Đến năm 2050, Việt Nam lên kế hoạch sẽ sở hữu 2 trung tâm vận tải hàng không hàng đầu khu vực.
Ngày 14/7, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại buổi hội nghị, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay đã được Bộ Giao thông Vận tải tổ chức lập từ tháng 4/2020; được triển khai nghiên cứu bởi các đơn vị tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực Giao thông Vận tải là Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải (TDSI).
Đặc biệt, Quy hoạch có sự tham gia của một trong những công ty tư vấn nước ngoài hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hàng không là Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và kỹ thuật sân bay của Pháp (ADPi) thuộc Tập đoàn Aéroports de Paris (ADP). Đây là công ty đã tư vấn quản lý, thiết kế nhiều công trình cảng hàng không quốc tế lớn trên thế giới.
Quy hoạch đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phát triển hệ thống cảng hàng không theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Trong đó, về vận tải, tổng sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không khoảng 275,9 triệu hành khách (chiếm 1,5-2% thị phần vận tải giao thông và chiếm 3-4% tổng sản lượng vận tải hành khách liên tỉnh). Tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng hàng không khoảng 4,1 triệu tấn (chiếm 0,05-0,1% thị phần vận tải giao thông).
Về kết cấu hạ tầng: Ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng hàng không lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng thủ đô Hà Nội (Cảng hàng không quốc tế Nội Bài) và vùng TP.HCM (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành); từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả các cảng hàng không hiện hữu, tiếp tục nghiên cứu, đầu tư các cảng hàng không mới để nâng tổng công suất thiết kế hệ thống cảng hàng không đáp ứng khoảng 294,5 triệu hành khách, phấn đấu trên 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100km.
Tầm nhìn đến 2050, hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế ngang tầm khu vực tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP.HCM. Đầu tư đưa vào khai thác các cảng hàng không mới phấn đấu khoảng 97% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100km. Mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không tại các trung tâm kinh tế vùng, bảo đảm nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, Quy hoạch xác định việc bố trí các trung tâm logistics tại các cảng hàng không có nhu cầu vận tải lớn hơn 250.000 tấn/năm.
Các trung tâm logistics bảo đảm các điều kiện về kho vận và kết nối các loại hình giao thông thích hợp để vận tải hàng hóa tại các cảng hàng không gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Đà Nẵng, Chu Lai, Long Thành, Cần Thơ và một số cảng hàng không khác khi có nhu cầu vận tải hàng hóa đạt tiêu chí nêu trên. Hình thành trung tâm logistics trung chuyển hàng hóa quốc tế tại cảng hàng không Chu Lai.
Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Bổ sung vốn cho Bộ Giao thông vận tải để xây cầu Phong Châu mới
Đề xuất đường sắt cao tốc Bắc - Nam đi qua Nam Định: Hướng tuyến đã được nghiên cứu kỹ