10 'thần đồng' Toán học Việt Nam từng chinh phục điểm tuyệt đối tại Olympic Toán quốc tế, có 1 huyền thoại 'thắng' giải đặc biệt duy nhất
Đây đều được mệnh danh là những "cậu bé vàng" của toán học Việt Nam.
Kể từ lần đầu tiên tham dự (năm 1974) đến nay, nhiệm vụ thành lập các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự Olympic Toán học quốc tế (IMO) được Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục (giai đoạn 1974-1990), và Bộ GDĐT (giai đoạn 1990 đến nay), chủ trì tổ chức thực hiện.
Cho đến nay, riêng đội tuyển Việt Nam có khoảng 300 lượt học sinh tham dự IMO và đã đạt được hơn 70 huy chương Vàng, hơn 300 huy chương Bạc và Đồng, cùng nhiều bằng khen. Trong số đó, không thể không nhắc đến 10 "huyền thoại" Toán học từng chinh phục điểm tuyệt đối Olympic Toán quốc tế.

1. Lê Bá Khánh Trình
Năm 1979, Lê Bá Khánh Trình làm rạng danh Việt Nam khi giành huy chương vàng Olympic Toán học quốc tế (IMO) với điểm tuyệt đối 40/40, đồng thời nhận giải đặc biệt cho lời giải đẹp nhất - thành tích đến nay chưa thí sinh Việt Nam nào đạt được.
Ông được tuyển thẳng vào Đại học Tổng hợp Moskva (Nga), bảo vệ thành công luận án tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của viện sĩ Andrey Gonchar sau đó trở về Việt Nam giảng dạy.

TS Lê Bá Khánh Trình là tổ trưởng tổ toán Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM) từ năm 1993. Suốt 32 năm, ông miệt mài giảng dạy, truyền cảm hứng Toán học cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên. Trong thời gian đó, đội tuyển toán đã đóng góp cho Trường Phổ thông Năng khiếu hàng trăm giải quốc gia, trong đó có hơn một nửa số năm có giải nhất. Đặc biệt tổ toán đóng góp 20 huy chương quốc tế và khu vực, trong đó có 5 huy chương vàng.
Tháng 2 năm nay, ông thôi vị trí này để lui về làm cố vấn.
Lê Bá Khánh Trình còn tham gia tuyển chọn, huấn luyện đội tuyển Việt Nam dự IMO và từng là trưởng, phó đoàn quốc gia. Từ năm 2015, ông hỗ trợ đào tạo đội tuyển IMO của Saudi Arabia, góp phần nâng cao thành tích của quốc gia này trên đấu trường quốc tế.
2. Lê Tự Quốc Thắng
Lê Tự Quốc Thắng giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế năm 1982 với điểm tuyệt đối 42/42 thành tích hiếm có trong lịch sử IMO Việt Nam. Trước đó một năm, anh dẫn đầu cuộc thi học sinh xuất sắc toàn quốc.
Sinh năm 1965 tại Huế trong gia đình có truyền thống Toán học, ông được tuyển thẳng vào khoa Toán – Cơ, Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva (MGU, Liên Xô cũ). Năm 1991, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của Viện sĩ Sergei Novikov.
Sau đó, GS Quốc Thắng làm việc tại nhiều viện nghiên cứu danh tiếng như Steklov (Nga), Max Planck (Đức), Tokyo (Nhật), Berkeley (Mỹ) và hiện là giáo sư tại Học viện Công nghệ Georgia (Mỹ). Ông chuyên nghiên cứu topo vi phân, đa tạp chiều thấp và tinh thể quasi.

Năm 1995, ông cùng hai nhà toán học Nhật Bản công bố bất biến lượng tử LMO – đóng góp nổi bật trong lý thuyết đa tạp ba chiều. GS Quốc Thắng đã công bố hàng trăm công trình quốc tế, là thành viên ban biên tập nhiều tạp chí toán học uy tín.
Dù sống và làm việc tại nước ngoài, ông luôn hướng về Việt Nam: giảng dạy, tổ chức hội thảo, chia sẻ tài liệu, kinh nghiệm huấn luyện Olympic. Năm 2007, ông cùng các cựu học sinh IMO Việt Nam tài trợ và tham gia Ban giám khảo kỳ thi IMO lần thứ 48 tổ chức tại Hà Nội.
3. Đàm Thanh Sơn
GS Đàm Thanh Sơn là cựu học sinh chuyên Toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1984, khi mới 15 tuổi, ông giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế (IMO) với số điểm tuyệt đối 42/42.
Là một trong những nhà vật lý lý thuyết hàng đầu thế giới, GS Sơn tiên phong áp dụng lưỡng tính trường chuẩn/trọng trường (gauge/gravity duality) để nghiên cứu các hệ vật chất tương tác mạnh từ các nguyên tử bị bẫy ở nhiệt độ cực thấp đến plasma quark-gluon ở nhiệt độ cực cao.

Ông có nhiều đóng góp quan trọng cho lý thuyết trường chuẩn nền tảng của vật lý hiện đại và các nghiên cứu liên quan đến phương trình Dirac, phân bố Fermi-Dirac, lý thuyết dây, vật lý hạt nhân, vật lý vật chất mật độ cao và vật lý nguyên tử. Công trình được trao Giải thưởng Dirac danh giá năm 2023 của ông nằm trong lĩnh vực vật lý nguyên tử.
GS Đàm Thanh Sơn hiện là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ, đồng thời là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ.
4. Ngô Bảo Châu
GS Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 tại Hà Nội trong một gia đình trí thức. Ông theo học Trường Thực nghiệm Giảng Võ và sau đó là khối chuyên Toán, Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội.
Năm 1988 và 1989, khi mới 16 – 17 tuổi, Ngô Bảo Châu lập kỳ tích khi giành liên tiếp hai Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế, trở thành người Việt Nam đầu tiên đạt thành tích này.

Ông nhận học bổng sang Pháp, học tại Đại học Paris 6, sau đó bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trường Sư phạm Paris (École normale supérieure). Năm 2005, được bổ nhiệm Giáo sư tại Đại học Paris 11.
Cuối năm 2004, cùng GS Gérard Laumon, Ngô Bảo Châu được Viện Toán học Clay trao giải thưởng cho công trình “Bổ đề cơ bản cho các nhóm unita” – một bước đột phá trong Chương trình Langlands, lý thuyết toán học then chốt liên kết giữa lý thuyết số và lý thuyết nhóm.
Năm 2009, công trình chứng minh “Bổ đề cơ bản” của anh được tạp chí Time bình chọn là 1 trong 10 khám phá khoa học tiêu biểu thế giới. Một năm sau, anh trở thành người Việt đầu tiên được trao Huy chương Fields – giải thưởng cao quý nhất trong Toán học.
GS Ngô Bảo Châu được đặc cách phong học hàm Giáo sư tại Việt Nam năm 2005, khi mới 33 tuổi. Từ năm 2010, anh giảng dạy tại Đại học Chicago (Mỹ) và giữ vai trò Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán tại Việt Nam từ tháng 3/2011.
5. Đinh Tiến Cường
GS Đinh Tiến Cường sinh năm 1973 tại Hải Dương, trong một gia đình nhà giáo. Năm 1989, khi mới 16 tuổi, ông giành Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế (IMO) với điểm tuyệt đối 42/42 thành tích hiếm có, góp phần đưa đội tuyển Việt Nam xếp thứ 9 toàn đoàn.
Sau khi học tin học tại Liên Xô, ông chuyển hướng trở lại toán học tại Pháp. Dù gặp khó khăn về ngoại ngữ và trượt vào Trường Sư phạm Paris, ông được giới thiệu sang Đại học Paris 6 (Marie Curie), nơi ông hoàn thành Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ Toán học trong vòng 3 năm. Luận án Tiến sĩ của ông được hội đồng đánh giá ở mức cao nhất: “Rất đáng tôn kính”.

Năm 1998, ông được phong hàm Phó Giáo sư khi đang giảng dạy tại Đại học Paris 11. Năm 2005, ở tuổi 32, ông được phong hàm Giáo sư và chuyển về Viện Toán học Jussieu một trung tâm nghiên cứu danh tiếng của Đại học Paris 6. Năm 2007, ông trở thành thành viên Viện Đại học Pháp (IUF).
GS Đinh Tiến Cường nổi bật với các nghiên cứu về giải tích hàm nhiều biến và hệ động lực phức, công bố trên nhiều tạp chí toán học uy tín. Năm 2018, ông được mời báo cáo tại Đại hội Toán học quốc tế (ICM) ở Brazil và nhận Giải thưởng Humboldt từ Quỹ Alexander von Humboldt (Đức).
Hiện ông là giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đại học hàng đầu châu Á, xếp thứ 8 thế giới theo QS 2025.
6. Ngô Đắc Tuấn
GS Ngô Đắc Tuấn sinh tại Bắc Ninh, lớn lên ở Hà Nội. Ông từng giành được điểm tuyệt đối của IMO năm 1995 và từng học khối chuyên Toán A0, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Sau hai năm đại cương, ông nhận học bổng sang Pháp, tốt nghiệp Kỹ sư tại Trường Bách khoa Paris năm 2000 và Thạc sĩ Toán năm 2001.
Năm 2004, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Toán học tại Đại học Paris 11 dưới sự hướng dẫn của GS Laurent Lafforgue – Huy chương Fields năm 2002. Sau thời gian nghiên cứu hậu tiến sĩ tại Viện IHES (Pháp), ông công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) và lần lượt giữ các vị trí Phó Giáo sư, Giáo sư.

