Vụ Vạn Thịnh Phát: VKS đề nghị Trương Mỹ Lan làm rõ phương án khắc phục 677.000 tỷ đồng
VKS cho rằng quá trình thẩm vấn phát sinh nhiều tình tiết mới, cần thời gian để đánh giá lại trước khi quyết định kháng cáo của các bị cáo và bên liên quan.
Ngày 12/11, theo kế hoạch xét xử, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Cấp cao sẽ phát biểu quan điểm giải quyết kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan cùng 47 người khác. Tuy nhiên, cơ quan công tố cho rằng còn một số vấn đề cần làm rõ để giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện nên đề nghị HĐXX được quay lại phần xét hỏi.
Theo Báo Thanh niên, tại tòa, đại diện VKS đã đề nghị bà Lan trả lời về phương án thực hiện "cam kết trả toàn bộ số tiền Ngân hàng Nhà nước cho SCB mượn để duy trì hoạt động" và khắc phục hậu quả vụ án.
Trương Mỹ Lancam kết 1.121 tài sản đang thế chấp cho SCB đã đủ đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án
Chủ tịch Vạn Thịnh Phát cho biết, bản án sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi thường 677.000 tỷ đồng, sau khi cấn trừ một số khoản vay đã được tất toán sau thời điểm khởi tố, thì bà còn phải khắc phục hơn 673.000 tỷ đồng.
Về phương án khắc phục thiệt hại, bà Lan nói: "Bị cáo cam kết 1.121 tài sản đang thế chấp cho SCB đã đủ đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án". Cụ thể, Trương Mỹ Lan liệt kê nhiều khoản tiền, tài sản gồm: 21.000 tỷ đồng các tổ chức, cá nhân phải trả cho bị cáo (theo bản án); hơn 500 tỷ đồng nộp trước phiên phúc thẩm; 5.000 tỷ đồng đã chuyển vào SCB để tăng vốn điều lệ...
Ngoài ra, theo bị cáo, 681/1.121 mã tài sản đã bị Công ty Hoàng Quân định giá thấp hơn giá trị thực tế rất lớn, đề nghị tòa xem xét ghi nhận và định giá lại theo giá thị trường tại thời điểm thi hành án, để được cấn trừ. Trong đó, riêng dự án Mũi Đèn Đỏ đã có giá thực tế cao hơn mức định giá của Công ty Hoàng Quân hàng chục nghìn tỷ đồng.
Đối với 440 tài sản chưa định giá, bà Lan nói "có nhắm mắt thì cũng bán được 100.000 tỷ đồng", còn trên sổ sách có giá là 620.000 tỷ đồng. Trong đó bao gồm loạt tài sản lớn như: dự án 152 Trần Phú đã thực hiện xong hạ tầng; dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, đã được nhà đầu tư ngay tình nộp vào hơn 3.000 tỷ đồng, hiện tiếp tục xin được nộp tiền để thực hiện dự án; dự án Grand Central 196-202 Nam Kỳ Khởi Nghĩa; dự án One Central (khu Tứ giác Bến Thành) 14.000 tỷ đồng...
Tiếp đó, bà Lan cho biết đồng ý đưa dự án 6A khu Trung Sơn, Bình Chánh (SCB đang giữ); 658 mã tài sản khác của mình (trong đó có nhiều căn hộ nhỏ trong tòa nhà Sherwood trên đường Pasteur) không dùng để đảm bảo cho bất cứ khoản vay nào để khắc phục hậu quả vụ án.
Trả lời HĐXX về nguồn gốc, giá trị và tính pháp lý của dự án 6A, bà Lan cho biết, Vạn Thịnh Phát đã nộp tiền sử dụng đất cho khu đất hơn 300ha từ hơn chục năm trước. Đến nay, dự án đã thực hiện gần xong việc bồi thường. Trước khi bà bị bắt đã có nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề muốn nhận chuyển nhượng với giá khoảng 60.000 tỷ đồng. Do Vạn Thịnh Phát chỉ muốn hợp tác, không chuyển nhượng nên giữ lại, giờ "nếu bán rẻ cũng được 40.000 tỷ đồng". Bà Lan cũng rút lại yêu cầu xin hoán đổi dự án này lấy lại tòa nhà Time Square. Trong quá trình thi hành án, nếu đủ khả năng thì bị cáo sẽ xin HĐXX xem xét hoán đổi 2 dự án sau.
