‘Vua cà phê Việt' Đặng Lê Nguyên Vũ trong ánh nhìn của người sáng lập First News: ‘Ai khác biệt và đi nhanh ắt phải đi một mình trong cô đơn’
"Tôi quen biết nhiều người có tầm ảnh hưởng tới xã hội nhưng tôi phải thừa nhận rằng, có ít doanh nhân nào hoài bão như Vũ", người sáng lập First News viết.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ là một doanh nhân người Việt Nam, được biết đến rộng rãi với vai trò là nhà sáng lập và Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên, một trong những thương hiệu cà phê hàng đầu của Việt Nam. Sinh ra tại tỉnh Khánh Hòa, ông Vũ đã trải qua một tuổi thơ khó khăn trước khi trở thành một trong những doanh nhân nổi bật nhất trong ngành cà phê.
Với tầm nhìn chiến lược và hoài bão lớn, Đặng Lê Nguyên Vũ đã đưa thương hiệu Trung Nguyên từ một cửa hàng nhỏ tại Buôn Ma Thuột trở thành một tập đoàn lớn mạnh có tầm ảnh hưởng không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế.
Sau phiên tòa ly hôn cảm xúc và tốn nhiều giấy mực của báo chí vào ngày 27/3/2019 giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên, và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, phán quyết của Hội đồng xét xử đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Ông Nguyễn Văn Phước, nhà sáng lập First News và là người bạn lâu năm của ông Vũ, khi ấy cũng đã đăng tải một bài viết nói về ‘Vua cà phê’ Đặng Lê Nguyên Vũ.
"Ai khác biệt và đi nhanh ắt phải đi một mình trong cô đơn"
Ông Nguyễn Văn Phước, nhà sáng lập First News, là bạn bè thân thiết với Đặng Lê Nguyên Vũ trong nhiều năm. Ông từng có dịp cùng người bạn của mình lên núi rừng M’Drak, đốt lửa trại và trò chuyện thâu đêm. Hai người cũng đã đồng hành trong nhiều chương trình xã hội của Trung Nguyên, và ông Vũ đã tham gia nhiều sự kiện văn hóa do First News tổ chức. Mỗi khi gặp nhau, họ thường trăn trở, chia sẻ về tình hình đất nước, vận mệnh dân tộc, và hướng đi phù hợp cho giới trẻ Việt Nam. Hai người cũng từng cùng nhau đặt tựa cho những cuốn sách mà họ tâm đắc. Ông Phước luôn thấy bạn mình là một người sáng suốt, đột phá, mạnh mẽ và quyết liệt trong suy nghĩ và hành động.
"Tôi quen biết nhiều người có tầm ảnh hưởng tới cộng đồng, xã hội. Nhưng tôi phải ngạc nhiên thừa nhận rằng, có ít doanh nhân nào hoài bão như Vũ: luôn trăn trở đau đáu về tình hình xã hội, vận mệnh tương lai quốc gia và suy nghĩ về tinh thần quốc đạo của người Việt, dân tộc Việt. Vũ coi những điều đó như là sứ mệnh của bản thân, hơn cả kinh doanh, gắn liền với cuộc đời Vũ", ông Phước viết.
Ông Phước cảm nhận rằng những gì ông Vũ chia sẻ đều xuất phát từ hoài bão và khát vọng cháy bỏng, chứ không phải là những lời nói khoa trương hay vĩ cuồng như nhiều người đã đánh giá. Ông nhận thấy rằng ông Vũ là người có khả năng đặc biệt và tầm nhìn khác biệt so với đa số những người xung quanh.
Và như một định mệnh, điều này dường như đã chứng minh cho câu nói nổi tiếng: "Ai khác biệt và đi nhanh ắt phải đi một mình trong cô đơn".
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ rất tâm đắc với bài thơ của Lý Thường Kiệt: "Nam Quốc sơn hà Nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư..." và luôn mang trong mình khát khao về một Việt Nam hùng mạnh - không thể thua kém các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và điều đó không chỉ dừng lại ở lĩnh vực cà phê.
