Vị vua duy nhất Việt Nam từng đỗ Trạng nguyên, sáng lập cả một triều đại
Chỉ trong 20 năm, ông từ một người giữ chức quan nhỏ đã leo lên đỉnh cao quyền lực.
Mạc Thái Tổ tên thật là Mạc Đăng Dung (1483-1541), sinh ra tại làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng). Ông là vị vua duy nhất của Việt Nam từng thi đỗ Trạng nguyên.
Tương truyền, Mạc Đăng Dung xuất thân từ một gia đình nghèo làm nghề đánh cá. Ngay từ nhỏ, ông đã đã có tinh thần trượng võ, sức khỏe hơn người và nổi tiếng khắp vùng về môn đấu vật. Thời kỳ vua Lê Uy Mục còn trị vì, Mạc Đăng Dung đã đăng ký thi tuyển võ sĩ tại Thăng Long và xuất sắc đỗ Võ trạng nguyên. Nhờ đó, ông được chọn vào đội quân túc vệ, cầm lọng theo nhà vua.
Trong vòng 20 năm, Mạc Đăng Dung từ chức nhỏ đã nhanh chóng leo lên đỉnh cao quyền lực. Năm 1527, ông được phong làm An Hưng Vương và đến tháng 6 cùng năm, Mạc Đăng Dung buộc vua Lê Cung Hoàng phải nhường ngôi, chính thức lập nên nhà Mạc.
Theo sử sách, Mạc Đăng Dung là người có nghị lực mạnh mẽ và mưu trí sắc bén. Từ một lính cầm lọng cho vua, ông đã từng bước xây dựng quyền lực trong triều đình, uy tín trong dân chúng để vươn lên đỉnh cao, trở thành vị hoàng đế khai sáng nhà Mạc.
Mạc Đăng Dung còn được các sử gia sau này đánh giá cao vì cách đối nhân xử thế. Khi phế bỏ nhà Lê sơ để lên ngôi, ông đã không tiến hành bất kỳ cuộc tàn sát nào đối với con cháu nhà Lê hay những người trung thành với triều đình cũ. Ông cũng bảo tồn các di sản văn hóa và kiến trúc của nhà Lê sơ tại Thăng Long và Thanh Hóa, thậm chí còn cho tu bổ các công trình quan trọng như Quốc Tử Giám ở Thăng Long và khu lăng mộ vua Lê ở Lam Kinh, Thanh Hóa. Những việc làm này của Mạc Đăng Dung được coi là hiếm có trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Dù chỉ trị vì ngắn ngủi trong khoảng 3 năm trước khi nhường ngôi cho con trai là Mạc Đăng Doanh và lên làm Thái thượng hoàng, Mạc Đăng Dung đã để lại dấu ấn quan trọng cho sự phát triển của nhà Mạc. Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi, Hội Sử học TP. Hải Phòng, vai trò của Mạc Đăng Dung trong tiến trình lịch sử dân tộc vẫn được giới sử học đánh giá cao cho đến ngày nay.
Triều đại nhà Mạc bắt đầu suy yếu khi vua Mạc Mậu Hợp trị vì. Năm 1592, quân của Trịnh Tùng đánh bại nhà Mạc, buộc họ Mạc phải rời Thăng Long và rút lui về vùng đất Cao Bằng. Tại đây, nhà Mạc duy trì quyền lực thêm ba đời vua nữa trước khi bị nhà Lê trung hưng tiêu diệt hoàn toàn.
Nhà Mạc rời khỏi Thăng Long và chạy lên Cao Bằng vào năm 1592. Đến năm 1677, quân của chúa Trịnh đã tiêu diệt hoàn toàn nhà Mạc. Như vậy, nhà Mạc đã duy trì quyền lực thêm 85 năm sau khi rời khỏi kinh đô.
Mặc dù rút về Cao Bằng và không đủ sức chống lại thế lực Lê – Trịnh, các sử gia nhà Nguyễn ghi nhận rằng nhà Mạc chưa từng có ý định cầu viện quân sự từ nhà Minh để chiếm lại Thăng Long.
Trong di chúc của Mạc Ngọc Liễn, một vị quan lớn dưới triều Mạc, ông đã viết: “Nay khí vận nhà Mạc đã cạn, họ Lê hưng phục, đó là số trời đã định. Dân chúng vô tội mà mắc phải nạn binh đao, thật không nỡ. Cuối cùng, chớ nên mời quân Minh vào trong nước, khiến cho dân phải lầm than đau khổ. Đó là tội lớn, không có gì so được”.
>> Triều đại duy nhất trong lịch sử Việt Nam có hai vị vua ngồi chung một ngai vàng