Vietcap sẽ đón nhận thêm 1.062 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn thông qua hợp đồng giao dịch hợp vốn với định chế nước ngoài, tạo tiền đề cho các giao dịch gọi vốn giá rẻ của các doanh nghiệp...
Công ty Cổ phần Chứng khoán Vietcap (Vietcap, HOSE: VCI) vừa cho hay đơn vị này đã ký kết hợp đồng tài trợ khoản vay trị giá 45 triệu USD (tương đương 1.062 tỷ đồng).
Khoản vay được Ngân hàng Shanghai Commercial and Savings Bank, Ltd. thu xếp thông qua chi nhánh Offshore Banking với lãi suất ngắn hạn dựa trên thị trường tiền tệ quốc tế.
Với khoản vay này, Vietcap sẽ ghi nhận thêm một đợt huy động vốn thành công sau 4 vòng huy động vốn trước đó vào tháng 10/2022, tháng 5/2022, tháng 11/2021 và tháng 5/2020. Phản hồi tích cực từ thị trường là minh chứng cho uy tín của Vietcap đối với các nhà đầu tư và được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho các giao dịch hợp vốn ở nước ngoài trong tương lai.
Trước đó, Vietcap đã có các khoản vay hợp vốn quốc tế gồm:
Tháng 10/2022, Vietcap huy động 05 triệu USD, với Quyền chọn Greenshoe cho khoản vay lên đến 150 triệu USD, do Maybank Securities Pte. Ltd và O-Bank Co., Ltd, với tư cách là bên thu xếp và bên quản lý sổ đầu tư chính được ủy quyền, với Malayan Banking Berhad, Chi nhánh Singapore là một trong những bên cho vay.
Tháng 5/2022 ghi nhận 100 triệu USD do Ngân hàng Thương mại Quốc tế Mega (Megabank) thu xếp thông qua chi nhánh ngân hàng nước ngoài của ngân hàng này.
Tháng 11/2021, CTCK này cũng có thêm 100 triệu USD, với Quyền chọn Greenshoe cho khoản vay lên đến 150 triệu USD, từ một nhóm ngân hàng do Maybank Kim Eng Securities Pte Ltd (nay là Maybank Securities Pte Ltd) thu xếp, với Malayan Banking Berhad, Chi nhánh Singapore là một trong những bên cho vay.
Tháng 5/2020 là khoản vay hợp vốn không đảm bảo trị giá 40 triệu USD từ một nhóm ngân hàng do Ngân hàng Sinopac đứng đầu.
CTCK này cho biết Vietcap luôn cam kết mang lại chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng và tối ưu hóa lợi ích cho cổ đông. Do đó, việc mở rộng khoản vay nước ngoài với nguồn vốn lớn và chi phí cạnh tranh sẽ giúp Vietcap có thêm nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của công ty.
Trong khối chứng khoán, VCI được xem là một trong những công ty đi đầu về khả năng gọi vốn quốc tế. Ngoài ra, các công ty top đầu cũng ghi nhận những khoản vay hợp vốn lớn còn gọi tên SSI, HSC, VNDirect, TCBS...
Năm 2023, trong bối cảnh thị trường tài chính, đặc biệt thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn chưa hoàn toàn khơi thông, kênh vay hợp vốn từ quốc tế luôn được các doanh nghiệp có uy tín, có năng lực gọi vốn đặt kỳ vọng cao. Nhưng khối chứng khoán chưa ghi nhận sự mạnh dạn xúc tiến vay hợp vốn trị giá lớn, ngoài hợp đồng VCI vừa thông tin. Trong khi đó, tột số doanh nghiệp tập đoàn, tổ chức tài chính trước đó, trong những tháng đầu 2023, vẫn đã gọi được các khoản tín dụng qua vay hợp vốn nước ngoài hàng triệu USD.
Ví dụ như CTCP Tập đoàn Masan có gói tín dụng được bảo lãnh phát hành thu hút sự tham gia của các bên cho vay chính và quản lý sổ đăng ký đầu tư (MLABs) bao gồm các ngân hàng: BNP Paribas, Credit Suisse, HSBC, Standard Chartered và United Overseas trị giá 650 triệu USD, được kí vào tháng 2/2023 và đã được giải ngân đợt đầu 350 triệu USD. Masan cho biết sẽ sử dụng toàn bộ khoản vay hợp vốn năm 2023 bằng quyền chọn "greenshoe" đối với khoản 275 triệu USD còn lại vào cuối năm nay.
Hay BCG Energy trong thời gian gần đây cũng gây chú ý lớn trên thị trường khi một công ty con thuộc liên doanh của BCG Energy và SP Group (Singapore) huy động được khoản vay hợp vốn trị giá 31,5 triệu USD từ ba ngân hàng Singapore là DBS Bank Limited (DBS), Oversea Chinese Banking Corporation (OCBC) và United Overseas Bank Limited (UOB)...
Năm 2022, nhiều tổ chức cũng được thu xếp bảo lãnh khoản vay hợp vốn, trong đó gói tín trung và dài hạn trị giá lớn nhất dành cho 1 định chế tài chính Việt Nam tại thời điểm đó thuộc về Techcombank trị giá tới 1 tỷ USD.
Ngoài Techcombank, thì VPBank, VIB, HDBank... cũng là ngân hàng đã có các hợp đồng ký kết "ghi sổ" vay hợp vốn trị giá hàng trăm triệu USD, minh chứng khả năng gọi vốn quốc tế của các ngân hàng uy tín trong thị trường.
Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có sự vươn lên top dẫn đầu về huy động hợp vốn trong những năm gần đây. Tại thời điểm cuối năm 2021, theo Hiệp hội Thị trường cho vay châu Á - Thái Bình Dương (APLMA), trong khu vực Đông Nam Á, Singapore dẫn đầu về khối lượng khoản vay, còn Việt Nam đã vươn lên vượt qua Thái Lan, nằm trong top các nước dẫn đầu khu vực khoản vay hợp vốn. Các chuyên gia cũng ghi nhận tại Việt Nam lượng khoản vay hợp vốn tăng lên đáng kể trong thập kỷ qua do các dự án lớn đang phát triển, đặc biệt là các dự án trong ngành năng lượng.
APLMA đã đề xuất Việt Nam nên thành lập Ủy ban về cho vay hợp vốn tại Việt Nam với mục tiêu là thúc đẩy tăng trưởng và thanh khoản trên thị trường cho vay hợp vốn (cả sơ cấp và thứ cấp). Năm 2022, Hiệp hội có 368 hội viên, đến từ 17 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục có cuộc họp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) để xúc tiến thực thi đề xuất thành lập Ủy ban trên.
Các bên cho rằng cần thành lập Nhóm công tác để triển khai xây dựng kế hoạch về việc tiến tới thành lập Ủy Ban tại Việt Nam; đồng thời tăng cường trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn thông qua hội thảo, diễn đàn và/hoặc các nhóm công tác của ngành hoặc của chính phủ, nhằm đạt được hiểu biết chung về các khái niệm, phạm vi cũng như cách thức áp dụng các biện pháp, quy định của pháp luật và tổ chức đào tạo về các sản phẩm cho vay…
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNBA, nếu thành lập Nhóm, sẽ đề xuất một số ngân hàng là hội viên của VNBA tham gia.
2 ngân hàng cho Shinhan Finance vay hợp vốn hơn 1.000 tỷ đồng
EVNFinance (EVF) thành công nhận gói vay 65 triệu USD từ 6 ngân hàng Top đầu Đài Loan