Vụ Vạn Thịnh Phát: Nghi ngờ tính thực tế của việc Trương Mỹ Lan có 55.868 tỷ đồng trả trái chủ
Trước đó, tại phiên Tòa ngày 4/10, luật sư của Trương Mỹ Lan đã liệt kê 8 nguồn chính để thu hồi được 55.868 tỷ đồng khắc phục toàn bộ gói trái phiếu 30.000 tỷ đồng.
Ngày 10/10 là ngày thứ 14 xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 33 đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 30.869 tỷ đồng của trái chủ, rửa tiền hơn 445.000 tỷ đồng và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới khoảng 106.730 tỷ đồng.
Trong ngày thứ 14 xét xử giai đoạn 2, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM (VKS) đã đối đáp lại các quan điểm bào chữa của các luật sư.
Theo VKS, quá trình thẩm vấn đã thể hiện Trương Mỹ Lan là người chủ mưu, trực tiếp chỉ đạo phát hành 25 gói trái phiếu khống. Trong khi đó, các đồng phạm chỉ làm theo chỉ đạo của bà và nhận lương.
Cụ thể, các bị cáo đã lập hợp đồng khống, nộp chứng từ khống, sử dụng tiền trái phiếu trái mục đích, sử dụng gói trái phiếu sau trả lãi cho gói trái phiếu trước…
“Xâu chuỗi các vấn đề trên thể hiện mất khả năng thanh khoản các gói trái phiếu, chứng tỏ ý thức chiếm đoạt tiền của bị cáo Lan”, đại diện VKS nêu.
Khi luận tội, cơ quan công tố đã phân hóa vai trò từng bị cáo, trong đó xác định bị cáo Lan có vai trò cao nhất, chịu trách nhiệm chính trong vụ án giai đoạn 2, đồng thời phải bồi thường toàn bộ thiệt hại hơn 30.869 tỷ đồng là có căn cứ.
Đại diện VKS cũng cho rằng, mặc dù trong quá trình điều tra, xét xử giai đoạn 2, dưới sự hỗ trợ của luật sư, bị cáo Lan đã hết sức phối hợp với luật sư, gia đình tìm giải pháp, có nguồn tiền khắc phục. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những biện pháp đó chỉ là phương án, giải pháp, chưa thể hiện thực tế.
Ngoài ra, về đề nghị HĐXX tuyên Trương Mỹ Lan tù chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, VKS đánh giá với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi lừa đảo trong vụ án này, VKS đã đề nghị mức án cao nhất, nghiêm khắc nhất trong tội lừa đảo là tù chung thân.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là VKS không ghi nhận tình tiết giảm nhẹ, thái độ, ý thức của bị cáo Lan. “Tuy vậy, xét tính chất, mức độ, và hậu quả quá lớn, chúng tôi thấy rằng vẫn phải áp dụng mức hình phạt cao nhất, nghiêm khắc nhất”, VKS lập luận.
Bên cạnh đó, VKS ghi nhận thêm các tình tiết giảm nhẹ cho một số bị cáo, từ đó đề nghị HĐXX giảm một phần hình phạt.
Bị cáo Trương Mỹ Lan |
Trước đó, trong phiên xét xử ngày 4/10, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt Trương Mỹ Lan mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 12 - 13 năm tù về tội rửa tiền; 8 - 9 năm tù về tội vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới. Tổng hợp hình phạt là tù chung thân và buộc bị cáo Lan bồi thường toàn bộ thiệt hại hơn 30.869 tỷ đồng. 33 bị cáo đồng phạm của bị cáo Trương Mỹ Lan bị VKS đề nghị HĐXX tuyên từ 2 năm tù đến 27 năm tù.
Đáng chú ý, cũng tại phiên Tòa ngày 4/10, luật sư Giang Hồng Thanh đã liệt kê ra 8 nguồn chính và 3 nguồn phụ để thu hồi tiền trả cho các trái chủ.
Đó là 420 tỷ đồng do gia đình bị cáo Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã nộp khắc phục hậu quả; 15.712 tỷ đồng từ các đơn vị phát hành trái phiếu; 784 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 18% cổ phần của liên doanh Vietcombank; 638 tỷ đồng từ việc hợp tác phát triển Khu đô thị Sing-Việt; 1.000 tỷ đồng cho Nguyễn Văn Liêm vay; 1.000 tỷ đồng qua 5 giấy CNQSD đất ở Quảng Ninh do 1 ngân hàng phải trả; 21.000 tỷ đồng do thu hồi từ vụ án giai đoạn 1; cuối cùng là 12.313 tỷ đồng là giá trị quy đổi tài sản đang bị kê biên phong toả.
Như vậy, tại giai đoạn này đang có 55.868 tỷ đồng có thể khắc phục toàn bộ gói trái phiếu 30.000 tỷ đồng của 35.824 trái chủ.
Ngoài ra, luật sư cho biết, còn 3 nguồn dự phòng để khắc phục hậu quả. Đó là 3.250 tỷ đồng liên quan đến dự án Tiến Phát sau khi trừ đi các nghĩa vụ tồn đọng của vụ án; 130 triệu USD (tương đương 3.000 tỷ đồng) từ toà nhà 29 Liễu Giai (Hà Nội) và 7.000 tỷ đồng từ tứ giác Bến Thành.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan hiện có 55.868 tỷ đồng để trả cho các trái chủ