Việt Nam muốn thành số 1 Đông Nam Á về số lượng startup thiết kế vi mạch bán dẫn
Để phát triển ngành vi mạch bán dẫn, Việt Nam cần tập trung phát triển phần thiết kế và hình thành nhiều startup tham gia vào công đoạn này, hướng tới mục tiêu số 1 Đông Nam Á về số lượng vào năm 2030.
Thông tin trên được ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc FPT Semiconductor, đưa ra tại một sự kiện được tổ chức tại TPHCM, sáng 31/10.
Theo ông Nguyễn Vinh Quang, vừa qua đã có cuộc gặp mặt các chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn từ khắp nơi trên thế giới để bàn về chiến lược phát triển ngành này ở Việt Nam trong thời gian tới.
Để phát triển vi mạch bán dẫn, các chuyên gia cho biết, Việt Nam cần tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tập trung vào phần thiết kế, hình thành các startup tham gia vào công đoạn thiết kế vi mạch và hướng tới mục tiêu thành số 1 Đông Nam Á về số lượng công ty thiết kế vi mạch bán dẫn vào năm 2030.
Đồng thời, Việt Nam cũng cần phấn đấu để trở thành quốc gia số 1 Đông Nam Á về kiểm thử và đóng gói trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Việc tập trung vào kiểm thử và đóng gói, theo ông Nguyễn Vinh Quang, xuất phát từ việc Chính phủ Mỹ mong muốn định hình lại chuỗi cung ứng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn trên thế giới, đồng thời muốn hỗ trợ Việt Nam tham gia vào lĩnh vực này.
Giám đốc FPT Semiconductor cũng tiết lộ, FPT sẽ tham gia vào kiểm thử và đóng gói, tuy nhiên, sẽ không tham gia nhiều vào khâu đóng gói do lĩnh vực này cần đầu tư nhiều máy móc, kỹ sư và công nhân.
Chính vì thế, FPT sẽ tham gia vào lĩnh vực kiểm thử vì khâu này tỉ lệ máy móc và kỹ sư sẽ tầm 50-50, thậm chí là cần kỹ sư nhiều hơn.
Bên cạnh đó, lĩnh vực kiểm thử cũng không giống quy trình như Intel đang thực hiện, mà sẽ dựa trên nhiều loại chip khác nhau. Riêng lĩnh vực đóng gói, công ty cũng chỉ tập trung vào R&D.
>> Thu nhập từ ngành vi mạch bán dẫn có thể lên tới 2 tỷ đồng/người/năm