Doanh nghiệp

Vụ Vạn Thịnh Phát: 'Cách' Trương Mỹ Lan để lại hậu quả 33.300 tỷ đồng 'nợ' cho Sài Gòn Glory

Hồ Nga 05/11/2024 22:55

Kết quả điều tra xác minh, Trương Mỹ Lan đã dùng Sài Gòn Glory và dự án khu tứ giác Bến Thành để phát hành trái phiếu, vay ngân hàng... tổng nợ phát sinh hơn 33.300 tỷ đồng.

TAND TP HCM đã công bố bản án giai đoạn 2 của vụ Vạn Thịnh Phát, trong đó bà Trương Mỹ Lan bị buộc bồi thường hơn 30.000 tỷ đồng cho các trái chủ và những người liên quan đến việc nhận chuyển nhượng trái phiếu.

Để bù đắp thiệt hại, bà Trương Mỹ Lan đã đề cập đến nhiều tài sản có giá trị và các khoản nợ lớn của các bên, đồng thời đề nghị được thu hồi.

Trong số các khoản mà bà Trương Mỹ Lan đề cập, có 7.000 tỷ đồng "đòi" từ Tập đoàn Bitexco liên quan đến dự án khu tứ giác Bến Thành. HĐXX nhận thấy có nhiều tài liệu và chứng cứ liên quan chưa được làm rõ, do đó, đã kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) tiếp tục xác minh làm rõ và giải quyết theo quy định pháp luật đối với các tài sản liên quan.

Thỏa thuận 22.000 tỷ giữa Trương Mỹ Lan và Chủ tịch Bitexco

Bản án nêu rõ rằng dự án The Spirit of Sài Gòn tại khu tứ giác Bến Thành thuộc Công ty TNHH Sài Gòn Glory, một thành viên của Tập đoàn Bitexco.

Bà Trương Mỹ Lan khai, vào năm 2018, bà đã thỏa thuận miệng với ông Vũ Quang Hội, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco, về việc chuyển nhượng dự án khu tứ giác Bến Thành cho Vạn Thịnh Phát. Giá chuyển nhượng 22.000 tỷ đồng.

Bà Lan đã chuyển cho Bitexco tổng cộng 15.712 tỷ đồng. Tuy nhiên, hai bên chưa thực hiện thủ tục chuyển giao công ty.

Qua xác minh, nguồn gốc số tiền 15.712 tỷ đồng này, có 4.100 tỷ đồng được rút ra từ SCB. Phần còn lại được cho là tiền của bạn bè bà Lan, các khoản vay ngân hàng, và tiền từ phát hành trái phiếu của công ty Sài Gòn Glory. Hiện chưa thể xác định chính xác để bóc tách nguồn tiền này do người theo dõi dòng tiền là Nguyễn Phương Hồng đã chết.

Tại tòa, bà Trương Mỹ Lan khai rằng bà đã chuyển cho ông Vũ Quang Hội 7.000 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng dự án (với giá chuyển nhượng 22.000 tỷ đồng). Bà yêu cầu nếu có đối tác thứ ba triển khai dự án thì số tiền 7.000 tỷ đồng sẽ được hoàn trả để khắc phục hậu quả vụ án.

>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Giao tài sản thế chấp với dư nợ nghìn tỷ cho VietinBank (CTG) xử lý

Bà Trương Mỹ Lan để lại 'hậu quả' là khoản nợ 33.300 tỷ đồng cho Bitexco

Tại tòa, Bitexco thừa nhận đã nhận 15.712 tỷ đồng từ bà Trương Mỹ Lan.

Đại diện Bitexco khai, mặc dù Sài Gòn Glory thuộc quyền sở hữu của Bitexco, nhưng bà Trương Mỹ Lan đã đưa người sang điều hành công ty. Bà Lan đã sử dụng Sài Gòn Glory để phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu và vay 13.000 tỷ đồng tại ngân hàng. Hiện tại, các tài sản của dự án đang do ngân hàng quản lý theo các hợp đồng giao dịch thế chấp. Cơ quan điều tra xác định, số tiền này bà Trương Mỹ Lan đã sử dụng vào mục đích cá nhân.

Theo xác minh, hiện nay, hậu quả do bị cáo Trương Mỹ Lan để lại cho công ty Sài Gòn Glory (mà chủ sở hữu là Bitexco) và dự án khu tứ giác Bến Thành lên tới 33.334 tỷ đồng, bao gồm nghĩa vụ thanh toán trái phiếu, nghĩa vụ trả nợ vay ngân hàng và các nghĩa vụ khác.

Để đảm bảo nghĩa vụ cho các trái chủ và ngân hàng cho vay, Bitexco đã thỏa thuận với các bên để thực hiện triển khai dự án. Phương án được đề xuất, là giao Công ty Sài Gòn Glory và dự án khu tứ giác Bến Thành cùng toàn bộ hiện trạng và tài sản cho Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội. Bất động sản Phương Đông Hà Nội có trách nhiệm thanh toán các gói trái phiếu do Sài Gòn Glory phát hành, cùng với các nghĩa vụ về các khoản vay ngân hàng.

