Vừa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam, địa phương này lập tức phá hai kỷ lục liên tiếp
Từ ngày 1/1/2025, Việt Nam chính thức đón thêm một thành phố trực thuộc Trung ương mới.
Ngày 30/11/2024 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương với 458/461 đại biểu biểu quyết tán thành.
Kể từ ngày 1/1/2025, TP. Huế chính thức gia nhập danh sách các thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam, cùng với TP. Hà Nội, TP. HCM, TP. Hải Phòng, TP. Đà Nẵng và TP. Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6.
Theo Nghị quyết số 175/2024/QH15, việc thành lập TP. Huế được thực hiện trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên của tỉnh Thừa Thiên Huế, với hơn 4.947km2 và dân số 1.236.393 người.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15, đã quyết định thành lập hai quận thuộc TP. Huế.
Cụ thể, quận Phú Xuân với diện tích tự nhiên 127,05km2 và dân số 203.142 người, được hình thành từ một phần diện tích của TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế).
Quận Phú Xuân bao gồm 13 phường: An Hòa, Đông Ba, Gia Hội, Hương An, Hương Long, Hương Sơ, Hương Vinh, Kim Long, Long Hồ, Phú Hậu, Tây Lộc, Thuận Hòa và Thuận Lộc.
>> Bình Định sắp đấu giá khu đất hơn 7.000m2, dự kiến xây chung cư gần 3.200 tỷ đồng
Quận Thuận Hóa với diện tích tự nhiên 139,41km2 và dân số 297.507 người, được thiết lập sau khi điều chỉnh địa giới theo quy định.
Quận Thuận Hóa có 19 phường: An Cựu, An Đông, An Tây, Dương Nỗ, Hương Phong, Phú Hội, Phú Nhuận, Phú Thượng, Phường Đúc, Phước Vĩnh, Thuận An, Thủy Bằng, Thủy Biều, Thủy Vân, Thủy Xuân, Trường An, Vĩnh Ninh, Vỹ Dạ và Xuân Phú.
Với chỉ hai quận, TP. Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có số quận ít nhất cả nước.
Trước đó, TP. Cần Thơ giữ danh hiệu này với 5 quận: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn và Thốt Nốt.
Trong khi đó, TP. HCM là thành phố trực thuộc Trung ương có nhiều quận nhất Việt Nam, với 16 quận: Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 6, Quận 7, Quận 8, Quận 10, Quận 11, Quận 12, Quận Tân Bình, Quận Bình Tân, Quận Bình Thạnh, Quận Tân Phú, Quận Gò Vấp và Quận Phú Nhuận.
Về diện tích tự nhiên, TP. Huế với hơn 4.947km2 đã vượt qua TP. Hà Nội để trở thành thành phố có diện tích lớn nhất Việt Nam. Trước đó, Hà Nội là thành phố lớn nhất cả nước với 3.359km2.
Ngoài ra, theo quy hoạch, đến năm 2030, Huế sẽ trở thành đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam và là một trong những trung tâm lớn, độc đáo của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu.
Thành phố còn định hướng trở thành một trong những trung tâm hàng đầu cả nước về khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực với chất lượng cao; một trung tâm kinh tế biển mạnh mẽ; đồng thời đảm bảo quốc phòng, an ninh vững chắc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân lên mức cao.
Về các chỉ tiêu phát triển, Huế đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân từ 9-10%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt mức 6.000 USD. Dân số trên địa bàn dự kiến tăng trung bình 1,38%/năm, với tổng dân số toàn tỉnh đạt khoảng 1,3 triệu người vào năm 2030.
Hướng tới tầm nhìn năm 2050, Huế phấn đấu trở thành một đô thị di sản mang tầm quốc tế, giữ vững vị thế là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam. Đồng thời, Huế cũng kỳ vọng là một trong những trung tâm lớn và nổi bật của Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu, tiếp tục khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa và tiềm năng phát triển bền vững trong tương lai.