Chứng khoán

Vietnam Airlines (HVN): Hành trình vượt khó, tiến tới các 'deal' hợp tác tỷ USD

Quốc Trung 24/04/2025 10:12

Vietnam Airlines (HVN) mở ra chương mới sau năm 2024 lập đỉnh lợi nhuận. Bước sang năm 2025, hãng hàng không quốc gia tiếp tục đặt kỳ vọng lớn với loạt kế hoạch tái cấu trúc vốn, mở rộng đội bay và tìm kiếm hợp tác chiến lược, hướng đến phục hồi toàn diện.

Vietnam Airlines (HVN): Hành trình vượt khó, tiến tới các 'deal' hợp tác tỷ USD
Ảnh minh họa

Từng là một trong hai hãng hàng không lớn nhất Việt Nam với thị phần nội địa trên 40%, Vietnam Airlines (mã HVN) rơi vào khủng hoảng nặng nề sau đại dịch Covid-19. Giai đoạn năm 2020–2023, hãng ghi nhận thua lỗ liên tiếp, với mức âm vốn chủ sở hữu lên tới hơn 17.000 tỷ đồng vào cuối năm 2023 – thời điểm thấp nhất trong lịch sử hoạt động.

Tuy nhiên, bước ngoặt đã đến trong năm 2024 khi hoạt động cốt lõi của HVN bắt đầu phục hồi mạnh mẽ. Doanh thu thuần đạt gần 106.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 8.000 tỷ đồng – mức cao nhất từ trước đến nay. Dấu ấn này đến từ sự hồi phục thị trường và việc xóa nợ hơn 4.700 tỷ đồng tại công ty con Pacific Airlines.

Trong bối cảnh thị trường hàng không toàn cầu dần hồi phục, HVN nhanh chóng tận dụng cơ hội. Hãng hưởng lợi từ sự giảm quy mô của đối thủ Bamboo Airways, đồng thời mở lại các đường bay quốc tế, duy trì tăng trưởng mạnh tại thị trường nội địa.

Kế hoạch khắc phục tình trạng âm vốn chủ

Bước sang năm 2025, HVN vẫn còn âm vốn chủ sở hữu hơn 9.300 tỷ đồng. Để xử lý, hãng lên kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu nhằm huy động vốn bổ sung từ cổ đông hiện hữu hoặc nhà đầu tư chiến lược.

Vietnam Airlines (HVN): Hành trình vượt khó, tiến tới các 'deal' hợp tác tỷ USD
Thông số tài chính của Vietnam Airlines 4 năm gần nhất

Theo ông Đặng Ngọc Hòa – Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, việc phát hành sẽ chỉ được triển khai sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nguồn vốn huy động sẽ được dùng để: Bù đắp thiếu hụt dòng tiền hậu Covid-19; trả nợ giãn hoãn; đầu tư dài hạn, trong đó có dự án phát triển đội tàu bay và tổ hợp dịch vụ hàng không tại sân bay Long Thành.

Ngày 23/4/2025, Vietnam Airlines ký biên bản ghi nhớ (MOU) với Vietcombank để thu xếp vốn cho dự án đầu tư 50 máy bay thân hẹp, trị giá khoảng 92.800 tỷ đồng (khoảng 3,6 tỷ USD theo tỷ giá hiện hành). Giai đoạn thu xếp vốn dự kiến diễn ra từ 2026 đến 2032, nhằm phục vụ mục tiêu hiện đại hóa và mở rộng đội bay.

Theo kế hoạch, đến năm 2030, HVN cần 37 máy bay thân rộng, 95 thân hẹp và 5 ATR. Tới năm 2035, đội bay sẽ gồm 52 thân rộng và 112 thân hẹp – tăng mạnh so với quy mô hiện tại (khoảng 100 máy bay).

Cổ phiếu HVN: Lặng lẽ “bay cao” giữa thị trường nhiễu động

Dù vẫn đang nằm trong diện hạn chế giao dịch (chỉ giao dịch phiên chiều), cổ phiếu HVN hiện giao dịch quanh mức 32.000 đồng/cp, tiệm cận đỉnh 6 năm. Với P/E khoảng 9,4 lần, HVN là một trong số ít cổ phiếu large-cap đang giao dịch cao hơn giá trước đợt điều chỉnh của VN-Index đầu tháng 4.

Việc trở lại có lãi ở hoạt động kinh doanh cốt lõi, cùng những bước đi cụ thể để khôi phục vốn chủ sở hữu và sự đồng hành từ các định chế tài chính lớn, đang giúp cổ phiếu HVN thu hút dòng tiền giữa bối cảnh thị trường chứng khoán còn nhiều biến động.

>> Hai ông lớn Nhà nước bắt tay, 'mở đường' cho thương vụ lịch sử 93.000 tỷ mua 50 máy bay thân hẹp

Từ tháng 7, khách hàng có thể truy cập internet trên các chuyến bay của Vietnam Airlines

Đại tá, phi công anh hùng ném bom Dinh Độc Lập tròn 50 năm về trước: Dày dạn kinh nghiệm nhất Việt Nam với hơn 22.000 giờ bay, từng là Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vietnam-airlines-hvn-hanh-trinh-vuot-kho-tien-toi-cac-deal-hop-tac-ty-usd-287711.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vietnam Airlines (HVN): Hành trình vượt khó, tiến tới các 'deal' hợp tác tỷ USD
    POWERED BY ONECMS & INTECH