Xã hội

Việt Nam sẽ 'xuất khẩu' máy bay huấn luyện đầu tiên được sản xuất trong nước, gia nhập 'đội hình' không quân của nhiều quốc gia

Hải Châu 19/12/2024 15:55

Ngày 19/12/2024, tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024, chiếc máy bay huấn luyện TP-150 do Công ty Flying Legend Vietnam sản xuất tại Việt Nam, đã chính thức ra mắt công chúng lần đầu tiên.

Hành trình chế tạo máy bay "made in Vietnam"

Theo VOV, Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024, diễn ra từ ngày 19-21/12/2024, không chỉ là sự kiện quy tụ những công nghệ quân sự hiện đại mà còn ghi dấu ấn đặc biệt với sự xuất hiện của TP-150 - chiếc máy bay huấn luyện đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam.

Việt Nam sẽ 'xuất khẩu' máy bay huấn luyện đầu tiên được sản xuất trong nước, gia nhập 'đội hình' không quân của nhiều quốc gia - ảnh 1
Chiếc máy bay huấn luyện TP-150 do Công ty Flying Legend Vietnam sản xuất tại Việt Nam đã chính thức ra mắt công chúng. Ảnh: Flying Legend

TP-150 là thành quả hợp tác giữa Công ty Flying Legend Italy và Công ty Flying Legend Vietnam, trong đó Flying Legend Vietnam chịu trách nhiệm sản xuất trực tiếp. Đây là bước đột phá quan trọng, đánh dấu sự tham gia của Việt Nam vào lĩnh vực chế tạo máy bay, một ngành công nghiệp đòi hỏi công nghệ cao và kỹ thuật phức tạp.

Flying Legend Vietnam được thành lập vào tháng 11/2023, với vốn điều lệ 500 triệu đồng và trụ sở tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Công ty tập trung vào sản xuất máy bay, tàu vũ trụ và các thiết bị liên quan, trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong trong ngành tại Việt Nam.

Ba cổ đông sáng lập của công ty gồm ông Nguyễn Thao (nắm giữ 39,5% cổ phần), ông Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc Kỹ thuật (10%) và ông Trần Hải Đăng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (50,5%). Đến tháng 3/2024, 49% cổ phần của công ty được chuyển nhượng cho hai nhà đầu tư nước ngoài: ông Rummolino Francesco (CEO của Flying Legend) và ông Bandiera Giacomo, mỗi người sở hữu 24,5%.

Việt Nam sẽ 'xuất khẩu' máy bay huấn luyện đầu tiên được sản xuất trong nước, gia nhập 'đội hình' không quân của nhiều quốc gia - ảnh 2
Cơ cấu cổ đông Flying Legend Việt Nam tính đến tháng 3/2024. Nguồn: Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Ông Trần Hải Đăng, linh hồn của dự án TP-150, chia sẻ rằng niềm đam mê hàng không của ông được truyền cảm hứng từ người cha - một phi công trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam. Những năm tháng gắn bó với các phi công và kỹ sư đã định hình giấc mơ của ông về việc đưa Việt Nam trở thành một phần của ngành công nghiệp hàng không toàn cầu.

Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không, từ bảo dưỡng, sửa chữa đến đào tạo phi công, ông Đăng và các cộng sự đã quyết tâm biến giấc mơ thành hiện thực. Ở tuổi 50, ông tự hào khi TP-150 không chỉ ra đời mà còn có mặt tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế - nơi quy tụ những cỗ máy hàng đầu thế giới.

Việt Nam sẽ 'xuất khẩu' máy bay huấn luyện đầu tiên được sản xuất trong nước, gia nhập 'đội hình' không quân của nhiều quốc gia - ảnh 3
Hình ảnh chiếc máy bay "Made in Vietnam" tại buổi Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024. Ảnh: Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

Ông Đăng bày tỏ niềm vinh dự khi chiếc TP-150 của công ty được trình làng tại một sự kiện lớn như Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024, bên cạnh những cỗ máy huyền thoại như C-130J và A-10 từ Mỹ. Ông cho rằng đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực để công ty tiếp tục cống hiến.

