Xây dựng Hòa Bình (HBC) trích lập dự phòng phải thu khó đòi hàng trăm tỷ, gánh nặng nợ vay, phải trả lãi hơn 500 tỷ đồng trong năm 2022...
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) đã công bố báo cáo tài chính quý 4 và kết quả kinh doanh cả năm 2022 sau hai lần bị HoSE nhắc nhở vì chậm công bố báo cáo tài chính.
Mọi thông tin nhà đầu tư nhắc đến lúc này tại Xây dựng Hòa Bình là số lỗ “khủng” 1.200 tỷ đồng trong quý 2, dẫn đến lũy kế cả năm lỗ 1.140 tỷ đồng. Liên tưởng đến những lùm xùm về nhân sự trước đó, thì khoản lỗ này càng khiến các nhà đầu tư chú ý hơn.
Tình hình kinh doanh: Bất ổn quý 4, doanh thu cả năm vẫn trên 14.100 tỷ đồng
Xét hoạt động kinh doanh trong quý 4 vừa qua, doanh thu đạt 3.218 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Tuy vậy chi phí vốn bỏ ra còn lớn hơn cả doanh thu khiến công ty lỗ gộp 426 tỷ đồng, cùng kỳ vẫn lãi gộp 265 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2022 doanh thu thuần đạt 14.122 tỷ đồng, tăng 24,4% so với năm 2021, trừ chi phí vốn vẫn lãi gộp 258 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ.
Trừ các khoản phát sinh, quý 4 Xây dựng Hòa Bình lỗ sau thuế 1.200 tỷ đồng. Nhờ khoản lãi 61 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, nên cả năm còn lỗ 1.140 tỷ đồng - số lỗ kỷ lục từ khi công ty đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán.
Một điểm có thể nhận thấy, bất ổn trong quý 4 nhưng doanh thu cả năm của Hòa Bình vẫn đạt trên 14.100 tỷ đồng - chỉ thua những năm “đỉnh cao” 2017, 2018, 2019. Tuy vậy lợi nhuận đang giảm sút mạnh trước khi thua lỗ năm 2022. Nguyên nhân do đâu? Cùng đi tìm câu trả lời ở những phần sau.
Góc nhìn từ khoản “trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi” 358 tỷ đồng
Trên thực tế, quý 4 vừa qua Hòa Bình đã bất ổn cả trên phương diện hoạt động kinh doanh lẫn nhân sự. Hồi kết cho việc chuyển giao bất thành, cho cuộc nội chiến đang “tạm yên” khi Cục thi hành án dân sự đã ra phán quyết dừng thi hành các nghị quyết số 50,51,53 của Xây dựng Hòa Bình cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết của Hội đồng trọng tài”. Điều này cũng có nghĩa, ông Lê Viết Hải tiếp tục với cương vị Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình.
Cuộc “nội chiến” diễn ra khiến cho nhà đầu tư thấy một số “góc khuất” được hé lộ tại Xây dựng Hòa Bình liên quan đến các thông tin “nội bộ” mà phía ông Nguyễn Công Phú tiết lộ - là nguyên nhân sâu xa dẫn tới cuộc nội chiến này. Một trong số những thông tin khiến nhiều nhà đầu tư, những người quan tâm chú ý là việc một Thành Viên HĐQT độc lập – ông Dương Văn Hùng – hé lộ về việc Xây dựng Hoà Bình cấp những khoản đầu tư “chưa trở về” cho các công ty con do con trai ông Lê Viết Hải điều hành, và những khoản tạm ứng cho các cá nhân…
Báo cáo tài chính quý 4/2022 của Hòa Bình ghi nhận tổng chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý 496 tỷ đồng, tăng 230% so với cùng kỳ năm 2021 trong đó có khoản 358 tỷ đồng là do công ty trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi (tăng 335 tỷ đồng so với cùng kỳ), nâng tổng trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi đến 31/12/2022 lên 774 tỷ đồng (tăng 405 tỷ đồng so với đầu năm).
Số liệu cho thấy tính đến hết năm 2022 tổng các khoản phải thu ngắn hạn của HBC hơn 12.100 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó phải thu ngắn hạn của khách hàng 6.773 tỷ đồng (tăng 1.422 tỷ đồng so với đầu năm) là phải thu theo tiến độ hợp đồng 3.660 tỷ đồng. Số đáng chú ý là khoản phải thu ngắn hạn khác 1.733 tỷ đồng (tăng 349 tỷ đồng so với đầu năm).
Trong 1.733 tỷ đồng phải thu ngắn hạn, có 190 tỷ đồng tiền tạm ứng cho nhân viên (giảm 236 tỷ đồng so với đầu năm) và khoản phải thu khác gần 1.100 tỷ đồng - gấp đôi cùng kỳ.
Xây dựng Hòa Bình không giải trình cụ thể công ty cho những nhân viên nào ứng tiền. Tuy vậy hoạt động ứng tiền diễn ra liên tục trong năm với số lượng tiền rất lớn. Có thể ví dụ, số dư nhân viên ứng hồi đầu năm 2022 là hơn 426 tỷ đồng, đến hết quý 1 hoàn trả còn hơn 73 tỷ đồng. Số dư mục này đến hết quý 2 là 824 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 800 tỷ đồng trong quý 2, và hòan trả còn 176 tỷ đồng đến hết quý 3 trước khi tăng lên thành 190 tỷ đồng đến cuối quý 4.
Phải thu khác cũng thay đổi liên tục trong năm, khoản này có số dư đầu năm hơn 502 tỷ đồng, hết quý 1 là 1.161 tỷ đồng, hết quý 2 hoàn trả còn 673 tỷ đồng. Đến hết quý 3 số dư phải thu khác tăng đột biến lên 1.371 tỷ đồng (tăng khoảng 700 tỷ đồng trong quý) trước khi giảm về số dư gần 1.100 tỷ đồng cuối năm.
Trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi hàng trăm tỷ đồng, nhưng báo cáo Xây dựng Hòa Bình không giải trình trích lập cụ thể cho khoản phải thu nào. Bên cạnh đó, khoản tiền ứng hàng trăm, thậm chí phát sinh hơn 800 tỷ đồng trong quý 2/2022 cũng không ghi cụ thể cho ai ứng và ứng với mục đích gì.
Góc nhìn từ chi phí tài chính tăng đột biến 72% lên trên 500 tỷ đồng
Tính riêng quý 4/2022 chi phí tài chính HBC 164 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ. Tổng chi phí tài chính cả năm 521 tỷ đồng, tăng 72% so với năm 2021. Phần lớn, đến 520 tỷ đồng trong số đó là chi trả lãi vay. Tính đến 31/12/2022 tổng nợ phải trả của Xây dựng Hòa Bình 14.282 tỷ đồng, tăng 1.760 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 5.100 tỷ đồng (tăng 400 tỷ đồng so với đầu năm) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 1.030 tỷ đồng, tăng hơn 630 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn hơn 6.100 tỷ đồng. ngoài ra còn có khoản vay trái phiếu gần 1.000 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân khiến Xây dựng Hòa Bình gánh nặng lãi vay.
Các khoản vay tài chính ngắn hạn 5.100 tỷ đồng phần lớn đều là vay ngân hàng. Trong số đó BIDV là chủ nợ lớn nhất, dư nợ đến 31/12/2022 còn hơn 2.300 tỷ đồng. Khoản cho vay của BIDV tại HBC có gia tăng 264 tỷ đồng trong năm và không có trả bớt. Nợ của BIDV là nợ ngắn hạn.
Chủ nợ lớn thứ 2 là Ngân hàng TMCP Hàng Hải MSB với tổng 1.264 tỷ đồng vay tài chính và 376 tỷ đồng vay trái phiếu. Tiền nợ tại MSB của Xây dựng Hòa Bình có 302 tỷ đồng nợ ngắn hạn, 962 tỷ đồng vay nợ dài hạn và 376 tỷ đồng vay nợ trái phiếu. Số trái phiếu này do Chứng khoán ACB (ACBS) thu xếp phát hành, có thời gian đáo hạn còn đến tháng 12/2026.
Chủ nợ lớn thứ 3 là Vietinbank với dư nợ 1.300 tỷ đồng, là nợ ngắn hạn, có phát sinh tăng gần 200 tỷ đồng trong năm và cũng không được trả bớt đồng nào.
Danh sách chủ nợ của Xây dựng Hòa Bình cũng còn kéo dài với nhiều ngân hàng khác như VPBank, như MBB, Techcombank, An Bình Bank, Ngân hàng Quốc Dân, Vietbank, TPBank… nhưng với số dư nợ không quá lớn. Lớn nhất trong số này là Ngân hàng Quốc Dân với 246 tỷ đồng.
“Soi” nguồn tiền để trả nợ của Xây dựng Hòa Bình
Nợ tài chính ngắn hạn 5.100 tỷ đồng sẽ khiến Xây dựng Hòa Bình gặp áp lực trả nợ ngắn hạn. “Soi” báo cáo tài chính của công ty để xem nguồn “có” đến đâu?
Tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình đạt hơn 16.900 tỷ đồng (tăng 350 tỷ đồng so với đầu năm), trong đó cấu thành từ gần 15.200 tỷ đồng tài sản ngắn hạn. Trong tài sản ngắn hạn có 12.100 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn, được trình bày ở trên: có 6.772 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng; 3.660 tỷ đồng phải thu theo tiến độ và 1,733 tỷ đồng phải thu khác. Công ty đã phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tổng 774 tỷ đồng (tăng hơn 400 tỷ đồng so với số đầu năm).
Tiền và tương đương tiền đến 31/12/2022 còn gần 500 tỷ đồng, trong đó có 491 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 3 tháng tại ngân hàng. Ngoảia còn có khoản gửi dài hạn tổng hơn 48 tỷ đồng.
Tổng giá trị hàng tồn kho xấp xỉ bằng đầu năm với 2.365 tỷ đồng trong đó có hơn 30 tỷ đồng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Số tồn kho của Xây dựng Hòa Bình, hàng hóa bất động sản chỉ hơn 225 tỷ đồng, còn lại 551 tỷ đồng tồn kho nguyên vậy liệu xây dựng và 1.562 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Số liệu cho thấy, trước áp lực trả nợ 5.100 tỷ đồng vay tài chính ngắn hạn, Xây dựng Hòa Bình khó có thể thu hồi công nợ phải thu, các khoản tạm ứng cho nhân viên, phải thu khác để trả nợ ngân hàng. Số bất động sản bán được thu tiền về cũng chỉ xấp xỉ 250 tỷ đồng.
Góc nhìn từ khoản lỗ hơn 200 tỷ đồng từ khối công ty con
Thuyết minh báo cáo chi tiết của Xây dựng Hòa Bình cho biết, tring số lỗ 1.140 tỷ đồng năm 2022, cấu thành từ lỗ của khối công ty mẹ và khối công ty con, công ty liên kết. Trong đó riêng công ty mẹ lỗ xấp xỉ 900 tỷ đồng. Riêng khối công ty con ghi nhận lỗ 227 tỷ đồng và nhóm công ty liên doanh liên kết vẫn lãi nhẹ gần 7 tỷ đồng.
Nhắc đến các công ty con của Xây dựng Hòa Bình, nhóm ông Nguyễn Công Phú từng hé lộ những thông tin nội bộ liên quan đến những khoản đầu tư mà Xây dựng Hoà Bình cấp cho các công ty con do con trai ông Lê Viết Hải điều hành “chưa trở về”. Những thông tin sau đó cũng tiết lộ 2 công ty con “nguồn cơn” của mọi vấn đề là CTCP Nhà Hoà Bình và CTCP Tiến Phát.
Nhà Hòa Bình (Hoabinhhouse) thành lập tháng 7/2007 với mục tiêu phát triển thế mạnh kinh doanh địa ốc sau lĩnh vực xây dựng của Tập đoàn Hoà Bình (HBC). Chức năng hoạt động chính là đầu tư kinh doanh bất động sản, phân phối và tiếp thị bất động sản, tư vấn phát triển dự án, quản lý và cho thuê văn phòng, toà nhà. Hiện tại Nhà Hoà Bình có vốn điều lệ 450 tỷ đồng, do HBC sở hữu 99,96%.
Tình hình kinh doanh của Nhà Hoà Bình rất bết bát, thua lỗ triền miên. Từ 2014 đến nay chỉ duy nhất năm 2020 công ty báo lãi sau thuế xấp xỉ 8,5 tỷ đồng, còn lại đều làm ăn thua lỗ. Đặc biệt năm 2021 lỗ lớn nhất gần 85 tỷ đồng.
Thế nhưng những khoản lỗ trước đó chưa “thấm” vào đâu so với số lỗ hơn 214 tỷ đồng năm 2022 mà xây dựng Hòa Bình vừa công bố. Nhà Hòa Bình cũng là công ty con lỗ “khủng” nhất trong nhóm các công ty con của xây dựng Hòa Bình.
Công ty con tiếp theo thua lỗ là CTCP Đầu tư & Xây dựng Hạ tầng Hòa Bình với số lỗ 20,8 tỷ đồng. Các công ty con khác đều kinh doanh lãi nhẹ.
Địa ốc Tiến Phát có vốn điều lệ 720 tỷ đồng, do HBC sở hữu 99,74%, cũng do ông Lê Viết Hoà làm người đại diện. Công ty chuyên về đầu tư và phát triển bất động sản. Thông tin ghi nhận hiện tại Tiến Phát đang là công ty phát triển bất động sản tại các dự án The Ascent (Thảo Điền, quận 2); dự án Grand Central (quận 3); dự án Riva Park; dự án Grand Riverside; dự án Ascent Riverside quận 4; dự án The Pentra quận bình Thạnh…
Các số liệu về kết qủa kinh doanh của Tiến Phát không cập nhật nhiều, tuy vậy những số liệu thu thập được đều thấy không khả quan. Doanh thu lớn nhất đạt được năm 2017 với 978 tỷ đồng. Trước đó doanh thu năm 2016 của Tiến Phát đạt 796 tỷ đồng. Còn các năm 2019 đến nay doanh thu giảm sốc. Cụ thể doanh thu năm 2019 đạt 190 tỷ đồng, năm 2021 vừa qua đạt 100 tỷ đồng, còn năm 2020 thậm chí doanh thu ghi âm hơn 3 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 1016 đạt 11 tỷ đồng, năm 2017 đạt hơn 8 tỷ đồng. Năm 2020 đạt 9 tỷ đồng. Còn năm 2019 và 2021 vừa qua lại lỗ lớn với số lỗ 35 tỷ đồng năm 2019 và 56 tỷ đồng năm 2021.
Số liệu trên Báo cáo tài chính quý 4/2022 của xây dựng Hòa Bình không đề cập đến kết quả kinh doanh của Tiến Phát.
Cất nóc trung tâm thương mại Aeon Mall 1.000 tỷ đồng, đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long
Hòa Bình (HBC) xuất hiện điểm sáng sau hai năm vật lộn vì công nợ