Việt Nam đủ điều kiện để thành lập trung tâm tài chính quốc tế chưa?
Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP HCM và trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.
Sáng 4/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố Nghị quyết 259 của Chính phủ ngày 31/12/2024 về Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại TP HCM.
Trước đó, tại Thông báo số 47-TB/TW ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP HCM và trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.
Ban chỉ đạo về Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam cũng đã được thành lập, do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban.
Tại Hội nghị, trả lời câu hỏi "Việt Nam đủ điều kiện để thành lập trung tâm tài chính quốc tế chưa?", Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định,'Việt Nam đang có đủ 5 yếu tố, điều kiện cần thiết'để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính quốc tế và khu vực.
Ảnh minh họa Trung tâm tài chính quốc tế Bình An |
5 yếu tố, điều kiện mà Thủ tướng nói đến gồm:
Thứ nhất về GDP: Tổng quy mô GDP năm 2024 của Việt Nam khoảng 470 tỷ USD, quy mô nền kinh tế xếp hạng 33-34 thế giới. Bình quân GDP đầu người khoảng 4.600-4.700 USD. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm vừa qua, đồng thời kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, phấn đấu đạt mức 2 con số trong những năm tới.
Thứ hai, về hạ tầng: Đột phá chiến lược đang đạt được những thành quả rất tích cực theo hướng thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.
Thứ ba, thị trường chứng khoán: Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm 2023, tương đương 70,4% GDP ước tính năm 2023. Tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán đạt 2 con số, cao nhất khu vực.
Thứ tư, về quy mô nền kinh tế: Việt Nam có nền kinh tế hội nhập, độ mở lớn, đã ký kết 17 FTA với trên 65 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Quy mô xuất nhập khẩu khoảng 800 tỷ USD, gấp khoảng 1,7 lần GDP.
Thứ năm, về chính trị: Chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, cuộc sống thanh bình, có môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển là lợi thế của Việt Nam.
Ảnh minh họa một góc TP HCM |
Ngoài ra, Việt Nam có vị trí chiến lược, vị trí địa chính trị quan trọng, nằm ở khu vực phát triển năng động, sáng tạo hàng đầu thế giới, có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu.
Thủ tướng đánh giá, việc sớm phát triển trung tâm tài chính và khu vực và quốc tế có 5 ý nghĩa, tác động tích cực:
- Giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu;
- Thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo thêm nguồn lực mới, thúc đẩy nguồn lực hiện hữu;
- Tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế để phát triển kinh tế-xã hội;
- Thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, theo chuẩn mực quốc tế;
- Tạo ra động lực mới, tạo sự đột phá về phát triển.
Việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam là yêu cầu tất yếu, khách quan trong giai đoạn phát triển mới, giai đoạn vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc, Thủ tướng khẳng định.