1,5 triệu doanh nghiệp vào 2025: Việt Nam cần làm gì để cán đích?
Theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, Việt Nam cần nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp rời thị trường cao
Việt Nam đặt mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025. Tuy nhiên, trong thời điểm nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc hiện thực mục tiêu này chắc chắn là điều không dễ.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê trong vài năm gần đây, mỗi năm cả nước có khoảng 120.000 - 130.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Riêng trong năm 2024, Việt Nam có hơn 157.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng khoảng 1,39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số doanh nghiệp rời thị trường vẫn tăng cao. |
Đáng chú ý chỉ trong năm 2024, số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh đạt khoảng 100.000 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là hơn 76.000 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp đã giải thể trong năm 2024 là hơn 21.600 doanh nghiệp, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong xu hướng phát triển, số doanh nghiệp gia nhập thị trường luôn phải cao hơn số rút lui khỏi thị trường kể cả tốc độ và con số tuyệt đối.
Đặc biệt, vào thời điểm kinh tế có dấu hiệu tốt lên, số doanh nghiệp thành lập mới cũng bao giờ cũng tăng mạnh, còn số rút lui khỏi thị trường giảm dần.
Tuy vậy, trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô như tăng trưởng GDP, kim ngạch xuất nhập khẩu, chỉ số sản xuất công nghiệp đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao theo các tháng. Thậm chí, có những tháng còn cao hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường.
“Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này”, bà Thảo nhìn nhận.
Trong khi đó, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng: Tỷ lệ doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể chiếm đến khoảng 60% - 80% - 90%, thậm chí có thời gian còn vượt số doanh nghiệp mới thành lập. Điều này cho thấy dù đã có những tín hiệu phục hồi nhất định nhưng doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
“Việt Nam đặt mục tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025. Trong bối cảnh như hiện nay, khi số doanh nghiệp rời thị trường vẫn xấp xỉ số doanh nghiệp mới thành lập thì mục tiêu này không phải dễ.
Bên cạnh đó, báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, tính tới đầu tháng 10/2024, Việt Nam có hơn 930.000 doanh nghiệp. Như vậy, để hoàn thành mục tiêu, trong vòng 1 năm tới, Việt Nam phải có thêm ít nhất 57.000 doanh nghiệp”, ông Bình thông tin.
TS Lê Duy Bình nhấn mạnh, hiện, để nhà tư vấn bỏ vốn thành lập doanh nghiệp không khó nhưng để doanh nghiệp tồn tại và phát triển lâu dài là vấn đề còn rất nhiều công việc phải làm.
“Do đó, tôi cho rằng đã đến lúc cần chú ý đến mục tiêu phát triển doanh nghiệp đang hoạt động thay vì hướng đến mục tiêu là số lượng doanh nghiệp đăng ký mới”, ông Bình nói.
Phải thay đổi thuật ngữ doanh nghiệp tư nhân
Với những khó khăn trên, để hoàn thành mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp, TS Lê Duy Bình cho rằng Việt Nam cần có các biện pháp cải cách mang tính đột phá trong Luật Doanh nghiệp.
“Đây là giải pháp cơ sở để khuyến khích kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp và xa hơn là 2 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả”, ông Bình nói thêm.
Để hoàn thành mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp, TS Lê Duy Bình cho rằng Việt Nam cần có các biện pháp cải cách mang tính đột phá trong Luật Doanh nghiệp. |
Hiện tại, Việt Nam có hơn 5 triệu hộ sản xuất, kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Các hộ kinh doanh cá thể chưa được coi là doanh nghiệp thực sự.
TS Lê Duy Bình đánh giá, Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh tham gia chính thức vào cộng doanh nghiệp dưới nhà chung của Luật Doanh nghiệp, cần thay đổi mạnh mẽ tư duy sửa đổi Luật Doanh nghiệp và cải cách các quy định để hình thành loại hình doanh nghiệp một chủ, doanh nghiệp cá thể đúng bản chất.
Cụ thể, Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan cần phân tích các quy định ứng dụng bạch kim cho cá nhân doanh nghiệp và loại hình doanh nghiệp một chủ sở hữu trong Luật Doanh nghiệp và các luật định luật khác.
Việc đầu tiên cần làm là thay đổi thuật ngữ “doanh nghiệp tư nhân” trong Luật Doanh nghiệp thành doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ, nhắm phản ánh đúng hơn bản chất pháp lý của loại hình doanh nghiệp này.
Bên cạnh đó, cần dành một chương trình riêng trong Luật Doanh nghiệp cho doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ (sau khi đổi tên theo quy định mới).
Trong đó, quy định rõ khu vực doanh nghiệp này sẽ áp dụng các chế độ kế toán, báo cáo tài chính theo các nguyên tắc đơn giản, chi phí thấp và các quy định pháp luật khác, phù hợp với bản chất của doanh nghiệp một chủ, thay vì họ phải tuân thủ toàn bộ các quy định giống như các công ty khác như hiện nay.
Các quy định về quản lý thuế, mức thuế cũng phải đóng cần được điều chỉnh để khai thuế, mức thuế đối với loại hình doanh nghiệp một chủ hoặc doanh nghiệp cá thể này sẽ gần giống như mức độ kinh doanh cá thể phải đóng như hiện tại.
Họ sẽ không phải chịu cùng thẩm quyền, sắc thuế hay chế độ quản lý thuế tương tự như các công ty trách trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có hàng nền thành viên, hàng trăm, hàng ngàn cổ đồng như quy định hiện nay.
Trong khi đó, đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định Chính phủ và các bộ ngành cần có chương trình quốc gia tổng thể để thúc đẩy hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
"Trong thời gian qua, chúng ta có nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhưng phải nói rằng hiệu quả thực hiện là chưa cao. Qua nhiều khảo sát, tỷ lệ doanh nghiệp biết đến và hưởng thụ rất ít. Thời gian tới, hi vọng chúng ta thực hiệu quả hơn", ông Tuấn kỳ vọng.
Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam hút hơn 10.000 tỷ vốn đăng ký doanh nghiệp trong tháng đầu năm
Doanh nghiệp giúp một CTCK tạm lãi 1.700 tỷ đồng bất ngờ báo lợi nhuận quý IV giảm 70%