Xử lý nợ xấu cũ chưa xong, nợ xấu mới đã tới

13-06-2023 14:16|Linh Nhi

Dường như những khó khăn của nền kinh tế vừa qua đã được phản ánh vào bảng cân đối kế toán của các ngân hàng khi xu hướng nợ xấu tăng dường như chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu.

Đã có bảy ngân hàng để tỷ lệ nợ xấu nội bảng vượt ngưỡng 3%, trong số 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2023, trong đó có những ngân hàng quy mô lớn và vừa.

Tổng nợ xấu của 28 ngân hàng này cũng tăng hơn 23% so với cuối năm 2022, lên mức hơn 172.000 tỉ đồng.

Nợ xấu có xu hướng gia tăng là mẫu số chung trong hoạt động của các ngân hàng ba tháng đầu năm nay, khi chỉ có vỏn vẹn ba ngân hàng giảm được nợ xấu so với đầu năm, tức 25 ngân hàng còn lại chứng kiến chất lượng tín dụng suy giảm.

Xử lý nợ xấu cũ chưa xong, nợ xấu mới đã tới

Mặc dù đại dịch Covid-19 hiện đã được bình thường hóa, nhưng những nguồn lực mà các doanh nghiệp đã tận dụng trong thời gian qua gần như đã cạn kiệt.

Trong khi đó, việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra của nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục gặp khó khăn, do đơn hàng sụt giảm, thắt chặt tiêu dùng ở thị trường trong nước lẫn quốc tế, việc tìm kiếm nguồn vốn tài trợ mới bị hạn chế bởi môi trường lãi suất và e ngại rủi ro.

Hệ quả là không ít doanh nghiệp tồn tại được trong hơn hai năm dịch bệnh và vượt qua được giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài, nhưng giờ đây lại đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Theo đó, khả năng trả nợ vay hiện nay cũng bị suy giảm.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy bình quân mỗi tháng có đến 19.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong bốn tháng đầu năm nay là bức tranh thể hiện rõ nhất bối cảnh đầy khó khăn hiện nay.

Một số doanh nghiệp tuy đã bước đầu phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng thật sự vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn, nguồn lực chỉ đang ở thế cầm cự và vẫn chưa đủ khả năng hoàn trả các khoản nợ đã được cơ cấu lại cũng như các khoản nợ đến hạn.

Trong khi đó, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN đã hết hiệu lực từ cuối tháng 6/2022.

1547-170216133256-total-household-debt-4q-2016-1280x720-1499741276991

Nợ xấu mới phát sinh cộng với các khoản nợ tái cơ cấu bị chuyển thành nợ xấu khi hết thời hạn tái cơ cấu, cộng thêm tiến độ xử lý nợ xấu cũ bị chậm lại, đã gây áp lực đáng kể lên hoạt động của các ngân hàng.

Lãi suất cho vay tăng nhanh từ cuối năm 2022 đến quý 1/2023 ảnh hưởng lên thị trường bất động sản, khiến việc xử lý tài sản bảo đảm là nhà đất của các ngân hàng, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường, không còn dễ dàng như giai đoạn trước.

Chia sẻ với báo chí, chuyên gia tài chính TS.Ngô Ngọc Quang, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho chằng, việc các doanh nghiệp rơi vào tình huống bị nợ xấu trong thời điểm vừa qua có 2 nguyên nhân: 1) lãi suất cao và tình hình kinh doanh khó khăn; 2) không quản lý tài chính tốt.

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân".

Mặc dù tình hình kinh tế khó khăn và môi trường lãi suất cao đã khiến cho doanh nghiệp không thể có một kết quả kinh doanh tốt, song không thể không nhắc đến việc quản lý tài chính chưa tốt đã góp phần không nhỏ vào việc làm tình hình càng khó giải quyết.

Trên thực tế, hiện nay có khoảng 90% doanh nghiệp trên thị trường là SME và do ngân sách có hạn, nên phần lớn không có chuyên gia chăm sóc sức khỏe tài chính. Sự hiệu quả trong việc quản lý dòng tiền của các đơn vị này cũng thường ở mức trung bình kém.

Ông Quang nói thêm, những khó khăn chỉ là ở hiện tại. Bên cạnh đó, các nhà điều hành cũng đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ. Do đó, các thể nhân và pháp nhân khi vay vốn có thể tận dụng điều này để tránh rơi vào cảnh nợ xấu.

Siết tỷ lệ cấp tín dụng với khách hàng lớn: Thiệt cả ngân hàng và người đi vay

Vốn phụ thuộc vào ngân hàng sẽ tiềm ẩn rủi ro

Tài sản bảo đảm nhưng chưa chắc đã là “đảm bảo”...

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/xu-ly-no-xau-cu-chua-xong-no-xau-moi-da-toi-187525.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Xử lý nợ xấu cũ chưa xong, nợ xấu mới đã tới
POWERED BY ONECMS & INTECH