Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã cho ý kiến về việc triển khai đầu tư xây dựng rạp chiếu phim gần 18 tỷ đồng tại Đại lộ Hồ Chí Minh, TP. Hải Dương do Vingroup làm chủ đầu tư.
Mới đây, tại phiên họp UBND tỉnh Hải Dương tháng 6 (lần 3), lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã nghe và cho ý kiến về phương án triển khai đầu tư xây dựng rạp chiếu phim tại số 28 Đại lộ Hồ Chí Minh (TP. Hải Dương) với mức khái toán kinh phí xây dựng khoảng 17,9 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2024-2025, theo báo Hải Dương.
Dự kiến, rạp chiếu phim mới sẽ có tổng chỗ ngồi phục vụ khoảng 450 khán giả gồm các hạng mục như: Phòng vé, không gian chờ, khu vực kỹ thuật, khu vệ sinh, phòng quản lý, khu để xe cho nhân viên và khán giả...
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Hải Dương, với mục đích đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của người dân cũng như từng bước hoàn thiện thiết chế văn hóa trong lĩnh vực điện ảnh, kết hợp tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị của TP. Hải Dương và của tỉnh thì việc xây dựng rạp chiếu phim trên địa bàn là cần thiết giữa bối cảnh rạp chiếu phim cũ (rạp Thống Nhất) bị xuống cấp và tạm dừng từ năm 2005.
> > Cấp đổi sổ đỏ theo số đo thực tế cần đáp ứng điều kiện gì?
Rạp chiếu phim Thống Nhất (cũ) tại số 28 Đại lộ Hồ Chí Minh có tổng diện tích 783m2 được xây dựng từ năm 1960, do Trung tâm Văn hóa nghệ thuật thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở VH,TT&DL) tỉnh Hải Dương quản lý. Thời điểm hiện tại, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ và đã tạm dừng hoạt động từ năm 2005.
Cũng tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản đã yêu cầu UBND TP. Hải Dương phối hợp với nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup làm các thủ tục đăng ký để thành nhà tài trợ, theo báo Kinh tế và Đô thị.
Để triển khai dự án, lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương đã giao Sở VH,TT&DL chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng mới rạp chiếu phim Thống Nhất theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Sở VH-TT&DL tỉnh Hải Dương cũng cần trở thành đầu mối cùng với chủ đầu tư đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thẩm định và cấp giấy phép xây dựng để hoàn thiện hồ sơ bàn giao cho chủ đầu tư có thể triển khai thực hiện.
Sở Tài chính sẽ chủ trì và phối hợp với Sở VH,TT&DL, TP. Hải Dương hướng dẫn thanh lý, tháo dỡ và bàn giao lại mặt bằng cho chủ đầu tư để triển khai thực hiện dự án.
Hải Dương là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng với diện tích tự nhiên 1.668km2 và dân số 2,567 triệu người, đứng thứ 8 cả nước (thống kê năm 2019).
Nơi đây được xem là trung tâm kinh tế năng động và là đầu tàu kinh tế nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc Hà Nội - Hải Phòng- Quảng Ninh.
Thời điểm hiện tại, hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh được đầu tư và quy hoạch cơ bản hoàn chỉnh là sợi dây liên kết đồng bộ với các tỉnh trong vùng, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội và thu hút các nhà đầu tư tìm nơi “hạ cánh”.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1639/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch tỉnh Hải Dương xác định, đến năm 2030, Hải Dương phấn đấu là tỉnh công nghiệp hiện đại, là trung tâm công nghiệp động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc; đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa xứ Đông và là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng.
> > 'Thỏi nam châm' hút đầu tư vùng Nam Trung Bộ đón thêm 'đại bàng' với tham vọng lấp đầy các KCN