Việt Nam đang giám sát nho Trung Quốc nhập khẩu như thế nào?
Mới đây, Thái Lan đã phát hiện hàng loạt mẫu nho sữa Trung Quốc có chất cấm độc hại.
Mới đây, cơ quan quản lý Thái Lan đã đưa ra cảnh báo về tình trạng nho sữa nhiễm hóa chất sau khi phát hiện hầu hết mẫu trái cây thu thập được đều có lượng hóa chất độc hại vượt quá mức cho phép.
Nho sữa hay còn biết đến là nho mẫu đơn vốn được gọi là nho “quý tộc” bởi giá bán vô cùng đắt đỏ. Đây là một giống nho nổi tiếng của Nhật Bản, mới xuất hiện tại thị trường Việt Nam gần chục năm nay.
Thời gian đầu, trên thị trường chỉ có nho sữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Sau này, giống nho này được du nhập vào Trung Quốc năm 2009 và được trồng ở thôn Đinh Trang (tỉnh Giang Tô) từ năm 2011. Vài năm trở lại đây, diện tích trồng giống nho này ở Trung Quốc được mở rộng nên sản lượng nho sữa cũng tăng theo.
Năm 2020, lần đầu tiên nho sữa Trung Quốc xuất hiện tại chợ Việt với giá bán cực rẻ, chỉ bằng 1/5, thậm chí 1/20 so với giá bán của nho sữa Hàn Quốc và Nhật Bản.
Hiện nay, nho sữa Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam với giá ngày càng rẻ, có những loại chỉ có giá vài chục nghìn đồng cho một kg. Theo ghi nhận của Vietnamnet, giá nho sữa trên thị trường phổ biến dao động từ 50.000-80.000 đồng/kg. Thậm chí có loại chỉ có giá 20.000-30.000 đồng/kg.
Ngày 31/10, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết hiện nay các lô trái cây, bao gồm cả nho sữa khi nhập khẩu vào Việt Nam đều đang được áp dụng phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm thông thường. Trình tự, thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm được thực hiện theo Nghị định 15.
Theo Nghị định 15, ba phương thức kiểm tra an toàn thực phẩm bao gồm: kiểm tra chặt (kiểm tra hồ sơ kết hợp với lấy mẫu kiểm nghiệm), kiểm tra thông thường (kiểm tra hồ sơ của lô hàng) và kiểm tra giảm (kiểm tra hồ sơ tối đa 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu trong vòng 1 năm do cơ quan hải quan lựa chọn mẫu ngẫu nhiên).
Việc áp dụng phương thức kiểm tra nào còn phụ thuộc vào các đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm với các lô hàng hoặc mặt hàng nhập khẩu.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Ngoài ra, Cục cho biết bên cạnh công tác kiểm tra đối với trái cây nhập khẩu trước thông quan, hàng năm Cục Bảo vệ thực hiện thực hiện chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nguồn gốc thực vật nhập khẩu.
Mục đích của chương trình này là đánh giá mức độ an toàn của các thực phẩm nhập khẩu, phục vụ hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu và ngăn chặn kịp thời các lô hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, cơ quan này còn đưa ra các đề xuất kịp thời với cơ quan quản lý để bổ sung hoặc thay đổi các chỉ tiêu kiểm tra, mặt hàng kiểm tra để phù hợp với tình hình và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Nho nhập khẩu đã được Cục Bảo vệ thực vật đưa vào chương trình giám sát về an toàn thực phẩm năm 2024. Theo đó, tiến hành kiểm tra 10 mẫu nho nhập khẩu từ Trung Quốc, không phát hiện mẫu vi phạm an toàn thực phẩm (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) của Việt Nam.
Trong khi đó, vào năm 2023, khi tiến hành kiểm tra 77 mẫu, phát hiện 1 mẫu vi phạm quy định của Việt Nam.
Về vấn đề Thái Lan phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nho sữa Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam cho biết đã liên hệ và lấy thông tin chính thức từ Bộ Nông nghiệp Thái Lan.
Sau khi có thông tin chính thức, trên cơ sở kết quả phân tích và cảnh báo chính thức từ Thái Lan, Cục sẽ xem xét và áp dụng phương thức kiểm tra chặt chẽ đối với các lô hàng nho nhập khẩu từ Trung Quốc để đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng.