Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ: Cứ ngủ ít đi 1 giờ, GPA của sinh viên sẽ giảm 0,07 điểm

17-02-2023 08:55|Đức Anh

Theo nghiên cứu, khi bắt đầu học kỳ, cứ mỗi giờ ngủ trung bình hàng đêm bị mất đi có thể khiến điểm trung bình của sinh viên giảm 0,07.

Theo Washington Post, nghiên cứu kéo dài trong 2 năm về thói quen ngủ của hơn 600 sinh viên năm nhất đại học cho thấy càng ngủ ít mỗi đêm, điểm trung bình cuối kỳ của sinh viên càng thấp. Nghiên cứu này được công bố hôm 13/2 trên tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra cứ mỗi giờ ngủ trung bình/đêm bị mất đi khi bắt đầu học kỳ có liên quan đến việc giảm 0,07 điểm GPA cuối kỳ của sinh viên.

David Creswell, tác giả chính của nghiên cứu, giáo sư tâm lý học, khoa học thần kinh tại Đại học Carnegie Mellon, cho biết khi sinh viên ngủ ít hơn 6 tiếng/đêm, ảnh hưởng của việc mất ngủ đối với điểm số của họ thậm chí còn rõ rệt hơn.

Giấc ngủ giúp não xử lý và lưu giữ thông tin mà nó đã học được. Khi ai đó bị thiếu ngủ, khả năng chú ý và trí nhớ cũng bị suy giảm.

Trước đó cũng có khá nhiều nghiên cứu về mối tương quan giữa giấc ngủ với khả năng học tập của học sinh sinh viên. Một trong số đó phải kể đến nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Theo nghiên cứu, những sinh viên không ngủ đủ giấc có thể dẫn đến điểm số thấp hơn 50%. Đặc biệt, những sinh viên đi ngủ sau 2 giờ sáng thì sẽ làm bài kiểm tra kém hơn, ngay cả khi họ ngủ đủ 7 tiếng. Những phát hiện này bổ sung thêm bằng chứng về tầm quan trọng của giấc ngủ đối với thành công của sinh viên.

Theo giáo sư Creswell, áp lực cạnh tranh tại môi trường đại học khiến một số sinh viên phải thức khuya, đặc biệt là sinh viên năm nhất, lần đầu tiên sống xa nhà. Trung bình, sinh viên trong nghiên cứu đi ngủ vào khoảng 2 giờ 30 phút sáng. Hầu như không sinh viên nào đi ngủ trước nửa đêm và họ ngủ khoảng 6,5 giờ/đêm.

cu-ngu-it-di-1-gio-gpa-cua-sinh-vien-se-giam-0-07-diem-1.jpg

Thời gian ngủ khuyến nghị

Các khuyến nghị về giấc ngủ thay đổi theo độ tuổi và số lượng giấc ngủ mà một cá nhân cần có thể khác nhau. Nói chung, thanh thiếu niên nên ngủ từ 8-10 tiếng. Còn đối với những người từ 18-25 tuổi thì nên giảm thời gian ngủ xuống còn 7-9 tiếng.

Giáo sư Creswell không muốn giải thích cho sinh viên về những phát hiện này nhưng theo nghiên cứu, có vẻ việc ngủ đủ giấc sẽ giúp tăng điểm trung bình của họ.

Nhóm tác giả đã thực hiện 5 nghiên cứu. Họ tuyển các sinh viên năm nhất đại học tham gia khóa học về nhiều chuyên ngành tại Đại học Carnegie Mellon, Đại học Notre Dame và Đại học Washington.

Ông Creswell cho hay để theo dõi giấc ngủ, sinh viên sẽ đeo thiết bị Fitbit Flex hoặc Fitbit HR trong toàn bộ học kỳ. Nhóm tác giả tránh nghiên cứu thói quen ngủ của sinh viên trong đợt thi cuối kỳ và lúc làm báo cáo học kỳ vì họ cho rằng giấc ngủ trung bình của sinh viên sẽ tiếp tục giảm.

Sau khi kiểm soát các yếu tố khác như học sinh có ngủ trưa hay không, số tín chỉ và điểm trung bình của học kỳ trước, các nhà nghiên cứu nhận thấy giấc ngủ trung bình hàng đêm tiếp tục dự đoán điểm GPA cuối kỳ của sinh viên.

Theo ông Creswell, sinh viên đi ngủ lúc mấy giờ và liệu giờ đi ngủ của họ có thay đổi hàng ngày hay không dường như không ảnh hưởng đến kết quả.

