường Sơn của ông, sẽ đi tiếp con đường mà Bác Hồ cùng thế hệ cha ông, trong đó có các vị tướng huyền thoại Trường Sơn đã chọn”.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, phó chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online: “Tạm biệt anh, một con người không chỉ dũng cảm mà còn rất uyên bác, trí tuệ, sáng tạo. Vừa có tâm, vừa có tài, vừa có tầm. Sống rất tình nghĩa với đồng đội, cấp dưới.
Vĩnh biệt anh Phan Khắc Hy, một trong những biểu tượng của Trường Sơn huyền thoại một thời”.
Tang lễ Thiếu tướng Phan Khắc Hy tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam, số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP. HCM.
Lễ viếng từ 7h ngày 20/9.
Lễ truy điệu từ 5h ngày 21/9. An táng tại Nghĩa trang TP. HCM.
*Theo Báo Quân đội nhân dân, Báo Giao thông, Trang điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Nhân dân, tổng hợp