Từ năm 2021, GS Ngô Đắc Tuấn giữ ghế “Excellence Chair” vùng Normandy và từ 2022 là Giáo sư bán thời gian tại Trường Bách khoa Paris.
Hướng nghiên cứu của ông trải rộng qua Tổ hợp, Hình học đại số, Số học, Chương trình Langlands – dưới ảnh hưởng của nhiều tên tuổi lớn trong toán học như Cheryl Praeger, Laurent Lafforgue và Ngô Bảo Châu.
7. Đỗ Quốc Anh
GS Đỗ Quốc Anh, sinh năm 1980, từng hai lần dự thi Olympic Toán quốc tế (IMO). Năm 1996, ông giành huy chương đồng, đến năm 1997, xuất sắc đạt điểm tuyệt đối và mang về huy chương vàng duy nhất cho Việt Nam năm đó.

Sau IMO, ông du học tại Pháp theo học bổng chính phủ, hoàn thành chương trình cử nhân và thạc sĩ, rồi tiếp tục làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Harvard (Mỹ). Hiện ông là giáo sư tại Khoa Kinh tế, Đại học Monash (Australia), với các hướng nghiên cứu chính gồm kinh tế vi mô ứng dụng, kinh tế mạng lưới và kinh tế văn hóa.
8. Lê Hùng Việt Bảo
Sinh năm 1986 trong gia đình có truyền thống Toán học, Lê Hùng Việt Bảo sớm bộc lộ năng khiếu khi còn học tiểu học tại Đức. Anh từng đoạt nhiều giải thưởng, nổi bật với thế mạnh về lý thuyết số và cách giải sáng tạo.
Là học sinh chuyên Toán Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN), anh giành HCV IMO 2003 với điểm tuyệt đối 42/42 và tiếp tục đoạt HCV tại IMO 2004. Thành tích đưa Việt Nam vào top 4 thế giới và giúp anh được vinh danh Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc.

Anh học Cử nhân tại ĐH Cambridge (Anh), bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Harvard (Mỹ), từng làm việc tại Princeton, Chicago và hiện là Phó Giáo sư tại ĐH Northwestern. Năm 2016, anh lọt Forbes 30 Under 30 châu Á (lĩnh vực Khoa học).
Tháng 7/2024, anh trở về Việt Nam tham gia Trường hè Toán học quốc tế do VIASM và Viện Clay tổ chức.
9. Nguyễn Trọng Cảnh
Nguyễn Trọng Cảnh, sinh năm 1985, là cựu học sinh Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội. Năm 2003, Cảnh giành Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế với số điểm tuyệt đối 42/42 một trong hai HCV của đội tuyển Việt Nam năm đó.
Trước đó, khi học lớp 11, Cảnh từng trắng tay tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và chỉ giành giải Ba vào năm lớp 12. Việc được chọn vào đội tuyển quốc tế đã là một bất ngờ, nhưng tại Tokyo, Cảnh tiếp tục gây chấn động khi hoàn thành cả 6 bài thi với điểm số tuyệt đối.
Sau kỳ tích này, anh trở thành sinh viên khóa 7 chương trình Cử nhân tài năng Toán học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội.
10. Ngô Quý Đăng
Ngô Quý Đăng cựu học sinh lớp 12A1 Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) là nam sinh hiếm hoi 2 lần giành Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế (IMO), trong đó có một lần đạt điểm tuyệt đối 42/42 vào năm 2022 tại Na Uy.
Trước đó, năm 2020, khi mới học lớp 10, Quý Đăng đã giành HCV tại IMO lần thứ 61, trở thành học sinh lớp 10 đầu tiên của Việt Nam đạt được thành tích này, xếp hạng 4 toàn cầu. Em cũng nhiều lần đoạt giải Nhất, Nhì môn Toán tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và từng được vinh danh là Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng (2020), Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu lĩnh vực học tập (2022).

Ngay từ THCS, Quý Đăng đã được mệnh danh là “vua giải thưởng Toán học” và được tuyển thẳng vào lớp chuyên Toán cấp 3. Sau khi tốt nghiệp THPT ở trường chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Quý Đăng theo học ngành Toán ở trường Sư phạm Paris (École normale supérieure Paris), Pháp.
*Tổng hợp