Vùng Thủ đô tăng trưởng 9,4%, vượt 8,7 triệu dân: Thời điểm vàng đã điểm, chuyên gia cảnh báo không thể bỏ lỡ
Tăng trưởng kinh tế quý I đạt 9,4%, vốn FDI vào bất động sản công nghiệp tăng hơn 38%, và loạt dự án hạ tầng hàng trăm nghìn tỷ đồng đang đồng loạt triển khai. Đây được xem là thời điểm vàng chưa từng có để Vùng Thủ đô trở thành cực tăng trưởng chủ lực bên cạnh TP.HCM.
Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc không gian phát triển vùng mạnh mẽ, Vùng Thủ đô nổi lên như một “trục xoay” quan trọng với hàng loạt cơ hội tăng trưởng mới. Phát biểu tại Hội thảo “Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô”, sáng 15/5, TS. Cấn Văn Lực, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng, nhận định Vùng Thủ đô không chỉ là trung tâm chính trị - hành chính mà đang dần trở thành cực tăng trưởng kinh tế mới của quốc gia.
“Nếu Vùng Thủ đô tạo ra được những cực tăng trưởng tốt, đất nước cũng sẽ có thêm động lực tăng trưởng”, TS. Cấn Văn Lực khẳng định.
Ngay trong quý I/2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vùng Thủ đô đạt hơn 9,4%, vượt xa mức tăng bình quân toàn quốc. TS. Cấn Văn Lực đánh giá đây là “phát pháo khởi đầu” cho chuỗi bứt phá mới khi hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù và các dự án hạ tầng chiến lược đang đồng loạt được triển khai.
“Chúng ta đang chứng kiến một chu kỳ tái cấu trúc không gian đô thị và đầu tư rất hiếm gặp. Nếu tận dụng tốt các lợi thế vùng, đặc biệt là trong logistics và kết nối, Vùng Thủ đô hoàn toàn có thể trở thành cực tăng trưởng chủ lực bên cạnh TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam,” TS. Lực nhấn mạnh.
![]() |
TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh: Vùng Thủ đô đang bước vào thời điểm vàng hiếm có để bứt phá, nhờ sự hội tụ của thể chế cởi mở, đầu tư hạ tầng mạnh, quy hoạch chiến lược và lợi thế dân số trẻ, khác biệt với các chu kỳ tăng trưởng manh mún trước đây. Ảnh: reatimes. |
>>>Nghị quyết 68 và cuộc đại phẫu bất động sản: Không còn chỗ cho doanh nghiệp 'ăn xổi'
Theo Nghị quyết 60/NQ-TW ngày 12/4/2025, Vùng Thủ đô sau sáp nhập gồm 7 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hưng Yên (gộp Thái Bình), Ninh Bình (gộp Hà Nam và Nam Định), Phú Thọ (gộp Vĩnh Phúc và Hòa Bình), Bắc Ninh (gộp Bắc Giang), Thái Nguyên (gộp Bắc Kạn), và Quảng Ninh.
Điều này không chỉ giúp mở rộng không gian phát triển kinh tế – xã hội, mà còn hình thành các cụm đô thị – công nghiệp liên kết vùng. Hà Nội vẫn giữ vị trí đầu tàu với 8,7 triệu dân, trong khi các khu vực sáp nhập như Ninh Bình hay Phú Thọ đang trở thành những vệ tinh chiến lược mới cho quá trình giãn dân và mở rộng đầu tư.
Điển hình như Ninh Bình, sau khi sáp nhập với Hà Nam và Nam Định, trở thành “cánh tay nối dài” của Hà Nội về sản xuất công nghiệp, nơi các tập đoàn như Hyundai Thành Công hay VinFast đang tăng tốc đầu tư vào tổ hợp linh kiện và sản xuất xe điện.
TS. Cấn Văn Lực đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các cơ chế chính sách đặc thù như một "liều doping thể chế". Các nghị quyết và quyết định quan trọng gần đây đang đặt nền móng cho một cơ chế phát triển hoàn toàn mới:
Nghị quyết 115/2020/QH14: Cho phép Hà Nội giữ lại 100% nhiều khoản thu, nâng giới hạn vay nợ, tăng quyền tự quyết quy hoạch.
