Vụ Vạn Thịnh Phát: Ảo thuật ‘giải quỹ’ xoá vết hơn 30.869 tỷ đồng, ‘tiền mồ hôi xương máu’ của người dân không ngừng chảy vào túi nhóm Trương Mỹ Lan

06-06-2024 16:41|Băng Băng

Kết quả điều tra vụ Vạn Thịnh Phát xác định, toàn bộ các giao dịch nộp/rút tiền mặt/chuyển tiền của trái chủ sơ cấp 25 lô trái phiếu đều là khống, không có tiền mặt nộp/rút thực tế mà chỉ đi lệnh dòng tiền để cân đối số quỹ tiền mặt hàng ngày tại SCB.

Năm 2018, Ngân hàng SCB trong tình trạng bị các Cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra; việc xin cấp tín dụng từ Ngân hàng SCB gặp nhiều khó khăn, kèm theo tình hình nợ xấu kéo dài nên khoảng tháng 8/2018, Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) đã họp với: (1) Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT, (2) Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc; (3) Nguyễn Phương Hồng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, (4) Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán TVSI và (5) Hồ Bửu Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để ra chủ trương sử dụng Công ty An Đông và các công ty khác phát hành trái phiếu riêng lẻ huy động tiền từ người dân để xử lý khó khăn tài chính cho Ngân hàng SCB.

Trên cơ sở đó, các nhân sự chủ chốt của Ngân hàng SCB, Chứng khoán TVSI, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và tổ chức phát hành đã họp bàn, lên phương án tạo lập trái phiếu và thông qua TVSI và SCB phát hành và chào bán cho người dân với lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm tại Ngân hàng SCB.

Toàn bộ số tiền hơn 30.869 tỷ đồng trái phiếu huy động từ người dân bị sử dụng sai mục đích

Thực hiện chủ trương của Trương Mỹ Lan, từ năm 2018 đến năm 2020, các đối tượng có liên quan tại Chứng khoán TVSI, Ngân hàng SCB và Tập đoàn VTP đã sử dụng 4 Công ty phát hành 25 mã trái phiếu “khống”, không có tài sản đảm bảo, gồm: Công ty An Đông (3 mã năm 2018, 2019), Công ty Quang Thuận (1 mã năm 2018), Công ty Sunny World (1 mã 2018) và Công ty Setra (20 mã năm 2020) với tổng khối lượng 308,69 triệu trái phiếu, để lừa bán cho các nhà đầu tư, thu về 30.869,1 tỷ đồng.

Tiền thu được từ hoạt động bán trái phiếu không sử dụng đúng mục đích phát hành (đầu tư vào các dự án kinh tế để sinh lời, đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả gốc và lãi cho các trái chủ) mà các đối tượng đã rút tiền và sử dụng toàn bộ số tiền huy động được từ bán trái phiếu cho các mục đích khác; dẫn đến không có đủ nguồn tiền để đảm bảo chi trả gốc và lãi đến hạn cho các trái chủ.

Tính đến thời điểm khởi tố vụ án ngày 07/10/2022, 4 công ty nêu trên còn dư nợ 30.081,5 tỷ đồng của 35.824 trái chủ, không có khả năng thanh toán.

“Giải quỹ” xoá vết nguồn tiền hàng chục nghìn tỷ đồng

Để thực hiện vụ lừa đảo quy mô lớn, bước đầu các công ty “ma” (không có bộ máy nhân sự, hoạt động thực tế, thuê người đứng tên thành lập Công ty, sở hữu cổ phần, tài sản, khoản vay, ký khống tài liệu) được thành lập phục vụ cho các hoạt động tài chính của Vạn Thịnh Phát.

Theo đó, Vạn Thịnh Phát có tổng cộng 1.470 công ty (bao gồm 46 Công ty nước ngoài và một số ít Công ty do Trương Mỹ Lan mua lại), gần 1.800 cá nhân để đứng tên thành lập doanh nghiệp, đứng tên khoản vay, cổ phần, tài sản, ký khống tài liệu, chứng từ.

Bước tiếp theo, 656 công ty được sử dụng để vay tiền SCB, trong đó hiện còn 435 công ty còn dư nợ gốc và lãi, đều thuộc nợ nhóm 5, không có khả năng thu hồi (đã được điều tra, kết luận ở Giai đoạn 1).