Ông cũng tin rằng TP-150 sẽ là bước đệm để thế hệ trẻ tiếp tục vươn xa, và nhấn mạnh rằng các thế hệ đi trước đã đặt nền móng cho khát vọng làm chủ bầu trời. TP-150, theo ông, là minh chứng cho tiềm năng và sự sáng tạo của người Việt trong lĩnh vực công nghệ cao.

Việt Nam sẽ 'xuất khẩu' máy bay huấn luyện đầu tiên được sản xuất trong nước, gia nhập 'đội hình' không quân của nhiều quốc gia - ảnh 4
Ông Nguyễn Hoài Nam - một trong ba thành viên sáng lập ý tưởng sản xuất TP-150. Ảnh: Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG

Đồng hành cùng ông Đăng trong dự án là ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Kỹ thuật của Flying Legend Vietnam. Ông Nam tiết lộ rằng ý tưởng chế tạo máy bay ngay tại Việt Nam được khởi xướng từ năm 2023, khi nhóm kỹ sư của công ty quyết định hợp tác với một đối tác từ Italy sẵn sàng chuyển giao công nghệ.

Kết quả là TP-150 - chiếc máy bay huấn luyện đa năng, nhỏ gọn nhưng giàu tiềm năng - đã chính thức ra mắt, trở thành biểu tượng cho sự tiên phong của Việt Nam trong ngành công nghiệp hàng không.

Bước “nhảy vọt” vượt bậc của ngành hàng không Việt Nam

TP-150 đánh dấu một bước ngoặt mới trong ngành công nghiệp hàng không Việt Nam với thiết kế hiện đại, chế tạo theo các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe như EASA CS-VLA và FAA Experimental Aircraft, đồng thời đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của quân sự.

Việt Nam sẽ 'xuất khẩu' máy bay huấn luyện đầu tiên được sản xuất trong nước, gia nhập 'đội hình' không quân của nhiều quốc gia - ảnh 5
TP-150 được chế tạo tại nhà máy Flying Legend Vietnam. Ảnh: Flying Legend

Máy bay này được chế tạo hoàn toàn từ hợp kim nhôm, kết hợp với hệ thống càng thu thả linh hoạt, cho phép cất và hạ cánh trên nhiều loại đường băng khác nhau. Với khả năng chịu quá tải +6/-3G, TP-150 không chỉ thực hiện được các động tác nhào lộn trên không mà còn bay theo đội hình một cách ấn tượng.

Máy bay có trọng lượng rỗng chỉ 430kg, trần bay tối đa 6.400m và tốc độ tối đa gần 300km/h. Buồng lái được thiết kế tiện lợi với hai ghế ngồi, khả năng mang hành lý 34kg, lý tưởng cho công tác huấn luyện phi công quân sự.

Được trang bị động cơ 150 mã lực, TP-150 có thể bay liên tục 6,5 giờ (với thùng dầu phụ), thực hiện các bài bay nhào lộn phức tạp và bay biểu diễn theo đội hình. Đặc biệt, máy bay có thể sử dụng nhiên liệu thông thường như xăng A95, giúp tiết kiệm chi phí vận hành đáng kể.

Khi tích hợp các thiết bị hiện đại như camera quang hồng ngoại (EO/IR) hoặc Radar khẩu độ tổng hợp (SAR), TP-150 trở thành công cụ lý tưởng cho các nhiệm vụ tuần tra biên giới, giám sát bờ biển và nhiều ứng dụng khác.

