Việt Nam có thêm thành phố trực thuộc Trung ương, chủ đầu tư điều chỉnh thủ tục dự án tại đó như thế nào?
Chủ đầu tư sẽ điều chỉnh thủ tục dự án theo chỉ đạo của thành phố.
Kể từ ngày 1/1, Nghị quyết số 175 của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và Nghị quyết số 1314 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 chính thức có hiệu lực. Theo đó, tên gọi và địa giới của các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tại TP. Huế đã có sự thay đổi.
Để giảm thiểu các tác động liên quan đến việc cập nhật giấy tờ trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Huế đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, đảm bảo hạn chế tối đa các vướng mắc và phát sinh chi phí không đáng có.
Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Phương chỉ đạo, trong trường hợp việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã làm thay đổi thông tin dự án đầu tư, các chủ đầu tư và ban quản lý dự án phải chủ động tham mưu để thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các quy định liên quan. Mục tiêu là đảm bảo các công trình không bị đình trệ thi công, nghiệm thu hay thanh toán do những thay đổi thông tin trong quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính.
Đối với các dự án đang thực hiện, chưa quyết toán hoặc sắp khởi công mới trong năm 2025, Chủ tịch UBND TP. Huế đã đề ra các phương án xử lý cụ thể. Với các dự án thuộc cấp huyện, cấp xã quản lý và không nằm trong diện sáp nhập, việc triển khai sẽ tiếp tục theo quy định hiện hành. Đối với các dự án thuộc cấp huyện, cấp xã sáp nhập để hình thành đơn vị hành chính mới, trách nhiệm triển khai sẽ được chuyển giao cho đơn vị hành chính mới theo quy định.
Các dự án khởi công mới do UBND TP. Huế quản lý sẽ được giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho đơn vị thuộc UBND quận quản lý theo thẩm quyền. Trong trường hợp dự án trải rộng trên địa bàn hai quận Phú Xuân và Thuận Hóa, nhiệm vụ chủ đầu tư sẽ được giao cho đơn vị thuộc quận có khối lượng công việc trên địa bàn lớn hơn 50%.
Đối với các dự án chuyển tiếp, bao gồm cả các dự án đã hoàn thành nhưng chưa quyết toán hoặc các dự án đã quyết toán nhưng còn tồn tại các vấn đề công nợ, tất toán tài khoản, nhiệm vụ chủ đầu tư sẽ được chuyển giao cho UBND quận quản lý địa bàn. Các dự án trải rộng trên địa bàn hai quận sẽ tuân theo nguyên tắc tỷ trọng khối lượng công việc lớn hơn 50% để xác định đơn vị tiếp nhận nhiệm vụ. Chủ đầu tư hiện tại có trách nhiệm nghiệm thu các hạng mục dang dở trước khi bàn giao toàn bộ hồ sơ cho đơn vị mới.
Trường hợp việc sắp xếp lại đơn vị hành chính theo Nghị quyết 1314 làm thay đổi thông tin về địa điểm thực hiện, chủ đầu tư, hoặc các nội dung khác của dự án, các đơn vị được giao nhiệm vụ phải hoàn thành thủ tục điều chỉnh dự án theo đúng quy định trước ngày 15/1/2025.
Những chỉ đạo cụ thể này nhằm đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư công không bị gián đoạn, đồng thời tạo sự đồng bộ trong công tác quản lý và điều hành khi TP. Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam.
Cái kết cho gia chủ tham lam: Ép chủ đầu tư tính bồi thường vô lý cho dự án quốc gia hơn 4.000km
Lộ diện chủ đầu tư thực hiện dự án khu du lịch hơn 2.500 tỷ tại bãi biển đẹp bậc nhất Nam Trung Bộ