Nghị quyết 188/2025/QH15: Thí điểm cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội, ưu tiên vốn ngân sách và xã hội hóa theo mô hình TOD (Transit-Oriented Development).
Luật Thủ đô 2024 (có hiệu lực từ 1/1/2025): Tăng tính chủ động trong điều hành, quy hoạch, đầu tư công và huy động vốn.
Quyết định 1668/QĐ-TTg (12/2024): Định hướng Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, phát triển văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước.
Theo thống kê, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, vốn đăng ký FDI vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp tại Bắc Ninh, Phú Thọ và Hưng Yên tăng hơn 38% so với cùng kỳ, một phần nhờ kỳ vọng vào mô hình TOD kết hợp quy hoạch xanh.
Ông Lực phân tích: Kết hợp chính sách tài khóa đặc thù với mô hình đô thị thông minh, xanh và định hướng giao thông công cộng (TOD), chúng ta có thể tạo nên một Hà Nội và Vùng Thủ đô hội nhập sâu và tăng trưởng bền vững.
Không chỉ dừng ở chính sách, sức bật hạ tầng là yếu tố then chốt đưa Vùng Thủ đô tiến nhanh. Những con số đầu tư khiến thị trường phải chú ý:
Vành đai 4: Tổng vốn hơn 95.000 tỷ đồng, đi qua 4 tỉnh thành; Vành đai 5: Dài 272 km, vốn đầu tư dự kiến 86.000 tỷ đồng; Đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng: Tổng mức đầu tư 203.000 tỷ đồng; Sân bay Gia Bình: Dự án trọng điểm, diện tích hơn 360ha, chia hai giai đoạn; Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Tổng chiều dài hơn 1.500km, 1,7 triệu tỷ đồng đầu tư, kết nối xuyên suốt 20 tỉnh thành.
“Những con số này không chỉ thể hiện tầm vóc đầu tư, mà còn khẳng định vai trò trung chuyển, đầu mối logistics chiến lược của Vùng Thủ đô trong chuỗi cung ứng toàn quốc,” ông Lực nhận định.
Với chính sách mở rộng không gian phát triển, kết nối vùng và ưu tiên thu hút vốn tư nhân, Vùng Thủ đô đang dần trở thành điểm đến của các dòng vốn mới, đặc biệt là bất động sản công nghiệp, logistics, đô thị xanh.
Đáng chú ý, theo ông Lực, các khu vực như Bắc Giang, Hưng Yên, Phú Thọ và Hà Nam đang nổi lên như những vệ tinh chiến lược nhờ quỹ đất lớn, giá còn mềm, hạ tầng kết nối ngày càng hoàn thiện. Với quy hoạch mới theo mô hình “vành đai – hành lang phát triển”, chuỗi đô thị vệ tinh sẽ được kết nối chặt chẽ với Hà Nội, tạo ra các cụm công nghiệp, logistic, công nghệ cao hiện đại.
Ví dụ như Bắc Giang nơi từng chỉ nổi tiếng với vải thiều, nay đã trở thành trung tâm công nghiệp điện tử với sự có mặt của hàng loạt “ông lớn” như Foxconn, Luxshare ICT. Trong năm 2024, tỉnh này thu hút hơn 1,2 tỷ USD vốn FDI, đứng đầu miền Bắc.
“Đây là thời điểm vàng, nhưng cũng là giai đoạn dễ đánh mất cơ hội nhất nếu không có hành động quyết liệt, đồng bộ và chiến lược,” TS. Cấn Văn Lực cảnh báo. Ông cho rằng các địa phương trong Vùng Thủ đô cần tránh “cái bẫy" đầu tư manh mún, đồng thời tận dụng tối đa cơ chế chính sách đặc thù, kết nối hạ tầng vùng và bứt phá trong các lĩnh vực then chốt như logistics, đô thị xanh và bất động sản công nghiệp.
>>>Chủ tịch Bamboo Airways: Nghị quyết 68 không phải 'vé miễn phí', ai không tự lái sẽ bị loại khỏi cuộc chơi
Ngoài sân bay Nội Bài, Vùng Thủ đô của Việt Nam sắp đón thêm một sân bay quốc tế quy mô khoảng 400ha