Ngoài ra, nghiên cứu tương tự đối với 100 sinh viên kỹ thuật tại Viện Công nghệ Massachusetts được công bố vào năm 2019 đã chỉ ra mối liên hệ giữa điểm số của sinh viên và thời lượng ngủ của họ. Nghiên cứu đó cũng tiết lộ rất khó để bù đắp cho thói quen ngủ không tốt. Không có sự cải thiện về điểm số ở sinh viên đảm bảo ngủ đủ giấc trước kỳ thi quan trọng.

Ngủ không đủ giấc sẽ tạo ra tình trạng "nợ ngủ"

cu-ngu-it-di-1-gio-gpa-cua-sinh-vien-se-giam-0-07-diem-2.jpg

Ông Creswell không rõ tại sao ngủ ít lại khiến sinh viên có điểm trung bình thấp hơn. Điều này có lẽ xuất phát từ việc ngủ trong thời gian dài hơn, không bị gián đoạn sẽ tạo điều kiện cho giấc ngủ REM, giai đoạn chuyển động mắt nhanh một cách vô thức tương ứng với hoạt động cao trong não. Ngược lại, giấc ngủ ngắn, ngủ không đủ giấc sẽ tạo ra tình trạng "nợ ngủ" theo thời gian, khiến sinh viên không thể tập trung.

Ông nói: "Những sinh viên này sẽ đến lớp với tình trạng buồn ngủ và dĩ nhiên, họ sẽ gặp khó khăn trong việc tập trung và học tập".

Còn Aric Prather - nhà tâm lý học tại Đại học California ở San Francisco, đồng thời là tác giả của cuốn sách "Đơn thuốc cho giấc ngủ" cho biết những phát hiện này có thể cung cấp thông tin về những thay đổi mang tính hệ thống tại các trường đại học, các chiến dịch hoặc hội thảo nhằm giúp sinh viên có giấc ngủ ngon hơn.

Aric nói: "Giấc ngủ giống như chất keo gắn kết cuộc sống của chúng ta với nhau trong nhiều lĩnh vực. Khi thứ đó biến mất, hoặc ít dính hơn, điều tồi tệ sẽ xảy ra".

Grace Pilch - sinh viên năm nhất chuyên ngành thiết kế đồ họa sống trong ký túc xá tại Đại học Pennsylvania, cho biết cô cần ngủ ít nhất 8 tiếng để học tập và hoạt động thể chất.

Nữ sinh quan tâm đến việc ngủ đủ giấc ở trường đại học hơn là ở trường trung học vì "tiền học các môn ở bậc đại học rất đắt đỏ". Đến thời điểm hiện tại, cô đang giữ mức điểm trung bình (GPA) khoảng 3,8 - một mức điểm khá cao. Bí quyết là bởi Pilch và bạn cùng phòng của mình thường xây dựng thói quen đi ngủ lúc 11 giờ tối trong tuần.

Creswell cho biết, thành công trong học tập sớm ở trường đại học có thể dự đoán liệu sinh viên có thể tốt nghiệp hay sẽ bỏ dở việc học giữa chừng và các chương trình của trường nhằm giải quyết thói quen ngủ có thể giúp sinh viên năm nhất vượt qua giai đoạn này. Ông nói: "Chúng tôi thực sự có thể dạy cho họ, trong năm đầu tiên ở trường đại học, các kiểu ngủ tốt hơn để đạt được thành tích học tập".

Tại Đại học Pennsylvania ở Philadelphia, 200 sinh viên và nhân viên đã đăng ký khóa học trực tuyến kéo dài 7 tuần về xây dựng thói quen ngủ tốt hơn.

Rebecca Huxta, Giám đốc y tế công cộng và sức khỏe tại trường đại học, cho hay kể từ khi bắt đầu chương trình, người tham gia ghi nhận các triệu chứng mất ngủ của họ đã giảm đi.

Thần đồng Toán học 8 tuổi đạt 760/800 điểm SAT, 24 tuổi được phong hàm Giáo sư, IQ cao hơn cả Albert Einstein, là hội viên của Viện Hàn lâm Khoa học thế giới

Thần đồng Toán học duy nhất Việt Nam 7 tuổi giải được Toán lớp 12, 15 tuổi dẫn đầu toàn thế giới, gia nhập Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ

Vệ tinh quan sát trái đất bằng công nghệ radar đầu tiên của Việt Nam sắp được phóng lên quỹ đạo: Nặng gần 600kg, có khả năng quan sát cả ngày lẫn đêm trong mọi điều kiện thời tiết

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vien-han-lam-khoa-hoc-my-cu-ngu-it-di-1-gio-gpa-cua-sinh-vien-se-giam-007-diem-169781.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ: Cứ ngủ ít đi 1 giờ, GPA của sinh viên sẽ giảm 0,07 điểm
POWERED BY ONECMS & INTECH