Ông Phước cho biết, hai người trở thành bạn thân vì có cùng quan điểm trong nhiều vấn đề cuộc sống và công việc. Tuy nhiên, cả hai luôn giữ nguyên tắc không bao giờ đề cập đến chuyện gia đình riêng tư. Mỗi lần gặp gỡ, họ đều cảm thấy thời gian dường như không bao giờ đủ để chia sẻ hết những suy tư và hoài bão của mình.
Năm 2015, khi Tập đoàn Trung Nguyên khởi động dự án tặng 1,8 triệu cuốn sách cho 1,8 triệu chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phước đã trực tiếp tham gia làm việc cùng Nhà xuất bản Quân đội để hỗ trợ Tập đoàn Trung Nguyên thực hiện dự án này. Dự án tặng sách cho các chiến sĩ Quân đội đã kéo dài hơn hai năm và trở thành một hành trình đầy khó khăn mà First News cùng Tập đoàn Trung Nguyên đã kiên trì theo đuổi, nhưng vẫn chưa đạt được đích đến mong muốn.
Ông Phước không thể nhớ hết số lần bản thảo cần được sửa chữa, điều chỉnh theo yêu cầu từ Nhà xuất bản Quân đội, từ lời giới thiệu, lời đề tặng... Hơn hai năm trời ròng rã dành cho một dự án đầy ý nghĩa, tưởng chừng có thể hoàn thành trong vài tháng. Thời gian là vàng bạc, nhưng ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã kiên trì xem xét và điều chỉnh từng chi tiết nhỏ để bản thảo có thể được Nhà xuất bản Quân đội phê duyệt in ấn. Theo ông Phước, rất hiếm có doanh nhân nào ở Việt Nam có thể làm được như ông Vũ.
Ông Phước cũng biết rằng ông Vũ đích thân điều hành dự án này, chỉ đạo và kiểm duyệt nội dung để đảm bảo các cuốn sách không chỉ đáp ứng yêu cầu của Nhà xuất bản Quân đội mà còn giữ nguyên giá trị cốt lõi. Mỗi lần thay đổi câu từ, ông Phước đều nhận ra đâu là những chỉnh sửa do Vông ũ thực hiện. Ông nhận thấy ông Vũ không hề có gì "không bình thường" khi anh vẫn cẩn trọng làm việc, kiểm duyệt từng bản thảo với mục tiêu cao cả là tặng sách cho thanh niên Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, Vũ và ông Phước còn thảo luận về việc liên hệ in và tặng sách Đắc Nhân Tâm cho Lực lượng Công An Nhân Dân. Một ý tưởng mà chắc chắn ít ai nghĩ đến.
“Chúng ta không thể đóng khung một người nào đấy trong cái khung ảnh chúng ta đã biết họ cách đây 20 năm”
Sau những ồn ào, nhiều người thắc mắc tại sao Đặng Lê Nguyên Vũ lại có thể giữ im lặng suốt nhiều năm qua, ít giao tiếp với bên ngoài, khác hẳn với trước đây. Nhưng ông Nguyễn Văn Phước lại thấy điều đó hoàn toàn bình thường. Ông cho rằng bất kỳ ai trong chúng ta, khi đạt đến một ngưỡng nào đó trong cuộc sống, hoặc ngộ ra một điều gì đó quan trọng, đều cần một khoảng thời gian tĩnh lặng để tập trung vào nội tâm, để thực hiện những điều mà bản thân mong muốn.
Sóng gió, thăng trầm, đau ốm, buồn vui – tất cả đều là những trải nghiệm không thể tránh khỏi trong cuộc đời của mỗi người. Với ông Phước, việc ông Vũ chọn cách tĩnh lặng và tập trung vào nội tâm chính là cách mà Vũ đối mặt và vượt qua những giai đoạn khó khăn đó, một điều mà ông hiểu và cảm thông sâu sắc.