Bị cáo Trương Mỹ Lan (Nguồn: Báo Người Lao động) |
Đối với 658 mã tài sản khác của bị cáo hiện không đảm bảo cho khoản vay nào hay cho mượn, có dự án Cảng Sài Gòn, dự án Amigo... Trương Mỹ Lan trình bày: "Dự án Cảng Sài Gòn theo tâm nguyện của bị cáo là dùng để xây trường học, bệnh viện. Nếu phát triển dự án vào đúng thời điểm thì cũng có giá trị 200.000 tỷ đồng. Tài sản này bị cáo dùng để dự phòng khi tài sản khác không đủ". Tuy nhiên, bà cho rằng việc xử lý các tài sản này "phải có bị cáo tham gia mới mang lại giá trị" bởi bà biết cách phải làm thế nào.
Đối với các tài sản bị kê biên ở giai đoạn 2 của vụ án, bị cáo ước tính có giá khoảng 55.000 tỷ đồng - dư để khắc phục hậu quả cho người mua trái phiếu. Phần còn lại sẽ nhập vào khắc phục hậu quả cho giai đoạn 1. "Sau phiên sơ thẩm (giai đoạn 2) đã có nhà đầu tư nộp cho bị cáo hơn 2.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án từ việc mua tòa nhà 29 Liễu Giai, Hà Nội. Các bên vẫn đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ chuyển nhượng để bán tòa nhà này lấy tiền khắc phục hậu quả", Chủ tịch Vạn Thịnh Phát cho biết thêm.
Theo bà Lan, ngoài phương án khắc phục hậu quả nói trên, bà có thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ khác như: có 2.000 đơn của người dân và của Hội người Hoa tại TP. HCM xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo; bà và gia đình có nhiều hoạt động từ thiện với xã hội từ hàng chục năm trước...
Đề nghị cho Trương Mỹ Lan tiếp cận hồ sơ 1.283 khoản vay tại SCB
Cuối buổi làm việc, bà Lan đề nghị HĐXX cho mình được tiếp cận hồ sơ của 1.283 khoản vay tại SCB để biết chính xác số nợ đến nay là bao nhiêu. "Bị cáo thấy trong hồ sơ, chỉ riêng khoản vay của nhóm khách hàng ban đầu là hơn 2.000 tỷ nhưng đến nay được tính lên tới 54.000 tỷ đồng", bà Lan nói, thêm rằng cần phải xem xét miễn phần lãi suất cho những khoản vay xấu này để có cơ hội để các nhà đầu tư vào tiếp tục thực hiện dự án. Cũng từ đó, có căn cứ xem xét lại số tiền thiệt hại buộc bà chịu trách nhiệm.
Đại diện VKS đề nghị HĐXX chấp nhận kiến nghị này của bà Lan. HĐXX sau đó ghi nhận, cho biết "sẽ xem xét". Sau nhiều giờ làm việc, đại diện VKS cho rằng quá trình thẩm vấn phát sinh nhiều tình tiết mới, cần thời gian để đánh giá lại một cách chính xác từ đó mới có cơ sở đề nghị chấp nhận hay không kháng cáo của các bị cáo và các bên liên quan. Do đó, VKS đề nghị dừng phiên tòa để nghiên cứu đánh giá chứng cứ. HĐXX đồng ý với yêu cầu của VKS. Phiên tòa sẽ tiếp tục vào ngày 15/11.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Quốc Cường Gia Lai (QCG) đồng ý trả hơn 2.800 tỷ đồng cho bà Trương Mỹ Lan
Vụ Vạn Thịnh Phát: 'Đại gia' dầu khí kháng án, không chấp nhận liên đới trả 443 tỷ đồng cho SCB
Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan đề xuất phương án thu hồi hơn 700.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả