Vĩ mô

Việt Nam nghiên cứu gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế giới OECD

Trần Thường 23/01/2025 12:30

Ngày 22/1 (giờ địa phương), tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế giới (OECD) Mathias Cormann.

Thủ tướng đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và OECD, Việt Nam muốn nghiên cứu tham gia OECD và đề nghị Tổng Thư ký chỉ đạo các ban chuyên môn của OECD chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chính sách và hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới việc đáp ứng các chuẩn mực quản trị toàn cầu của OECD...

Thủ tướng cũng đề nghị OECD ủng hộ, hỗ trợ để Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn, quy trình, hướng tới việc gia nhập OECD; tạo điều kiện để Việt Nam cử chuyên gia, cán bộ làm việc tại Ban Thư ký OECD.

img0580 1737557532980186441779.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann. Ảnh: TTXVN

Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann đánh giá cao Việt Nam đảm nhiệm xuất sắc vai trò đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD.

OECD mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam; sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong tư vấn chính sách và những vấn đề Việt Nam cần. Đồng thời nhất trí sẽ hỗ trợ Việt Nam tham gia Tuyên bố của OECD về Đầu tư Quốc tế và Doanh nghiệp Đa quốc gia, tăng cường kết nối giữa các ban chuyên môn của OECD và bộ, ngành của Việt Nam, góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và OECD trong thời gian tới.

Thủ tướng trân trọng mời ông Mathias Cormann tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ 4 dự kiến diễn ra vào tháng 4 và Hội nghị Bộ trưởng UNCTAD 16 diễn ra vào tháng 10 tại Việt Nam.

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) là một diễn đàn dành cho chính phủ của các nền kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới cùng nhau bàn bạc giải quyết các vấn đề kinh tế của bản thân họ và của thế giới. OECD đặt ra quy định và tiêu chuẩn cao về kinh tế có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Hiện OECD có 38 thành viên, hầu hết trong số đó là các quốc gia có thu nhập cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tiếp Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof.

Hà Lan hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Âu và là nhà đầu tư lớn nhất của Cộng đồng châu Âu (EU) tại Việt Nam. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp nhiều thách thức, kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2024 đạt 13,77 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2023.

img0583 17375490415701984929619 (1).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng bày tỏ cảm kích về tình cảm đặc biệt mà lãnh đạo và nhân dân Hà Lan dành cho Việt Nam, nhất là tình cảm của Nhà Vua Willem-Alexander và Hoàng hậu Máxima; bày tỏ mong muốn sớm được đón Nhà Vua và Hoàng hậu Hà Lan sang thăm Việt Nam.

Trên cơ sở tin cậy chính trị ngày càng được củng cố và quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt được vun đắp trong hơn 50 năm qua, Thủ tướng đề nghị Hà Lan sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và thúc đẩy EU sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU đối với thủy sản Việt Nam.

Thủ tướng Dick Schoof cho biết Vua và Hoàng hậu Hà Lan mong sớm thăm lại Việt Nam, Hà Lan quan tâm và sẽ xem xét đầu tư vào lĩnh vực chip bán dẫn tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Chính phủ Hà Lan tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam hội nhập thành công và đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội ở sở tại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mời Thủ tướng Dick Schoof sớm thăm Việt Nam, tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Thủ tướng đánh giá cao tầm nhìn sâu rộng, chiến lược của Giáo sư Schwab trong việc sáng lập WEF và đưa WEF trở thành một diễn đàn kinh tế có quy mô và uy tín hàng đầu thế giới.

img0564 17375475734341899803409.jpg
Thủ tướng chứng kiến lễ trao bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Quốc gia Hà Nội cho Giáo sư Klaus Schwab. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng đề nghị Giáo sư Schwab ủng hộ Việt Nam thực hiện chủ trương phát triển khoa học công nghệ, thông qua kết nối với các doanh nghiệp thành viên WEF, chuyên gia, nhà khoa học cùng Việt Nam phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ để tối đa hóa cơ hội của các bên trong kỷ nguyên thông minh. Thủ tướng cũng đề nghị WEF hỗ trợ Việt Nam và đồng chủ trì một diễn đàn kinh tế hằng năm ở quy mô thế giới tại TPHCM.

Giáo sư Klaus Schwab tin tưởng rằng Việt Nam đang đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong quá trình tái cấu trúc cục diện địa chính trị của khu vực và trên thế giới.

Giáo sư Schwab bày tỏ sự trân trọng những tình cảm mà người dân, sinh viên Việt Nam dành cho ông trong chuyến thăm Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội; tin tưởng thế hệ trẻ Việt Nam sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành một đầu tàu kinh tế mạnh mẽ của châu Á. Giáo sư Schwab vui vẻ nhận lời thu xếp dự Hội nghị P4G và UNCTAD 16 tại Hà Nội trong năm 2025.

>> OECD: Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% vào năm 2025, gấp đôi trung bình thế giới

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ Phó Thủ tướng Trung Quốc, thúc đẩy các dự án lớn mang tính biểu tượng

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Lithuania

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/viet-nam-muon-gia-nhap-to-chuc-hop-tac-va-phat-trien-kinh-te-the-gioi-oecd-2365906.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Việt Nam nghiên cứu gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế giới OECD
    POWERED BY ONECMS & INTECH