Tỉnh được đặt tới 2 nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ dôi dư hàng loạt trụ sở, hàng trăm cán bộ sau sáp nhập
Tỉnh này sẽ dôi dư 16 trụ sở và 229 cán bộ, công chức sau khi sáp nhập.
Theo thông tin từ Sở Tài chính Hà Tĩnh, phương án sắp xếp đơn vị hành chính của tỉnh Hà Tĩnh trong giai đoạn 2023-2025 là mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Tĩnh trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 11 xã tại huyện Thạch Hà, 2 xã tại huyện Cẩm Xuyên và 1 xã tại huyện Lộc Hà.
Toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 11 xã, thị trấn của huyện Lộc Hà sẽ được nhập vào phần diện tích tự nhiên, dân số còn lại của huyện Thạch Hà. Như vậy, tỉnh Hà Tĩnh sẽ giảm 1 huyện là huyện Lộc Hà.
Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, Hà Tĩnh dự kiến phát sinh dôi dư 7 cơ sở nhà, đất là trụ sở các cơ quan, đơn vị cấp huyện trên địa bàn huyện Lộc Hà.
Bên cạnh đó, Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho biết, sau khi tỉnh giảm đi một huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh có tổng 57 công chức và 47 viên chức phải sắp xếp, xử lý.
Đối với đơn vị cấp xã, trong giai đoạn 2023-2025, có 23 xã, phường thực hiện phương án sắp xếp. Sau khi sắp xếp, dự kiến có 9 trụ sở dôi dư cần giải quyết.
Ngoài ra, có tổng 125 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã phải sắp xếp, xử lý đến năm 2029, cụ thể: 64 cán bộ, 45 công chức và 16 người hoạt động không chuyên trách.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Để giải quyết những trụ sở dôi dư sau sáp nhập, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động tổng hợp số cơ sở nhà, đất thuộc diện sắp xếp, xử lý và đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với từng trường hợp.
Hiện Sở Tài chính Hà Tĩnh đang phối hợp làm việc cùng các Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và các địa phương liên quan thống nhất các phương án dự kiến xử lý cơ sở nhà, đất, trụ sở dôi dư sau sáp nhập để đưa vào đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 của tỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với các trụ sở dôi dư sẽ tổ chức bán đấu giá hoặc cho thuê theo quy định hiện hành.
Còn đối với cán bộ dôi dư cấp huyện, Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho biết, những phương án dự kiến sắp xếp, xử lý gồm: nghỉ hưu đúng tuổi, nghỉ hưu trước tuổi, chuyển đơn vị khác và thực hiện phương án khác.
Riêng đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sẽ tiến hành rà soát, đánh giá và phân loại số cán bộ, công chức dôi dư và thực hiện giải quyết theo những hướng xử lý sau: nghỉ hưu theo chế độ bảo hiểm xã hội; thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định của trung ương, tỉnh; điều chuyển, bố trí sang các xã còn thiếu trong cùng một huyện; tiếp nhận làm công chức cấp tỉnh, cấp huyện nếu đảm bảo điều kiện; điều chuyển sang chức danh khác; chuyển sang chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Hà Tĩnh là một trong 3 địa phương được bố trí sắp xếp 2 nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Cụ thể, 2 ga ở Hà Tĩnh gồm ga Hà Tĩnh (xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà) và ga Vũng Áng (xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh).
Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là dự án quan trọng, có vai trò bước ngoặt đối với hệ thống giao thông của Việt Nam. Dự án đi qua 20 tỉnh, thành phố. Mỗi địa phương được bố trí 1 nhà ga, bên cạnh đó, có địa phương được bố trí 2 ga để đảm bảo tàu chạy với vận tốc khai thác tối đa 320km/h, chiếm 70-80% chiều dài giữa 2 ga dừng (cự ly tăng tốc khoảng 7,2km; cự ly giảm tốc khoảng 9,5km).
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam không chỉ giúp Hà Tĩnh nói riêng mà còn giúp Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với những tính năng vượt trội, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam hứa hẹn sẽ thúc đẩy liên kết vùng, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, giảm thiểu lượng khí thải carbon.
>>Tỉnh được đặt tới 2 nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc Nam nỗ lực để đón ‘đại bàng làm tổ’
Tại sao đường sắt tốc độ cao Bắc Nam không kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau?
Vì sao Ngọc Hồi, Thủ Thiêm được chọn là 2 ga đầu mối đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam?