Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, thời điểm này vẫn chưa đủ dữ liệu để xác định mức độ nghiêm trọng của chủng Omicron so với Delta,
Chưa thể đánh giá được mức độ nguy hại của Omicron
Quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 22/12 cho biết gần một tháng sau khi Nam Phi lần đầu tiên cảnh báo về sự xuất hiện của Omicron, các dữ liệu vẫn chưa đủ để xác định mức độ nghiêm trọng của chủng mới so với Delta, Reuters đưa tin.
"Chúng tôi có một số dữ liệu cho thấy tỷ lệ nhập viện thấp hơn", Trưởng nhóm chuyên gia kỹ thuật về COVID-19 của WHO - Maria van Kerkhove nói.
Tuy nhiên, bà cảnh báo không thể đưa ra kết luận từ dữ liệu ban đầu vì "chúng ta vẫn chưa chứng kiến biến chủng này lan truyền đủ lâu trong các quần thể trên khắp thế giới, đặc biệt là ở những nhóm dễ bị tổn thương".
Vị nàycho hay, dữ liệu về biến chủng Omicron, lần đầu tiên được xác định ở miền Nam châu Phi và Hong Kong vào tháng 11, vẫn còn "lộn xộn" khi các quốc gia báo cáo sự xuất hiện và lan rộng của nó.
"Chúng tôi yêu cầu các quốc gia thận trọng và thực sự cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt là khi những ngày lễ đang đến gần", bà nói.
Một nghiên cứu ở Nam Phi được công bố trước đó cho thấy những bệnh nhân nhiễm Omicron ít có khả năng phải nhập viện hơn người nhiễm Delta, mặc dù các tác giả lưu ý mức độ miễn dịch cao trong dân số ở khu vực này có thể là nguyên nhân.
WHO cho biết biến chủng Omicron đang phát tán nhanh hơn biến chủng Delta và lây bệnh cho cả người đã tiêm chủng hoặc người từng khỏi bệnh COVID-19.
Bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của WHO, từng nhận định rằng thật “không khôn ngoan” nếu kết luận Omicron là chủng nhẹ hơn các chủng trước.
Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ ra rằng dù biến chủng Omicron gây bệnh nặng ra sao, “chỉ cần số lượng ca nhiễm cao cũng có thể làm hệ thống y tế quá tải”, khiến thêm nhiều người tử vong.
Ông Tedros đã kêu gọi các quốc gia rút ra bài học sau hai năm đại dịch và một lần nữa tăng cường tính công bằng vaccine. Ông hy vọng năm tới đại dịch đã giết chết hơn 5,6 triệu người trên thế giới có thể chấm dứt.
"2022 phải là năm chúng ta chấm dứt đại dịch", ông Tedros nhấn mạnh.
Tháng 1/2022 hoàn thành mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên:
Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt một số nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 ở cơ sở do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì, Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục có diễn biến rất khó lường trước biến chủng Omicron. Hiện đã có cơ sở khá rõ để đánh giá biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn (theo một số nghiên cứu gấp từ 3 đến 7 lần so với chủng Delta).
Các nghiên cứu chỉ ra rằng với biến chủng Delta khi người mắc đã tiêm vắc xin đủ 2 mũi thì nguy cơ tử vong giảm khoảng 12 lần, trong khi chưa có dấu hiệu rõ ràng để xác định biến chủng Omicron có độc lực thấp hơn so với biến chủng Delta. Nguy cơ bị nhiễm bệnh do biến chủng Omicron đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn cao hơn 3 lần so với biến chủng Delta, thậm chí những người đã nhiễm biến chủng Delta vẫn có nguy cơ nhiễm lại biến chủng Omicron cao hơn.
Phó Thủ tướng nêu lại, từ đầu dịch, khi một nước trong khu vực Đông Nam Á có ca nhiễm biến chủng mới, chúng ta đều xác định, coi như biến chủng mới đã có ở trong nước. Tương tự, trước diễn biến lây lan của biến chủng Omicron trên thế giới và một số nước trong khu vực, chúng ta phải trong tâm thế biến chủng này đã xuất hiện ở Việt Nam.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục đánh giá cấp độ dịch để có các biện pháp phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch, bảo đảm các hoạt động phục hồi sản xuất.
“Đặc biệt, các địa phương thực hiện điều chỉnh cách ly đối với các trường hợp F1 đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã được điều trị khỏi bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết.
Bên cạnh đó các địa phương cần nâng cao năng lực y tế cơ sở, chủ động và sẵn sàng trang bị, nhân lực, thuốc điều trị, tăng cường xét nghiệm tầm soát với đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao nhằm sớm phát hiện chủng mới.
Đại diện Bộ Y tế yêu cầu tổ chức tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể, phấn đấu đến ngày 31/12 hoàn thành tiêm mũi 2 vắc xin phòng COVID-19 cho người trên 18 tuổi, hoàn thành tiêm mũi thứ 3 cho người 18 tuổi trở lên và tiêm đủ 2 mũi cho người từ 12 - 18 tuổi trong tháng 1/2022; tổ chức tốt việc điều trị tại nhà, cơ sở cho bệnh nhân mắc COVID-19, tránh tình trạng dồn lên bệnh viện các tuyến gây quá tải…
“Chúng ta phải đẩy nhanh hơn tốc độ tiêm vắc xin theo hướng chuyển từ “ưu tiên cho nhóm người có bệnh nền, người trên 50 tuổi” sang “phải phấn đấu tiêm cho tất cả mọi người dân thuộc nhóm tuổi chỉ định tiêm; đặc biệt không để còn người trên 50 tuổi, người có bệnh nền (trừ số ít người thuộc nhóm chống chỉ định) không được tiêm vắc xin phòng COVID-19”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.