85 công ty được thành lập để chuyển tiền từ Việt Nam đi nước ngoài và 63 công ty nhận tiền từ các công ty nước ngoài chuyển về Việt Nam thông qua Ngân hàng SCB (trong đó có 23 Công ty có sai phạm trong việc chuyển tiền quốc tế, được chứng minh ở Giai đoạn 2);

Ngoài ra, gần 50 công ty được sử dụng để tạo lập, phát hành trái phiếu và hàng trăm công ty khác được thành lập cho các mục đích khác như mua tài sản, đứng tên dự án, cơ cấu lại sở hữu cổ phần giữa các Công ty, chuyển nhượng cổ phần, tài sản cho các cá nhân theo mục đích của Trương Mỹ Lan.

Việc tạo dựng một số lượng lớn công ty “ma”, cá nhân đứng tên chính là là tiền đề cho việc thực hiện thủ thuật tài chính thường gọi tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là “giải quỹ” (đã được điều tra, kết luận ở vụ án Giai đoạn 1). Tức là cho các công ty chuyển tiền tới các cá nhân dưới hình thức “hứa chuyển nhượng cổ phần” của các công ty ma với mức đơn giá cổ phần được nâng khống lên nhiều lần tùy vào quy mô và tài sản của các công ty; làm căn cứ chuyển tiền và rút tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB mà không làm phát sinh thuế theo quy định của pháp luật.

Ứng dụng của thủ thuật “giải quỹ” được sử dụng chính cho việc rút tiền (dòng tiền thật) từ các khoản giải ngân của Ngân hàng SCB nhằm “cắt đứt” dòng tiền, “che giấu” mục đích sử dụng tiền, ngoài ra còn được sử dụng khi cần chạy “kỹ thuật” các dòng tiền “khống” trong quá trình tạo lập trái chủ sơ cấp cho các gói trái phiếu của các công ty phát hành hay rút tiền từ nước ngoài chuyển về.

Cụ thể, các Tổ chức phát hành thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát kết hợp đồng tư vấn, phát hành trái phiếu với Công ty Chứng khoán TVSI để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, công bố thông tin phát hành trái phiếu và thực hiện chức năng đại diện Tổ chức phát hành ký hết hợp đồng mua/bán, chuyển nhượng với các trái chủ thứ cấp (người dân) theo quy định pháp luật, giúp các Công ty thuộc Tập đoàn phát hành sản phẩm tài chính là các gói trái phiếu và báo cáo Bộ Tài chính (Vụ Tài chính các Ngân hàng và Tổ chức tài chính), Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Trong quá trình phát hành, để lách quy định về tư cách trái chủ, nhóm doanh nghiệp Vạn Thịnh Phát lên phương án để lập, ký kết các hợp đồng kinh tế khống (mua bán cổ phần, trái phiếu, vay tiền) giữa các Tổ chức phát hành với các Trái chủ sơ cấp, các Công ty đối tác và các cá nhân được thuê ký khống để hợp thức mục đích phát hành trái phiếu là dùng tiền vốn trái phiếu đầu tư các dự án sinh lời; lập, ký khống các chứng từ giao dịch (nộp, rút tiền mặt, chuyển khoản) và hạch toán không giao dịch trên hệ thống Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn, Bến Thành trong cùng một ngày để cân đối sổ quỹ tiền mặt, nhằm tạo nguồn tiền 30.869.138.800.000 đồng cho các Trái chủ sơ cấp chuyển tiền cho 4 Tổ chức phát hành (An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra) để mua toàn bộ 308.691.388 trái phiếu.

Kết quả điều tra xác định, toàn bộ các giao dịch nộp/rút tiền mặt/chuyển tiền tại Ngân hàng SCB liên quan đến dòng tiền nêu trên đều là khống, không có tiền mặt nộp/rút thực tế mà chỉ đi lệnh dòng tiền để cân đối số quỹ tiền mặt hàng ngày tại Ngân hàng SCB CN Sài Gòn, Bến Thành.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Ảo thuật ‘giải quỹ’ xoá vết hơn 30.869 tỷ đồng, ‘tiền mồ hôi xương máu’ của người dân không ngừng chảy vào túi nhóm Trương Mỹ Lan

Thông qua các Hợp đồng hợp tác, mua bán trái phiếu, cổ phần, các đối tượng thao túng, sử dụng hệ thống, nguồn lực, nhân sự, quy trình làm việc của Chứng khoán TVSI và Ngân hàng SCB làm công cụ để bán sản phẩm trái phiếu đến người dân và thu tiền về để sử dụng hết tiền vốn trái phiếu vào các mục đích khác, không đúng mục đích theo phương án phát hành.

