Vụ nổ chấn động san phẳng toàn bộ diện tích 1.300km2, giải phóng khối năng lượng gấp 185 lần bom nguyên tử thả xuống Hiroshima

21-03-2024 12:36|Quỳnh Châu

Dù đã 116 năm trôi qua, vụ nổ này vẫn giống như một vụ án mà những nhà điều tra có thể tưởng tượng ra nhiều kịch bản.

Vào khoảng 7h17 sáng 30/5/1908, những cư dân ở vùng Krasnoyarsk Krai (Nga) tỉnh giấc đã nhìn thấy một cột ánh sáng xanh chói loà như Mặt Trời di chuyển ngang bầu trời. Rồi họ nghe thấy một tiếng nổ kinh khủng, những đợt chấn động di chuyển ngang qua khu vực...

Thời điểm đó, không có tường thuật chính thức về con số tử vong ở người. Tuy nhiên, hàng trăm con tuần lộc bị thiêu cháy chỉ còn trơ những bộ xương sém đen. Một nhân chứng mô tả "bầu trời bị chia đôi và cao phía trên khu rừng, toàn bộ vùng trời phía Bắc dường như rực lửa."

Vụ nổ lớn nhất bắt nguồn từ ngoài hành tinh khiến 80 triệu cây cối bị 'quét sạch', sức mạnh gấp 185 lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima
Vùng Tunguska trên bản đồ thế giới

Người dân du mục quanh vùng cảm thấy run lên cầm cập khi trải qua những trận cuồng phong, lều vải của họ bị cuốn bay cách xa cả cây số. Cách trung tâm vụ nổ về phía Nam có một thị trấn tên Vanavara, vào sáng sớm hôm xảy ra vụ nổ, cùng với tiếng nổ vang trời, những cửa kính của các nhà cửa, công trình kiến trúc đều bị vỡ tan, khung cửa, cánh cửa sổ... bị chấn động lắc lư rã rời hết. Tiếp đến là sóng khí từ mặt đất cuộn lên, cuồng phong ập đến làm bốc mái toàn bộ các ngôi nhà. Cây cối trên đường phố và trong vườn hoa bị bật cả gốc rễ lên.

Vụ nổ đó gây ra sóng địa chấn rất mạnh truyền tận sang đến Trung Âu. Các trạm quan trắc địa chấn của Đức và Anh đều ghi lại được tình trạng Trái Đất chịu những chấn động rất mạnh. Thậm chí cả đến đảo Java ở Indonesia và bên kia Trái Đất, tại thủ đô Washington của Mỹ cũng ghi nhận được những chấn động tương tự.

Sau khi vụ nổ lớn xảy ra, các nơi trên thế giới đều có những phản ứng tự nhiên. Tại London (Anh), toàn bộ đèn điện bỗng nhiễn bị tắt hết, dân chúng chìm trong bóng tối dày đặc. Tại Hà Lan thì ban đêm mà lại rực lên ánh sáng trắng như ban ngày. Còn người dân nước Mỹ thì cảm thấy rõ mặt đất rung chuyển.

Vụ nổ lớn nhất bắt nguồn từ ngoài hành tinh khiến 80 triệu cây cối bị 'quét sạch', sức mạnh gấp 185 lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima
Vụ nổ giải phóng khối năng lượng được ước tính gấp tới 185 lần quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản (có một số ước tính cho rằng còn cao hơn thế). Ảnh: ZME

Đặc biệt, vùng Tunguska thì suốt 3 ngày đêm kể từ vụ nổ xảy ra, không xuất hiện bóng đêm nữa. Trong mấy ngày đó, người ta trông thấy ánh sáng mặt trời lọt qua tầng mây bỗng chiếu ra những tia sáng kỳ lạ màu xanh lục. Trong mấy đêm sau đó, bầu trời cũng sáng hơn rất nhiều so với bình thường. Dần dần cho đến cuối tháng 8, bầu trời mới trở lại trạng thái bình thường.

Theo Forbes, mãi 13 năm sau vụ nổ, các nhà khoa học Nga, dẫn đầu là nhà khoáng vật học Leonid Alexejewitsch Kulik mới quyết định tìm hiểu về thảm họa. Ông tin rằng một thiên thạch lớn đã rơi xuống khu vực và hy vọng có thể tìm được một số kim loại vũ trụ tại vùng sông Tunguska.

Tháng 3/1927, đoàn thám hiểm của Kulik tới vùng Wanawara và ngày 13/4, họ phát hiện một khu vực lớn phủ đầy những thân cây mục rữa. Một vụ nổ lớn rõ ràng đã san bằng trên 80 triệu cây cối trên khu vực rộng trên 1.300km2. Chỉ có vùng trung tâm của vụ nổ trong “rừng Tunguska” thì cây cối vẫn đứng thẳng, chỉ có cành và vỏ vây bị cháy xém.

Vụ nổ lớn nhất bắt nguồn từ ngoài hành tinh khiến 80 triệu cây cối bị 'quét sạch', sức mạnh gấp 185 lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima
Những rừng cây bị cháy trơ trọi sau vụ nổ. Ảnh: Universal History Archive/Universal Images Group

Mặc dù đã tìm kiếm trong một khu vực rộng lớn, nhóm của Kulik không thể tìm thấy bất cứ hố thiên thạch lớn nào, ngoài những hố tròn nhỏ có thể do những mảnh vỡ của thiên thạch tạo ra. Tuy vậy, không một vật liệu thiên thạch nào được phát hiện. Kulik cho rằng vụ nổ có thể đã xảy ra trong bầu khí quyển, gây ra những quả cầu lửa và sự hủy diệt với khu vực mặt đất bên dưới. Những mảnh vỡ thiên thạch có thể bị vùi trong lớp đất đầm lầy, vốn quá mềm để có thể giữ được hình thái điển hình của một hố thiên thạch.

Nhưng về sau, các nhà nghiên cứu người Nga khác cho rằng sao chổi, chứ không phải sao băng, đã gây ra các thiệt hại. Sao chổi chủ yếu được tạo thành từ băng đá, khác với sao băng được hình thành từ đá, cho nên việc không tìm thấy các mảnh đá từ vũ trụ đâm xuống là điều có thể giải thích được. Băng đá sẽ bốc hơi khi lao vào bầu khí quyển của Trái Đất và tiếp tục bốc hơi khi lao xuống mặt đất. Nhưng, cuộc tranh luận chưa kết thúc ở đó. Bởi người ta không xác định được chính xác đặc tính của vụ nổ, cho nên các giả thuyết lạ lùng khác tiếp tục được đưa ra.

Tiếp đó, sau vụ nổ bom nguyên tử đầu tiên tại Nhật Bản năm 1945, các kỹ sư Liên Xô và nhà văn khoa học viễn tưởng Aleksander Kasantsews đã đưa ra một cách giải thích kỳ lạ liên quan đến một vụ nổ hạt nhân từ những thành phần nguồn gốc ngoài hành tinh. Ngoài cảnh tượng hủy diệt giống như ở Hiroshima và Nagasaki, các nhà khoa học còn nhận thấy những xáo trộn về địa từ trường được ghi nhận tại trạm quan sát ở Irkutsk tương tự với một vụ nổ hạt nhân.

Tới năm 1973, trên tạp chí Nature, các nhà vật lý Mỹ đã đưa ra giả thuyết một hố đen nhỏ va chạm với Trái Đất, gây ra một số kiểu phản ứng kháng vật chất trong bầu khí quyển và dẫn đến vụ nổ khủng khiếp phía trên Tunguska.

Vụ nổ lớn nhất bắt nguồn từ ngoài hành tinh khiến 80 triệu cây cối bị 'quét sạch', sức mạnh gấp 185 lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima
100 năm sau, một khu rừng mới đang mọc lên tại nơi từng xảy ra vụ nổ Tunguska, ảnh chụp năm 2008. Ảnh: Getty Images

Nhiều giả thuyết khác về vụ nổ, như sự phản vật chất, bom H tự nhiên, nổ khí metan, điện từ, vật thể bay không xác định... cũng được đưa ra, nhưng chưa đủ chặt chẽ để đi tới kết luận cuối cùng.

Đến nay, vụ nổ Tunguska giống như một vụ án mà những nhà điều tra có thể tưởng tượng ra nhiều kịch bản. Tất cả các kịch bản đều có vẻ có lý nhưng đều không cách nào tìm ra bằng chứng cuối cùng chứng minh. Điều này làm cho sự kiện Tunguska càng trở nên huyền bí hơn.

>> Phá dỡ 850 căn hộ xây dựng trái phép trong 10 giây với hơn 3.700kg chất nổ, hàng nghìn người dân thấp thỏm di dời khỏi căn hộ gần nơi xảy ra vụ nổ trong 10 giờ

Phong tỏa hiện trường núi lở làm 70.000m3 đất đá san phẳng nhiều nhà dân, 1.000 nhân viên cứu hộ cùng hơn 150 máy xúc tham gia ứng cứu

Vụ nổ mạnh gấp 14 lần nổ vũ khí hạt nhân khiến hơn 80.000 người chết, sức công phá tương đương 1.000 triệu tấn thuốc nổ

Vụ nổ có âm thanh lớn nhất lịch sử làm rung chuyển cả thế giới, mạnh gấp 10.000 sức công phá của quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vu-no-chan-dong-san-phang-toan-bo-dien-tich-1300km2-giai-phong-khoi-nang-luong-gap-185-lan-bom-nguyen-tu-tha-xuong-hiroshima-227159.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Vụ nổ chấn động san phẳng toàn bộ diện tích 1.300km2, giải phóng khối năng lượng gấp 185 lần bom nguyên tử thả xuống Hiroshima
POWERED BY ONECMS & INTECH