Vụ Vạn Thịnh Phát: Dự án “đắp chiếu” 7 năm được dùng làm tài sản bảo đảm cho hàng trăm khoản vay tại SCB

02-12-2023 22:47|Lan Phương

Về dự án được xem như “công cụ chính” cho Chủ tịch Vạn Thịnh Phát chiếm đoạt tiền của SCB, hồi tháng 6/2017, Bộ Tài chính từng lên tiếng về năng lực tài chính của chủ đầu tư.

Theo kết luận điều tra vụ Vạn Thịnh Phát, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã làm rõ hành vi sai phạm của bị can Trương Mỹ Lan trong việc đưa tài sản không đủ pháp lý, nâng khống giá trị để rút ruột ngân hàng SCB.

Cụ thể, ngoài việc sử dụng các công ty “ma”, và thuê, nhờ các cá nhân đứng tên, lập các phương án vay vốn khống, để rút được tiền tại SCB, Trương Mỹ Lan và đồng phạm dùng tài sản đảm bảo chưa đủ điều kiện pháp lý, nâng khống giá trị lên nhiều lần sử dụng rút vốn vay của ngân hàng này. Đối với 1.284 khoản vay còn dư nợ của nhóm Trương Mỹ Lan, có 1.166 mã tài sản có giá trị sổ sách SCB ghi nhận, phân bổ là 1.265.504 tỷ đồng.

>> Lộ diện các tổ chức nòng cốt “lách luật” giúp Chủ tịch Vạn Thịnh Phát tuồn hàng trăm nghìn tỷ khỏi SCB

Tuy nhiên, Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân định giá 726/1.166 mã tài sản có giá trị sổ sách phân bổ toàn bộ là 643.029 tỷ đồng thì giá trị được phân bổ là 253.692 tỷ đồng; Với 440/1.166 mã tài sản có giá trị sổ sách SCB ghi nhận, phân bổ là 622.476 tỷ đồng, Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân không định giá vì lý do các tài sản (cổ phần, cổ phiếu, quyền tài sản, bất động sản) không đủ hồ sơ, pháp lý tài sản…

Điển hình của việc đưa tài sản không đủ pháp lý và nâng khống giá trị là các khoản vay liên quan đến tài sản đảm bảo là Khu đô thị mới Saigon Peninsula (Mũi Đèn Đỏ).

Theo kết luận điều tra, Ngân hàng SCB đã giải ngân cho 100 khách hàng với 137 khoản vay liên quan đến tài sản đảm bảo là Dự án Mũi Đèn Đỏ còn dư nợ 133.710 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi (chiếm 22% tổng dư nợ gốc của nhóm Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại ngân hàng SCB).

C03 xác định tài sản đảm bảo trên sổ sách là 584.487 tỷ đồng thì phần vốn góp là 433.473 tỷ, quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ là 147.650 tỷ đồng; các bất động sản, quyền tài sản khác là 3.363 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân định giá trị quyền tài sản phát sinh từ dự án Mũi Đèn Đỏ chỉ là 17.597 tỷ đồng.

Đáng chú ý, bà Nguyễn Phương Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula - Công ty đứng tên chủ sở hữu dự án bất động sản Mũi Đèn Đỏ của Trương Mỹ Lan được giao nhiệm vụ là đầu mối phối hợp với các đối tượng thân tín của bà chủ Vạn Thịnh Phát tại SCB xây dựng các bộ hồ sơ khống, vay vốn của ngân hàng này. Từ đó, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát chiếm đoạt tiền của SCB.

Theo lời khai của Trương Khánh Hoàng, cựu quyền Tổng Giám đốc SCB, để tạo lập hồ sơ khách hàng vay vốn, SCB phải phối hợp với nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tìm người thuê đứng tên thành lập các công ty để vay vốn, đứng tên tài sản. Ngoài ra, các hồ sơ vay của cá nhân, pháp nhân thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát, việc giải ngân được SCB thực hiện trước sau đó mới hoàn thiện hồ sơ. Trong đó, với những tài sản đảm bảo được SCB thuê các công ty thẩm định giá ban hành chứng thư nâng khống giá trị nhằm rút được số tiền lớn khỏi ngân hàng theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan; có nhiều hồ sơ thế chấp tài sản sau khi giải ngân 60-90 ngày mới hoàn thiện đưa vào hồ sơ cho vay.

Về Mũi Đèn Đỏ, đây là dự án nằm tại ngã ba sông Sài Gòn, quận 7, TP. HCM với tổng vốn khoảng 6 tỷ USD (khoảng 144.000 tỷ đồng). Dự án Saigon Peninsula được UBND TP. HCM chấp thuận đầu tư vào năm 2007. CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula là liên danh chủ đầu tư thực hiện dự án.

Tuy nhiên, sau thời gian khởi công rầm rộ, tiến độ dự án Saigon Peninsula bắt đầu chững lại vào giai đoạn 2017-2018. Tháng 6/2017, Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ Xây dựng nêu lên quan điểm về năng lực tài chính của chủ đầu tư dự án. Theo đó, chủ đầu tư vẫn còn chưa đáp ứng được đầy đủ các điều kiện để thể hiện được mình đủ năng lực tài chính thực hiện dự án. Đáng lưu ý, Theo Kinh tế Xây dựng, chuyên trang của Petro Times, tại thời điểm cuối tháng 8/2023, nơi thực hiện dự án vẫn là một bãi đất hoang vắng.

>> Nhiều bất động sản của Quốc Cường Gia Lai (QCG) liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát

>> Hơn nghìn tỷ đồng trái phiếu của nhóm Vạn Thịnh Phát, Novaland (NVL), FLC, LDG đáo hạn trong tháng 12/2023

Vụ Vạn Thịnh Phát chưa đến hồi kết, VKSND cập nhật thông tin về vấn đề thu hồi tài sản

Bóc trần cách vận hành “đế chế” Vạn Thịnh Phát hơn 1.000 doanh nghiệp của Trương Mỹ Lan

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vu-van-thinh-phat-du-an-dap-chieu-7-nam-duoc-dung-lam-tsbd-cho-hang-tram-khoan-vay-tai-scb-213736.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vụ Vạn Thịnh Phát: Dự án “đắp chiếu” 7 năm được dùng làm tài sản bảo đảm cho hàng trăm khoản vay tại SCB
    POWERED BY ONECMS & INTECH