Việt Nam sẽ 'xuất khẩu' máy bay huấn luyện đầu tiên được sản xuất trong nước, gia nhập 'đội hình' không quân của nhiều quốc gia - ảnh 6
Đội ngũ người Việt sản xuất máy bay TP-150 tại nhà máy Flying Legend Vietnam. Ảnh: Flying Legend

Các bộ phận quan trọng như động cơ, cánh quạt và thiết bị điện tử được nhập khẩu từ phương Tây, trong khi thân máy bay, cánh, càng và phụ kiện được sản xuất và lắp ráp tại nhà máy Flying Legend Vietnam ở Vĩnh Phúc. Điều này giúp đảm bảo chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng vẫn tối ưu hóa chi phí.

Ông Nam, đại diện của Flying Legend Vietnam, cho biết công ty đã áp dụng các mô-đun tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình chế tạo TP-150, nhằm giảm bớt công sức và tối ưu hóa chi phí sản xuất.

Không chỉ phù hợp với các nhiệm vụ huấn luyện sơ cấp, TP-150 còn là lựa chọn lý tưởng cho các hoạt động thể thao hàng không hoặc sử dụng trong các câu lạc bộ hàng không. Với khả năng tích hợp các thiết bị giám sát hiện đại, máy bay này có thể thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tuần tra biên giới và giám sát bờ biển.

Việt Nam sẽ 'xuất khẩu' máy bay huấn luyện đầu tiên được sản xuất trong nước, gia nhập 'đội hình' không quân của nhiều quốc gia - ảnh 7
TP-150 là lựa chọn lý tưởng cho các hoạt động thể thao hàng không hoặc sử dụng trong các câu lạc bộ hàng không. Ảnh: VOV

Trung tướng Nguyễn Kim Cách, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, nhận định rằng TP-150 có tiềm năng lớn trong huấn luyện phi công quân sự, đặc biệt là ở giai đoạn sơ cấp và cũng là một lựa chọn khả thi cho các hoạt động thể thao hàng không.

Ông Francesco Rummolino, CEO của Flying Legend Italy, cũng đánh giá cao tính kinh tế và hiệu quả của TP-150, kỳ vọng rằng máy bay này sẽ trở thành giải pháp huấn luyện sơ cấp hàng đầu. Ông cũng cho biết, trong tương lai, công ty sẽ phát triển thêm các dòng máy bay phục vụ ngành hàng không chung tại Việt Nam.

Sau khi ra mắt tại Triển lãm Quốc phòng Việt Nam 2024, Flying Legend Vietnam dự kiến xin cấp phép từ các cơ quan chức năng như Bộ Quốc phòng, Cục Tác chiến, Quân chủng Phòng không - Không quân và Cục Hàng không Việt Nam.

Sau khi xuất xưởng, TP-150 sẽ trở thành một sản phẩm thương mại và được phân phối tại một số quốc gia như Dominica, các khu vực Nam Mỹ và Châu Phi. Sản phẩm chủ yếu được sử dụng trong lực lượng không quân của các quốc gia này.

>> 'Bắt tay' Ý, Việt Nam chính thức sản xuất máy bay huấn luyện cơ bản và tuần tra đầu tiên: Được trang bị động cơ 150 mã lực, có thể bay với tốc độ gần 300km/giờ

Bàn giao lô hàng đầu tiên của dự án sản xuất cửa thoát hiểm máy bay Airbus tại Việt Nam

Trung Quốc xuất khẩu máy cắt laser nhanh chưa từng có sang Mỹ, tốc độ gấp 4 lần các dòng hiện tại: Cú hích mới cho ngành sản xuất toàn cầu

Theo Thị trường Tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/viet-nam-se-xuat-khau-may-bay-huan-luyen-dau-tien-duoc-san-xuat-trong-nuoc-gia-nhap-doi-hinh-khong-quan-cua-nhieu-quoc-gia-132728.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Việt Nam sẽ 'xuất khẩu' máy bay huấn luyện đầu tiên được sản xuất trong nước, gia nhập 'đội hình' không quân của nhiều quốc gia
    POWERED BY ONECMS & INTECH