Việt Nam sắp đón sân vận động quy mô 22.000 chỗ ngồi đạt chuẩn quốc tế
Đây là sân vận động có quy mô lớn nhất khu vực trung du, miền núi phía Bắc.
Sau hơn hai năm xây dựng, dự án Sân vận động Thái Nguyên – công trình thể thao trọng điểm của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc – đang bước vào giai đoạn hoàn thiện cuối cùng, chuẩn bị bàn giao đưa vào sử dụng trong quý II/2025.

Dự án được khởi công từ tháng 12/2022 tại xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên, với tổng mức đầu tư hơn 535 tỷ đồng, trên diện tích hơn 15ha. Sân có sức chứa lên tới 22.000 chỗ ngồi, tương đương với Sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội), lớn hơn nhiều so với các sân vận động tại khu vực như Việt Trì (20.000 chỗ) hay Điện Biên (10.000 chỗ), trở thành sân vận động có quy mô lớn nhất khu vực trung du, miền núi phía Bắc.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án, đến thời điểm hiện tại, mặt sân chính đã hoàn thành việc trồng cỏ, lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động và đang trong quá trình bảo dưỡng để đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế. Các hạng mục xây lắp như cửa, lan can, vách khán đài đã cơ bản hoàn tất. Hiện các nhà thầu đang sơn hoàn thiện và điều chỉnh lại những điểm chưa đạt yêu cầu về kỹ thuật và thẩm mỹ.


Các hệ thống kỹ thuật quan trọng như điện, nước, phòng cháy chữa cháy, trạm biến áp, mái che, đường nội bộ cùng các khe co giãn quanh sân đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Đèn chiếu sáng và hệ thống ghế ngồi cũng đang được nhập khẩu và chuẩn bị lắp đặt trong tháng 5/2025.
Sân vận động được thiết kế hiện đại với mặt sân bóng đá tiêu chuẩn FIFA, đường pitch bao quanh gồm 8 đường chạy vòng và 10 đường chạy thẳng. Ngoài ra, nơi đây còn tích hợp khu vực thi đấu các môn điền kinh như nhảy xa, nhảy cao, đẩy tạ..., tạo điều kiện tổ chức các giải đấu đa dạng trong nước và khu vực.
Không chỉ dừng lại ở một công trình thể thao, Sân vận động Thái Nguyên còn là một phần quan trọng trong chiến lược nâng tầm hạ tầng văn hóa – thể thao của địa phương. Công trình được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm tổ chức các sự kiện thể thao cấp quốc gia và khu vực, đồng thời là địa điểm lý tưởng cho các hoạt động văn hóa, lễ hội, du lịch quy mô lớn.
Trong bối cảnh Thái Nguyên đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và đô thị hóa, việc hoàn thiện Sân vận động quy mô lớn không chỉ đáp ứng nhu cầu thể thao – giải trí của người dân, mà còn góp phần nâng cao hình ảnh đô thị, tăng sức hấp dẫn về du lịch và đầu tư cho toàn khu vực.
Theo định hướng lâu dài, sân vận động Thái Nguyên có thể trở thành hạt nhân của tổ hợp thể thao – văn hóa tích hợp, tương tự mô hình đã thành công tại một số tỉnh, thành lớn. Điều này mở ra khả năng khai thác kinh tế từ dịch vụ phụ trợ như tổ chức sự kiện, cho thuê mặt bằng, phát triển thương mại – dịch vụ quanh khu vực sân.
Đây cũng là bước chuẩn bị cần thiết trong bối cảnh thể thao Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế, đòi hỏi cơ sở hạ tầng tương xứng để đăng cai các giải đấu lớn và phát triển tài năng trẻ từ các địa phương.
> > Cầu dây văng lớn thứ 2 Việt Nam do liên danh Đèo Cả thực hiện đạt dấu mốc quan trọng đầu tiên