Doanh nghiệp

Việt Nam cần hơn 350.000 tỷ đồng đầu tư hệ thống 'siêu' cảng biển

Thảo Đan 29/07/2024 09:23

Theo dự báo, lượng hành khách thông qua cảng biển tới năm 2030 dự kiến đạt từ 17 đến gần 19 triệu lượt khách, bao gồm cả hành khách quốc tế và nội địa.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, dự báo tới năm 2030, sản lượng hàng hóa qua các khu vực cảng biển sẽ đạt khoảng 1,2-1,4 tỷ tấn hàng hóa, với sản lượng hàng hóa container tính theo Teu dự kiến khoảng 46,30-54,34 triệu Teu.

Với dự báo hàng hóa thông qua từng nhóm cảng biển, nhóm cảng biển số 1 và số 4 dự kiến sẽ có sản lượng hàng hóa thông qua tới năm 2030 cao nhất, khoảng 321-383 triệu tấn (nhóm cảng biển số 1) và từ 499-564 triệu tấn (nhóm cảng biển số 4).

Theo dự báo, lượng hành khách thông qua cảng biển tới năm 2030 dự kiến đạt từ 17 đến gần 19 triệu lượt khách, bao gồm cả hành khách quốc tế và nội địa.

Tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 33.800ha (bao gồm các khu vực phát triển cảng biển, khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và các khu công nghiệp, logistics... gắn liền với cảng), trong đó cảng biển là 17.300ha. Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 606.000ha.

1.jpg
Một góc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải

Dự kiến, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 cần khoảng 351.500 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 72.800 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 278.700 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).

Quy hoạch cảng biển, bến cảng, cầu cảng được Bộ GTVT trình Chính phủ cũng định hướng các nhiệm vụ ưu tiên đầu tư đến năm 2030.

Về kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, ưu tiên đầu tư, cải tạo, nâng cấp luồng sông Văn Úc cho tàu 10.000 tấn; luồng sông Chanh cho tàu đến 50.000 tấn; luồng Cẩm Phả cho tàu đến 200.000 tấn; luồng Nghi Sơn cho tàu đến 50.000 tấn; luồng Thọ Quang cho tàu đến 10.000 tấn; luồng Hòn La, Quy Nhơn, Ba Ngòi cho tàu đến 50.000 tấn; luồng Vũng Tàu - Thị Vải phục vụ tàu đến 200.000 tấn giảm tải (18.000 TEU); luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu cho tàu trọng tải 10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải; luồng hàng hải qua cửa Trần Đề cho tàu đến 2.000 tấn và các tuyến luồng khác...

Ngoài ra, đầu tư xây dựng công trình đê chắn sóng cảng Vũng Áng, Chân Mây; hạ tầng công cộng bến cảng ngoài khơi Trần Đề. Cải tạo, nâng cấp hệ thống đê chắn cát luồng Cửa Việt, Cửa Gianh; chỉnh trị luồng hàng hải Diêm Điền, Văn Úc. Hệ thống quản lý hàng hải tàu biển (VTS) tại luồng Hòn Gai - Cái Lân và luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu.

Với các bến cảng biển, sẽ đưa vào khai thác từ bến cảng số 3 đến bến cảng số 8 tại khu bến Lạch Huyện; các bến tại khu bến Liên Chiểu, các bến cảng chính thuộc cảng biển loại I; các bến cảng khách du lịch, bến khách quốc tế và các bến du thuyền gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn gắn trung tâm điện lực than, khí, xăng dầu, luyện kim; các bến phục vụ khu kinh tế ven biển; kêu gọi đầu tư các bến cảng tại các cảng biển tiềm năng Vân Phong và Trần Đề.

>> Thành phố trực thuộc Trung ương quyết tâm xây khu kinh tế thế hệ mới 20.000ha

cang-bien20240729015231.7869740.jpg
Phối cảnh dự án siêu cảng Trần Đề

Bên cạnh đó, đầu tư bến khởi động khu bến Nam Đồ Sơn (Hải Phòng), các bến cảng tại khu vực Cái Mép hạ, cùng bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP. HCM) và khu bến Trần Đề (Sóc Trăng).

Như vậy, theo Quy hoạch, cảng biển Hải Phòng sẽ quy hoạch phát triển mạnh tại khu bến Lạch Huyện và Nam Đồ Sơn.

Đến năm 2030, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng dự kiến đạt từ 175,4 triệu tấn đến 215,5 triệu tấn (trong đó hàng container từ 12,15 triệu TEU đến 14,92 triệu TEU, chưa bao gồm hàng container trung chuyển quốc tế); hành khách từ 20,4 nghìn-22,8 nghìn lượt khách.

Về quy mô, khu bến Lạch Huyện sẽ có từ 13-16 bến cảng (gồm 14-18 cầu cảng) đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 61,4 triệu tấn đến 90 triệu tấn, hành khách từ 10,5 nghìn-11 nghìn lượt khách.

2-171155807070538386951220240729015232.1092540.jpg
Một góc khu bến cảng Lạch Huyện, Hải Phòng

Khu bến Đình Vũ sẽ có 15 bến cảng (gồm 35 cầu cảng), đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa khoảng 80 triệu tấn.

Đối với khu bến Nam Đồ Sơn, Văn Úc được định hướng gồm khu vực Nam Đồ Sơn có 2 bến cảng khởi động đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 10 triệu tấn đến 12 triệu tấn, hành khách từ 9,9 nghìn-11,8 nghìn lượt khách.

Khu vực sông Văn Úc phát triển đồng bộ với tiến trình di dời các bến cảng trong sông Cấm và lộ trình đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp liền kề. Quy mô khu bến sông Cấm, Phà Rừng, Văn Úc từ 38-39 bến cảng (gồm 49 cầu cảng đến 54 cầu cảng), đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 23,7 triệu tấn đến 32,6 triệu tấn.

Tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Hải Phòng sẽ tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5%- 5,3%/năm. Đồng thời, hoàn thiện khu bến Lạch Huyện với quy mô 20 bến cảng container. Khu bến Nam Đồ Sơn phát triển quy mô phù hợp với nhu cầu tăng trưởng hàng hóa.

>> 'Đất vàng' Bình Định chính thức đón khu dân cư gần 170 tỷ đồng

Bất ngờ địa phương 'đánh bại' cả nước, chiếm 'ngôi vương' về thu hút FDI

Thành phố trẻ nhất cả nước được 'rót' hơn 130.000 tỷ để 'thăng hạng' không gian đô thị

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/viet-nam-can-hon-350000-ty-dong-dau-tu-he-thong-sieu-cang-bien-243499.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Việt Nam cần hơn 350.000 tỷ đồng đầu tư hệ thống 'siêu' cảng biển
POWERED BY ONECMS & INTECH