Sau bài phỏng vấn "49 ngày nhịn ăn đã cướp đi Đặng Lê Nguyên Vũ tuyệt vời của tôi" của bà Lê Hoàng Diệp Thảo vào tháng 3/2018, dư luận đã trở nên xôn xao, truyền thông cũng liên tục đưa ra những phán xét. Tuy nhiên theo ông Phước, có một điều quan trọng mà nhiều người có thể đã quên: Bà Thảo có lý do để chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc từ không gian nội tâm của mình, trong khi ông Vũ cũng có lý do để giữ yên lặng trong không gian riêng. Trung Nguyên, với tư cách là một thương hiệu, cũng cần có không gian riêng để tập trung vào công việc và kinh doanh, bảo vệ uy tín của mình.
Mỗi không gian đều có những đặc thù và mục đích riêng và nên được chia sẻ trong đúng ngữ cảnh của nó. Việc "cào bằng" các không gian này thành một mặt phẳng để dễ dàng đưa lên các trang báo, với mục đích tạo ra những cuộc tranh luận, xung đột, hoặc suy luận không cần thiết, là điều không phù hợp. Phán xét dựa trên câu từ mà không hiểu rõ bối cảnh sẽ dẫn đến những hiểu lầm không đáng có.
Dù hiểu rõ điều này nhưng ông Nguyễn Văn Phước vẫn cảm thấy buồn. Câu chuyện cuộc sống, do chính mỗi người chúng ta góp phần tạo nên, đang tác động đến uy tín của nhiều bên liên quan, đặc biệt là thương hiệu Trung Nguyên – một thương hiệu quốc gia. Hệ sinh thái cà phê mà bà Thảo và ông Vũ đã cùng nhau xây dựng suốt hơn 20 năm đã bị tổn thương và thu hút sự quan tâm của công chúng.
Ông Nguyễn Văn Phước nhận thấy rằng hầu hết mọi người chỉ quan tâm đến những sự kiện mang tính thời điểm, dù đã xảy ra trong quá khứ, mà không chú ý đến quá trình tiến hóa, phát triển và tính logic, kế thừa ở hiện tại. Theo ông, nguyên nhân cốt lõi và sâu xa cho những mâu thuẫn giữa hai người bất kỳ thường xuất phát từ việc nội tâm, suy tư, trăn trở, tầm nhìn, sứ mệnh, quan điểm, khát vọng và mục đích sống của hai bên dần rời xa nhau trong suốt hành trình đồng hành, mà cả hai bên đều hiểu và ý thức được trước đó.
Ông Phước cho rằng, cả hai người đều yêu và đam mê cà phê. Tuy nhiên, nếu chỉ có một điểm chung về cà phê Việt Nam hay hệ sinh thái cà phê thì có thể là không đủ, đặc biệt khi ông hiểu và cảm nhận được hoài bão cũng như những gì mọi người biết về ông Vũ. Khi những khoảng cách về tâm hồn giữa con người càng lớn, nếu vẫn còn tồn tại định kiến, bản thủ, hay cố chấp, thì khoảng cách ấy sẽ càng xa hơn. Đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Dĩ nhiên, nếu cả hai có thể dung hòa và cân bằng được, đó sẽ là điều tuyệt vời, đặc biệt khi còn có gia đình và những đứa con cần được chăm lo.
“Vũ trụ, vạn vật đều đang biến đổi, phát triển từng giờ. Con người cũng vậy. Chúng ta không thể đóng khung một người nào đấy trong cái khung ảnh chúng ta đã biết họ cách đây 20 năm. Nếu chúng ta không chấp nhận, không thích nghi, không hiểu hết được sự thay đổi, phát triển nội tâm của một ai đó thì có nghĩa chúng ta đã bị dừng lại, hoặc chúng ta cũng đã phát triển theo một hướng khác, không cùng hướng với người chúng ta đã biết, dù từng có thời rất thân thương”, ông Phương viết.
Riêng ông, vượt ra khỏi những suy luận và thực tế, ông thật sự mong muốn một kết thúc có hậu cho câu chuyện từng đẹp như cổ tích của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Không chỉ vì họ mà còn vì những đứa con của họ và cho cả Tập đoàn Trung Nguyên.