Mua sản phẩm của ngân hàng bỗng bị cuốn vào ‘vòng xoáy lừa đảo’

Với vai trò Tổng Giám đốc, điều hành chung hoạt động của Ngân hàng SCB, bị can Võ Tấn Hoàng Văn đã trực tiếp chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ bán hàng của Ngân hàng SCB xây dựng phương án đào tạo cho hơn 2.000 nhân viên bán hàng tại 239 chi nhánh Ngân hàng SCB trên toàn quốc về sản phẩm trái phiếu và tư vấn, tiếp thị mời chào khách hàng mua sản phẩm trái phiếu. Giữa SCB và TVSI ký kết các Hợp đồng hợp tác về việc Ngân hàng SCB hỗ trợ tìm kiếm, tư vấn, giới thiệu để khách hàng ký kết hợp đồng mua bán trái phiếu với Chứng khoán TVSI - Đại diện Tổ chức phát hành.

Sau khi khách hàng đồng ý mua trái phiếu và ký kết hợp đồng với Chứng khoán TVSI, dòng tiền huy động được từ hàng ngàn trái chủ như sau: Trái chủ chuyển tiền cho Công ty Chứng khoán TVSI để mua trái phiếu → Công ty Chứng khoán TVSI chuyển tiền cho các Công ty Trái chủ sơ cấp hoặc các Công ty mua lại trái phiếu từ Trái chủ sơ cấp - Các Công ty chuyển tiền cho các cá nhân dưới hình thức trả tiền cho vay, mua cổ phần → Các cá nhân rút tiền để sử dụng.

Sau khi Chứng khoán TVSI chuyển tiền về, các đối tượng đã thực hiện giao dịch rút tiền để sử dụng tại Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn, Bến Thành bằng 2 hình thức:

Rút tiền mặt trực tiếp, đưa xuống hầm giao cho Bùi Văn Dũng, lái xe của Trương Mỹ Lan chở về nhà riêng hoặc điểm đến chỉ định; ngoài ra có thể đưa trực tiếp cho Nguyễn Phương Hồng nhận hoặc một số cá nhân mà Nguyễn Phương Hồng yêu cầu giao trực tiếp tại Chi nhánh;

Cho các cá nhân được thuê đứng tên ký chứng từ rút tiền mặt, nộp tiền mặt vào các tài khoản chỉ định, sau đó, tiếp tục đi lệnh chuyển tiền vào các tài khoản để sử dụng cho các mục đích như: trả nợ khoản vay, thanh toán Thẻ tín dụng (VISA Master Card), chuyển tiền cho các Công ty, cá nhân cụ thể... (Không rút/nộp tiền mặt thực tế mà chỉ đứng tên ký chứng từ rút/nộp tiền).

Bằng phương thức thủ đoạn nêu trên, các đối tượng đã che giấu được dòng tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu cũng như những tổ chức/cá nhân hoặc tài khoản được thụ hưởng tiền bán trái phiếu.

Như vậy, với chuỗi hành vi, thủ đoạn liên tiếp nêu trên, các đối tượng đã hoàn thành hành vi gian dối trong hoạt động phát hành 25 gói trái phiếu “khống”. Hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đã hoàn thành kể từ khi các công ty trái chủ sơ cấp nhận được tiền bán trái phiếu cho các nhà đầu tư thứ cấp.

>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan vận chuyển trái phép hơn 4,5 tỷ USD qua biên giới

Vụ Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan chi hàng trăm tỷ đồng mua bất động sản của Quốc Cường Gia Lai (QCG)

‘Siêu dự án’ bất động sản 25.000 tỷ đồng tại Lâm Đồng khiến ông Mai Tiến Dũng vướng vòng lao lý, có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vu-van-thinh-phat-ao-thuat-giai-quy-xoa-vet-hon-30869-ty-dong-tien-mo-hoi-xuong-mau-cua-nguoi-dan-khong-ngung-chay-vao-tui-nhom-truong-my-lan-237723.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Vụ Vạn Thịnh Phát: Ảo thuật ‘giải quỹ’ xoá vết hơn 30.869 tỷ đồng, ‘tiền mồ hôi xương máu’ của người dân không ngừng chảy vào túi nhóm Trương Mỹ Lan
POWERED BY ONECMS & INTECH