Do vậy, Bitexco đề nghị không thu hồi số tiền 15.712 tỷ đồng. Ngoài ra, do chưa thanh toán xong, việc chuyển nhượng khu tứ giác Bến Thành cho nhóm Trương Mỹ Lan vẫn chưa thực hiện. Bitexco vẫn là chủ sở hữu của Sài Gòn Glory.

>> Vụ Vạn Thịnh Phát Giai Đoạn 2: Đã hết thời gian kháng cáo

Theo Bitexco, xét về mặt kinh tế, nếu các bên không thực hiện đầy đủ thỏa thuận, thì các bên có nghĩa vụ hoàn trả lại tài sản cho nhau. Vì vậy, Trương Mỹ Lan sẽ nhận lại 15.712 tỷ đồng và giao lại dự án khu tứ giác Bến Thành cùng Công ty Sài Gòn Glory cho Bitexco.

Tuy nhiên, nhóm của bà Trương Mỹ Lan đã sử dụng dự án và Sài Gòn Glory để phát hành trái phiếu, bảo lãnh khoản vay tổng số tiền 23.000 tỷ đồng cho mục đích cá nhân của bà. Đến nay, bà Trương Mỹ Lan không có khả năng thanh toán số tiền này (bao gồm gốc và lãi, tổng cộng hơn 33.000 tỷ đồng), vượt quá số tiền bà đã chuyển cho ông Vũ Quang Hội (15.712 tỷ đồng).

Ngày 29/8/2024, đại diện gia đình bà Lan làm việc cùng Bitexco, đã thống nhất để Bitexco đại diện cho nghĩa vụ nợ của dự án, chuyển nhượng toàn bộ hiện trạng dự án cho công ty bất động sản Phương Đông Hà Nội. Bà Trương Mỹ Lan không đề nghị thu hồi số tiền 15.712 tỷ đồng. Bất động sản Phương Đông Hà Nội đang thực hiện các thủ tục pháp lý để nhận chuyển giao. Ngân hàng cho vay cũng đồng ý tài trợ nguồn vốn để công ty bất động sản Phương Đông Hà Nội tiếp tục triển khai dự án nhằm thực hiện nghĩa vụ với các khoản nợ và trái chủ.

Vụ Vạn Thịnh Phát: 'Cách' Trương Mỹ Lan để lại hậu quả 33.300 tỷ đồng 'nợ' cho Sài Gòn Glory
Ảnh bà Trương Mỹ Lan

>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Bitexco cho rằng không có nghĩa vụ biết nguồn gốc dòng tiền, nhận 15.700 tỷ là 'ngay tình'

Long đong số phận dự án The Spirit of Saigon

Dự án The Spirit of Saigon tọa lạc tại khu tứ giác Bến Thành với bốn mặt tiền là đường Phạm Ngũ Lão, Phó Đức Chính, Lê Thị Hồng Gấm và Calmette, quận 1, TP.HCM. Dự án có diện tích 8.537m², bao gồm hai tòa tháp cao 55 tầng và 48 tầng, kết hợp khu văn phòng, khách sạn và căn hộ cao cấp. Dự án cũng nổi tiếng với nhiều tên gọi đình đám, ngoài The Spirit of Saigon còn có One Central và The Pearl.

Dự án được giao cho Bitexco từ năm 2013, nhưng do khó khăn tài chính, việc phát triển bị trì trệ. Sau đó, dự án đã qua tay nhiều chủ đầu tư trước khi quay lại với Bitexco và tiếp tục “dậm chân tại chỗ”.

Thông tin mới cập nhật vào đầu tháng 10/2024 ghi nhận, Công ty TNHH Sài Gòn Glory đã được chuyển quyền sở hữu từ Tập đoàn Bitexco sang Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội. Đại diện vốn góp của Sài Gòn Glory cũng chuyển từ ba cá nhân gồm ông Trịnh Quang Công, ông Vũ Quang Bảo và ông Nguyễn Anh Đức sang ông Trần Thanh Tú, bà Trần Thị Minh Hiếu và ông Nguyễn Anh Đức.

Đến ngày 10/10, ông Trần Thanh Tú được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên Sài Gòn Glory, trong khi ông Nguyễn Vũ Hải đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc. Tất cả 7.000 tỷ đồng vốn cổ phần cũng được ủy quyền cho ông Trần Thanh Tú quản lý.

Với phán quyết đề nghị C03 tiếp tục xác minh và làm rõ, số phận của dự án khu tứ giác Bến Thành vẫn còn long đong chưa có hồi kết.

>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Tòa không có cơ sở xem xét yêu cầu thu hồi 7.000 tỷ từ Bitexco

Trương Mỹ Lan xin giữ lại danh tiếng cho Vạn Thịnh Phát để các đối tác tin tưởng, hợp tác trong tương lai

Quốc Cường Gia Lai kháng cáo, cổ phiếu QCG tăng trần trong ngày đầu phúc thẩm vụ Vạn Thịnh Phát

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vu-van-thinh-phat-cach-truong-my-lan-de-lai-hau-qua-33300-ty-dong-no-cho-sai-gon-glory-258335.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vụ Vạn Thịnh Phát: 'Cách' Trương Mỹ Lan để lại hậu quả 33.300 tỷ đồng 'nợ' cho Sài Gòn Glory
    POWERED BY ONECMS & INTECH