Mở cửa phiên giao dịch ngày 4/5, diễn biến trên thị trường có phần thận trọng. Các nhóm ngành có diễn biến phân hóa. Trong khi thủy sản, tiện ích, vận tải thể hiện sự khả quan thì các ngành bất động sản, ngân hàng, chứng khoán ảm đạm.
Riêng đối với ngành bất động sản, gần như mọi cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngành đều giảm giá.
Trong sáng nay, ngành thép cũng chứng kiến sự suy giảm của một loạt cổ phiếu từ đầu ngành như HPG cho đến tầm trung như NKG, SMC, POM hay vốn hóa nhỏ hơn như VPG, TLH. Đáng chú ý, cổ phiếu HSG rớt giá đến 5,7% sau khi doanh nghiệp công bố kết quả lợi nhuận quý đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ.
Sắc xanh ở nhóm cổ phiếu trụ cột đang chiếm ưu thế đáng kể, trong đó, HSG giảm 5,3%, VIC giảm 2%, VRE giảm 1,9%, TCB giảm 1,7%, VHM giảm 1,2%, MSN giảm 1,6%,...
Tập đoàn Hoa Sen (HSG) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II niên độ 2021 - 2022 với doanh thu thuần 12.661 tỷ đồng - tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn tăng 25,4% khiến lợi nhuận gộp giảm 24,4% xuống 1.430 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp sụt giảm từ 17,43% về 11,29%; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ ghi nhận giảm 77% xuống 234 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu lớn giao dịch khá tích cực và góp phần nâng đỡ các chỉ số trong đó HVN tăng 2,8%, GAS tăng 2,3%, PLX tăng 1,3%, MWG tăng 1,1%,...
Lúc 9h35, VN-Index hiện giảm 6,12 điểm (-0,45%) xuống 1.360,68 điểm; HNX-Index giảm 0,97 điểm (-0,27%) xuống 364,86 điểm; UPCoM-Index tăng 0,16 điểm (0,15%) lên 104,47 điểm.
Đến 9h46, nhóm cổ phiếu thủy sản và vận tải biển đang có biến động theo chiều hướng tích cực trong đó VSC tăng 5,2% HAH tăng 1,3%, VOS tăng 1,2%, ANV tăng 4,6%, ACL tăng 3,6%, MPC tăng 2,2%.
Lợi nhuận các doanh nghiệp thủy sản có bước tăng trưởng được tính bằng lần, nhiều đơn vị lập mốc kỷ lục nhờ nhu cầu tăng cùng giá bán.
Trước đó, thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh trong tuần giao dịch 25 - 29/4. VN-Index giảm sâu ở phiên đầu tuần sau đó có sự hồi phục nhất định trở lại. Do là thời điểm ngay trước kỳ nghỉ lễ dài nên giao dịch trên thị trường diễn ra ảm đạm và thanh khoản duy trì ở mức thấp. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt chỉ 20.951 tỷ đồng/phiên - giảm 24% so với tuần trước đó.
Nhà đầu tư cá nhân trong nước không còn giao dịch tiêu cực như các tuần trước đó mà quay trở lại mua ròng 379 tỷ đồng trong khi tổ chức nội bán ròng mạnh trở lại 1.179 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn giữ được sự tích cực khi mua ròng 800 tỷ đồng.
Theo Chứng khoán BIDV (BSC), diễn biến hồi phục ngắn hạn chưa giúp VN-Index quay lại xu hướng tăng điểm nhưng đã giải tỏa tâm lý và mở ra kỳ vọng chỉ số có thể quay lại ngưỡng cân bằng quanh 1.420 điểm sau kỳ nghỉ lễ.
Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục duy trì đà tăng và dòng tiền có sự phân hóa trong các phiên sắp tới, đà tăng chậm lại và thanh khoản sẽ được cải thiện, thị trường có nhiều cơ hội để kiểm định lại đỉnh cũ.