Xã hội

Vùng đất cách Hà Nội 300km trồng loại gỗ quý có mùi thơm, 'kho báu' trị giá cả trăm tỷ đồng nhưng dân làng kiên quyết bảo vệ

Vĩ Hạ 13/07/2024 09:41

Đây là một trong những loại gỗ quý thường mọc ở độ cao trên 1.000m, hiện nay số lượng cây còn không nhiều.

Cách Hà Nội khoảng 300km, Mù Cang Chải là một huyện vùng cao nằm ở tỉnh Yên Bái. Nơi đây được mệnh danh là "thiên đường ruộng bậc thang", cứ vào khoảng tháng 9, tháng 10 hằng năm, du khách lại đổ về đây để được chiêm ngưỡng những cánh đồng lúa chín quyến rũ.

Những năm gần đây, ngoài những cánh đồng quen thuộc, huyện vùng núi này còn đang phát triển một loại hình du lịch mới từ những chính từ khu rừng.

Những cây Pơ mu ở Mù Cang Chải có tuổi đời hàng trăm năm. Ảnh: Báo điện tử VOV

Những cây Pơ mu ở Mù Cang Chải có tuổi đời hàng trăm năm. Ảnh: Báo điện tử VOV

Nằm ngay sau khu dân cư bản Cáng Dông (xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), khu rừng với gần 70 cây Pơ mu cổ thụ cùng vô số cây con vẫn sừng sững và ngày càng phát triển nhờ sự chăm sóc, bảo vệ của người dân địa phương.

Các già làng cho biết, họ cũng không nhớ chính xác tuổi đời của những gốc cây này. Chỉ biết là khi họ 11, 12 tuổi thì những cây Pơ mu đã to hơn bắp đùi người lớn. Dù so với hiện nay, số lượng cây chưa nhiều, nhưng qua bao năm tháng, có nhiều cây Pơ mu đã lên đến cả trăm tuổi.

Với ý thức gìn giữ "kho báu" cho thế hệ mai sau, người dân bản Cáng Dông đã thống nhất quy định đồi Pơ mu là tài sản chung do dân bản quản lý. Việc chặt phá hay khai thác cây Pơ mu đều bị nghiêm cấm. Nhờ vậy, những cây xanh được bảo vệ và phát triển cho đến ngày nay.

Người dân trong bản thường xuyên phát quang, dọn dẹp và tổ chức các hoạt động quản lý rừng.

Rừng Pơ mu trở thành nơi được nhiều du khách tìm tới ngắm cảnh, mở ra hướng phát triển du lịch xanh. Ảnh: Báo điện tử VOV

Rừng Pơ mu trở thành nơi được nhiều du khách tìm tới ngắm cảnh, mở ra hướng phát triển du lịch xanh. Ảnh: Báo điện tử VOV

Ngoài ra, để phát huy lợi thế khu rừng gỗ Pơ mu quý hiếm, Đoàn thanh niên của xã Nậm Khắt đã tạo hình một số điểm check-in để thu hút khách du lịch. Do vị trí cây thường mọc trên các vùng núi cao nên khi đến đây, du khách có thể được chiêm ngưỡng khung cảnh núi non hùng vĩ.

Đứng giữa rừng Pơ mu, bạn có thể cảm nhận được sự bao la, rộng lớn của thiên nhiên và sự nhỏ bé của con người. Hít hà bầu không khí trong lành, mát mẻ cũng là một liều thuốc chữa lành tinh thần hiệu quả sau những giây phút mệt mỏi.

Chính quyền xã cho biết, trong năm 2024, xã phấn đấu sẽ đổ bê tông đường lên đồi Pơ mu với chiều rộng 1m chiều dài khoảng 1km để du khách thuận lợi cho việc đi lại. Bên cạnh đó, cùng với quy ước của thôn bản, xã cũng đã xây dựng nội quy để bảo vệ và phát triển khu vực đồi cây Pơ mu này.

Ngoài xã Nậm Khắt, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải hiện có trên 3.000 cây Pơ mu mọc tự nhiên, giá trị kinh tế ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng. Phần lớn tập trung ở xã Chế Tạo. Hầu hết số cây quý này đều có trên 100 năm tuổi, có những cây đường kính trên 2m, trên 1.000 cây có đường kính từ 1-1,8m, chiều cao từ 15-20m.

Một gốc cây Pơ mu trên 100 tuổi ở xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Báo Yên Bái

Một gốc cây Pơ mu trên 100 tuổi ở xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải. Ảnh: Báo Yên Bái

Để bảo vệ rừng nói chung, rừng Pơ mu nói riêng, huyện Mù Cang Chải cùng các lực lượng chức năng và nhân dân địa phương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ rừng.

Kể từ khi rừng cây Pơ mu quý hiếm được phát hiện, huyện đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ, khoanh vùng và thực hiện đo đếm xác định số lượng cây.

Ngoài các chốt trực của lực lượng kiểm lâm địa bàn, huyện còn huy động và phối hợp với lực lượng dân quân, người có uy tín trong các bản cùng tham gia bảo vệ, tránh để cây Pơ mu bị xâm hại, góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn và phát triển cây Pơ mu để hướng tới đề nghị công nhận quần thể cây Pơ mu cổ thụ Mù Cang Chải là "Cây di sản Việt Nam”.

Pơ Mu là loại gỗ quý trong nhóm IIA (là những cây gỗ quý hiếm cấm khai thác và cần được bảo vệ, nếu chặt phá, mua bán sẽ vi phạm pháp luật), mọc ở độ cao trên 1000m. Loại gỗ này có mùi thơm đặc trưng, thoang thoảng nên có khả năng đuổi côn trùng.

Vân gỗ đẹp, nhẹ, bền và không bị mối mọt phá hoại. Vì thế, gỗ được sử dụng để làm các đồ tạo tác mĩ thuật, các loại đồ gia dụng...

>> Bảy bố con lên núi ươm trồng loại gỗ có mùi thơm, gần 30 năm sau để lại 'kho báu' bạt ngàn hàng trăm tỷ đồng

2.500ha đất chứa loại gỗ cực quý hiếm bị phong tỏa, 'kho báu' nằm sâu trong lòng đất được hé lộ

Loại gỗ báu vật 'nhả tơ vàng' giá lên đến 9.000 tỷ đồng nhưng không ai dám trồng

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/vung-dat-cach-ha-noi-300km-trong-loai-go-quy-co-mui-thom-kho-bau-tri-gia-ca-tram-ty-dong-nhung-dan-lang-kien-quyet-bao-ve-d127548.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Vùng đất cách Hà Nội 300km trồng loại gỗ quý có mùi thơm, 'kho báu' trị giá cả trăm tỷ đồng nhưng dân làng kiên quyết bảo vệ
POWERED BY ONECMS & INTECH