Doanh nghiệp A-Z

VNDirect (VND): Cú chạy đà leo top thị phần môi giới, ván cược mạo hiểm có đánh đổi lợi nhuận?

Ánh Nguyệt 11/10/2024 10:55

Sau loạt biến cố trong 3 quý đầu năm 2024, VNDirect (VND) đã đánh mất gần 1% thị phần vào tay đối thủ. Liệu quyết định chấp nhận hy sinh thị phần để tối ưu hóa lợi nhuận có thực sự hiệu quả?

Cuộc đua giành thị phần môi giới chứng khoán ngày càng khốc liệt. Chứng khoán VNDirect (VND) cũng không nằm ngoài cuộc khi liên tục đối mặt với nhiều áp lực cạnh tranh gay gắt.

Trong quý III/2024, VNDirect bất ngờ đánh rơi 0,76% thị phần môi giới vào tay đối thủ. Với việc suy giảm xuống mức thấp nhất trong 20 quý gần đây, công ty chứng khoán liên quan đến bà Phạm Minh Hương tụt xuống vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng. Dù vậy, với chiến lược chấp nhận hy sinh thị phần để tối ưu hóa lợi nhuận, VND đang nỗ lực cải thiện biên lãi mảng môi giới trong thời gian tới.

VNDirect dưới bàn tay "lèo lái" của nữ thuyền trưởng Phạm Minh Hương

Nhìn lại hành trình phát triển, VNDirect được thành lập vào năm 2006, vào đúng thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam có sự bùng nổ khi VN-Index tăng lên gấp 3 lần và đạt 751 điểm ngay trong cuối năm. Dù vậy, với số vốn vỏn vẹn chỉ 50 tỷ đồng, VND gặp khó khăn so với nhiều công ty chứng khoán khác thời điểm bấy giờ như ACBS (250 tỷ đồng), BSC (200 tỷ đồng), VCBS (200 tỷ đồng)...

Sau gần chục năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính, dưới bàn tay "lèo lái" của bà Phạm Minh Hương, VNDirect đã vươn mình trở thành một trong những công ty chứng khoán lớn nhất trên thị trường với vốn hóa đạt hơn 2.200 tỷ đồng vào cuối năm 2020 và tăng vọt lên 12.178 tỷ đồng vào cuối năm 2023.

Giai đoạn 2021-2022 được xem là thời kỳ bùng nổ của thị trường chứng khoán khi chứng kiến lượng tài khoản mở mới tăng vọt. Cụ thể, trong năm 2021 ghi nhận 1,5 triệu tài khoản mở mới và tăng lên mức kỷ lục 2,5 triệu vào năm 2022.

Tận dụng cơ hội đó, VNDirect ghi nhận nhiều kết quả tích cực về thị phần mảng môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trên HoSE. Từ con số 6,95% vào quý I/2020, công ty chứng khoán của bà Phạm Minh Hương đã đạt mức kỷ lục 8,01% vào quý đầu năm 2022.

Thành tựu đạt được từ thị phần môi giới đã góp phần mang lại nhiều "trái ngọt" cho bức tranh kinh doanh của VNDirect. Từ con số 80 tỷ đồng trong quý I/2020, doanh thu môi giới ghi nhận mức kỷ lục với 544 tỷ đồng trong quý cuối năm 2021. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận từ mảng này cũng luôn duy trì trên 40% trong 11 quý liên tiếp.

>> Lãnh đạo VNDirect: Chúng tôi mất nhiều khách hàng, sản phẩm T+0 còn phải đợi

VNDirect (VND): Cú chạy đà leo top thị phần môi giới, ván cược mạo hiểm đánh đổi lợi nhuận?
Nguồn: Tự tổng hợp

Ván cờ mạo hiểm liệu có đánh đổi lợi nhuận của VNDirect (VND)?

Sau giai đoạn này, cuộc chiến giành "miếng bánh" thị phần môi giới ngày càng trở nên khốc liệt. Các chính sách “zero-fee” phí môi giới liên tục được tung ra, kèm theo nhiều gói ưu đãi hấp dẫn nhằm thu hút nhà đầu tư. Điều này đã tạo áp lực lớn lên các công ty chứng khoán, buộc doanh nghiệp phải cân nhắc giữa việc giữ vững lợi nhuận hoặc đánh đổi để mở rộng thị phần trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.

Chứng khoán VPS là minh chứng cho chiến lược chấp nhận đánh đổi lợi nhuận từ dịch vụ môi giới để duy trì và mở rộng thị phần. Ngược lại, VNDirect không chạy theo cuộc đua về cạnh tranh về phí mà tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút và giữ chân khách hàng. Công ty tập trung ưu tiên phát triển đội ngũ môi giới về chất lượng hơn số lượng. Đồng thời, VND chấp nhận khả năng rủi ro là thu hẹp thị phần cũng không hy sinh lợi nhuận.

Sau khi đạt đỉnh vào quý I/2022, VNDirect đã mất thị phần vào tay các đối thủ, giảm từ 8,01% xuống còn 6,64% vào quý IV/2023. Đây cũng là thời điểm công ty chứng khoán này kiến sự sụt giảm đáng kể về doanh thu và lợi nhuận từ mảng môi giới. Đặc biệt, trong quý IV/2023, VNDirect ghi nhận 217 tỷ đồng doanh thu nhưng lợi nhuận chỉ đạt 23 tỷ đồng khiến biên lãi giảm xuống mức thấp còn 11%.

VNDirect (VND): Cú chạy đà leo top thị phần môi giới, ván cược mạo hiểm đánh đổi lợi nhuận?
Nguồn: Tự tổng hợp

Sự cố hệ thống vào tháng 3/2024 cùng với câu chuyện liên quan đến trái phiếu Trung Nam khiến cho nhiều nhà đầu tư lo ngại về VNDirect. Theo đó, công ty chứng khoán này đã đánh mất gần 1% thị phần và nhường chỗ cho Chứng khoán Vietcap vượt lên.

Tuy nhiên, nhờ vào việc quản lý chi phí hiệu quả, VNDirect đã xoay chuyển tình thế và đưa biên lãi lên mức 46% trong quý II/2024. Con số này vượt trội so với nhiều công ty chứng khoán như SSI (36%), HSC (34%), VPS (13%)...

Có thể thấy, giữa sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành chứng khoán, VNDirect đã lấy lại mức biên lãi ấn tượng vượt xa nhiều đối thủ nhờ chiến lược kinh doanh đúng đắn và quản lý chi phí hiệu quả. Điều này giúp khẳng định vị thế của công ty chứng khoán top đầu trong ngành và mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững trong tương lai trước những biến động của thị trường.

>> 'Nữ tướng' VNDirect Phạm Minh Hương xin lỗi cổ đông về sự cố an ninh mạng, coi đây là 'tiếng chuông chánh niệm'

Thị phần môi giới quý III/2024 trên HoSE: VPS tiếp tục áp đảo, VNDirect (VND) ‘out’ Top 5

'Đại gia' thâu tóm gần 25% cổ phần của Chứng khoán Hải Phòng có quan hệ mật thiết với Chủ tịch VNDirect (VND)

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vndirect-vnd-cu-chay-da-leo-top-thi-phan-moi-gioi-van-cuoc-mao-hiem-danh-doi-loi-nhuan-253015.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
VNDirect (VND): Cú chạy đà leo top thị phần môi giới, ván cược mạo hiểm có đánh đổi lợi nhuận?
POWERED BY ONECMS & INTECH