Việt Nam có một nhà nguyện hơn 160 tuổi giữa 'hòn ngọc viễn Đông', mang đậm dấu ấn nhà canh tân yêu nước
Đại chủng viện không chỉ là nơi tổ chức các buổi lễ lớn của cộng đồng Công giáo mà còn là điểm đến thú vị cho du khách.
Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, tọa lạc trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, được xây dựng từ năm 1863 bởi linh mục Wilbaux. Tính đến nay, công trình đã 161 năm tuổi nhưng vẫn giữ được vẻ nguyên vẹn và nét kiến trúc Gothic đặc trưng của Pháp.
Công trình được xây dựng trong ba năm, bao gồm Đại chủng viện, Nhà thờ Thánh Phaolô, Chủng viện Thánh Phaolô, nhà nguyện và tu viện... với kiến trúc đặc trưng của các thánh đường châu Âu. Một năm sau khi khánh thành, cha Wibaux tiếp tục xây dựng nhà nguyện, hoàn tất vào năm 1871. Nhà nguyện dài 30m, rộng và cao 10m, nổi bật với mái vòm cao thoáng đãng và hệ thống cửa kính với họa tiết tinh xảo.
Bên trong Đại chủng viện còn lưu giữ mộ phần của linh mục Wilbaux - người sáng lập Đại chủng viện. Phía trước nhà nguyện là khu nhà truyền thống trưng bày nhiều đồ vật quý hiếm tuổi đời hàng nghìn năm, có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa và tâm linh của cộng đồng Công giáo, bao gồm đồ cổ, sách cổ, di tích các Thánh tử đạo, các tượng điêu khắc, và tranh nghệ thuật tôn giáo. Bên cạnh nhà nguyện là bức tượng bán thân của ông Nguyễn Trường Tộ (1830 - 1871), người đã thiết kế bản vẽ Đại chủng viện. Ông cũng nổi tiếng với nhiều kế hoạch cải cách táo bạo nhằm đưa đất nước thoát khỏi cảnh trì trệ và phát triển.
Đại chủng viện không chỉ là nơi tổ chức các buổi lễ lớn của cộng đồng Công giáo mà còn là điểm đến thú vị cho du khách. Bạn nên ghé thăm vào các ngày trong tuần từ 8h đến 17h, hoặc có thể ngồi lại đọc sách tại thư viện ở dãy nhà đối diện nhà nguyện.
Nơi đây cũng là nơi an táng của Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, người qua đời sau khi dâng Thánh lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Phaolô ở ngoại thành Roma. Dù đã được cấp cứu kịp thời, ông không qua khỏi và ra đi vào lúc 5h ngày 7/3, hưởng thọ 74 tuổi. Mộ phần của ông nằm cạnh hai mộ phần của Đức cố Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình và Đức Giám mục phụ tá Luy Phạm Văn Nẫm.
Sau 30/4/1975, phần lớn đất của tu viện thánh Phaolô tách ra làm trường Tiểu học Sư phạm mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm mầm non, trung tâm văn hóa, hai cụm dân cư... và một phần phía Đông bị phá dỡ để xây dựng đường Nguyễn Hữu Cảnh.