Việt Nam muốn làm chủ công nghiệp đường sắt, Viettel, VNPT được xem xét giao nhiệm vụ quan trọng
Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển công nghiệp đường sắt, trình Chính phủ trong tháng 6/2025.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành kết luận tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực đường sắt. Theo đó, việc phát triển hệ thống đường sắt, đặc biệt là các tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị và các tuyến kết nối quan trọng, được xác định có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Với quy mô đầu tư vô cùng lớn, các dự án như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, và các tuyến đô thị tại Hà Nội, TP. HCM được xem là cơ hội để Việt Nam làm chủ công nghệ và phát triển công nghiệp đường sắt. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030-2045, Việt Nam phải phát triển được công nghiệp đường sắt, bao gồm việc làm chủ sản xuất toa xe, đầu máy và hệ sinh thái liên quan.
![]() |
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030-2045 phải phát triển được công nghiệp đường sắt |
Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu tập trung vào các giải pháp: đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; hình thành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân; huy động mọi nguồn lực tài chính như vốn ngân sách, vốn vay, ODA, phát hành trái phiếu và khai thác quỹ đất theo hình thức TOD; xây dựng bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù; và có tổng công trình sư có trình độ để chỉ đạo các dự án...
Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển công nghiệp đường sắt, trình Chính phủ trong tháng 6/2025. Bộ Xây dựng được giao xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực, phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan để xác định nhu cầu, hình thức, kế hoạch đào tạo nhân lực phục vụ quản lý, vận hành, khai thác các dự án.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu việc giao Tập đoàn Viettel và VNPT đảm nhận việc tiếp nhận, phát triển, làm chủ công nghệ hệ thống thông tin, tín hiệu và hệ thống điều khiển của các dự án đường sắt.
Ngoài ra, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc tăng vốn điều lệ và giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện theo quy định pháp luật để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.