'Thần đồng' Toán học duy nhất Việt Nam giành giải 'Nobel Toán học', 33 tuổi được đặc cách phong hàm Giáo sư hiến kế nâng tầm Toán học
Ông đề xuất cần mở rộng hợp tác với các nền Toán học tiên tiến trên thế giới, tăng cường sự tham gia của nữ giới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Đẩy mạnh việc thu hút các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế
Theo CTTĐT Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), sáng 16/7, Ban điều hành Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 – 2030 đã tiến hành hội nghị sơ kết hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2025 và đề ra kế hoạch cho thời gian tới. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Văn Phúc – Trưởng Ban điều hành chủ trì.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc ghi nhận những thành quả tích cực của chương trình trong thời gian qua, đồng thời yêu cầu các đơn vị thành viên trong Ban điều hành phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) để nâng cao hiệu quả thực chất của chương trình. Thứ trưởng khẳng định Nhà nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để chương trình hoàn thành mục tiêu đề ra, trong đó Bộ GDĐT sẽ đóng vai trò đồng hành, đặc biệt thông qua việc sửa đổi Luật Giáo dục đại học nhằm tạo hành lang pháp lý cho mô hình đào tạo linh hoạt, phù hợp với định hướng phát triển chuyên sâu về Toán tại VIASM.

Ông cũng nhấn mạnh định hướng trong thời gian tới sẽ là tăng cường mời gọi các chuyên gia và nhà khoa học quốc tế tới Việt Nam làm việc trực tiếp. Việc tạo điều kiện thuận lợi để các chuyên gia có thể triển khai công việc ngay khi tới Việt Nam được coi là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực nghiên cứu, đồng thời thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng và vị thế của Toán học Việt Nam.
Tại hội nghị, bà Trịnh Thị Thúy Giang – Thư ký Ban điều hành Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học đã trình bày báo cáo tổng kết nêu rõ những kết quả đáng khích lệ. Theo đó, chương trình đã hoàn tất khoảng 55% kế hoạch năm, tổ chức thành công Ngày hội Toán học mở với hơn 5.000 lượt người tham gia, triển khai 35 đề tài nghiên cứu của các nhà Toán học trẻ và hỗ trợ hiệu quả cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông môn Toán.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động khác đang được thực hiện đúng tiến độ, bao gồm các diễn đàn, hội thảo về đổi mới phương pháp giảng dạy Toán, đào tạo tài năng, tổ chức các cuộc thi và chương trình bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở bậc đại học cũng đang được chú trọng triển khai.

Trong giai đoạn tiếp theo, chương trình sẽ tập trung phát triển Toán học ứng dụng và thực tiễn thông qua khảo sát, nghiên cứu và chuẩn hóa chương trình đào tạo từ bậc đại học đến sau đại học trong các lĩnh vực khoa học liên quan đến Toán. Đáng chú ý, hai hội nghị khoa học quốc tế quy mô khu vực châu Á và toàn cầu hiện đang được tổ chức theo đúng kế hoạch. Trong đó, một sự kiện quan trọng là Diễn đàn cấp cao hợp tác với Liên đoàn Toán học Ứng dụng và Công nghiệp (ICIAM) và Hiệp hội Tính toán Thống kê Đông Á.
Đưa Toán học Việt Nam vào nhóm dẫn đầu thế giới
Phát biểu tại hội nghị, Giáo sư Ngô Bảo Châu cho biết chương trình đang từng bước hoàn thiện việc đối sánh khung Toán học giữa Việt Nam và quốc tế, được xem là nền tảng quan trọng giúp Toán học Việt Nam mở rộng hợp tác và hội nhập sâu rộng. Giáo sư bày tỏ sự đồng tình với chủ trương thu hút nhân tài được quy định tại Nghị quyết 57 và nhấn mạnh cần “tạo điều kiện để chuyên gia bắt tay vào công việc ngay khi về nước”.
Giáo sư cũng khẳng định “việc đào tạo nghiên cứu sinh chất lượng cao có thể cạnh tranh quốc tế là một chỉ tiêu đánh giá then chốt”. Đồng thời, ông đề xuất cần mở rộng hợp tác với các nền Toán học tiên tiến trên thế giới, tăng cường sự tham gia của nữ giới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Một số kiến nghị đáng chú ý của Giáo sư là đến năm 2030 cần xây dựng ít nhất 5 phòng thí nghiệm chuyên sâu trong các lĩnh vực như mật mã, toán sinh học, biến đổi khí hậu, đồng thời phát triển một kho học liệu số chất lượng cao phục vụ học sinh trên cả nước. Giáo sư cũng đề xuất nâng cao mức đầu tư và mở rộng quy mô Viện Toán, đồng thời tăng cường xã hội hóa và khuyến khích các chuyên gia người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài tham gia chương trình.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tán thành với kế hoạch triển khai các hoạt động trong 6 tháng cuối năm 2025 và các định hướng cho năm 2026. Ông đánh giá cao những đóng góp quan trọng của các nhà khoa học, chuyên gia cũng như các thành viên Ban điều hành trong việc thúc đẩy chất lượng Toán học từ cấp phổ thông cho tới trình độ nghiên cứu chuyên sâu.
Thứ trưởng nhấn mạnh cần khẳng định rõ vai trò và vị thế đặc biệt của VIASM như một trung tâm nghiên cứu xuất sắc, mang tầm học thuật quốc tế và giữ vai trò dẫn dắt trong công cuộc phát triển Toán học tại Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh việc mở rộng mô hình phối hợp “đồng cơ hữu” giữa VIASM với các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao.
Với mục tiêu đưa Toán học Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới, Thứ trưởng kêu gọi VIASM tiếp tục thu hút nguồn nhân tài người Việt trên toàn cầu, tận dụng sức mạnh trí tuệ từ trong và ngoài nước. Đồng thời, cần có định hướng rõ ràng về chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, phát triển đội ngũ chuyên gia chất lượng cao, cải thiện chất lượng dạy học môn Toán ở bậc phổ thông, tăng số lượng công bố quốc tế và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào lĩnh vực Toán học.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc rà soát các nhiệm vụ nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra trong công tác đào tạo nghiên cứu sinh, đồng thời gắn với hiệu quả sử dụng tài chính công. Ông đề xuất cần tiến hành tổng kết, đánh giá toàn diện chương trình sau 5 năm triển khai, trên cơ sở cập nhật và tiếp thu các thể chế, chủ trương mới nhất của Đảng và Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thay mặt Ban điều hành, Thứ trưởng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên đã đồng hành và đóng góp tích cực cho sự phát triển của Toán học Việt Nam.
Giáo sư Ngô Bảo Châu (sinh năm 1972), là người Việt Nam đầu tiên hai lần đoạt Huy chương Vàng tại Olympic Toán học Quốc tế vào các năm 1988 và 1989. Năm 2005, ông được Nhà nước Việt Nam đặc cách phong học hàm Giáo sư khi mới 33 tuổi, trở thành người trẻ nhất trong lịch sử nước ta nhận danh hiệu này mà không cần trải qua chức danh Phó Giáo sư.
Không chỉ ghi dấu với thành tích vượt trội tại các kỳ thi Olympic quốc tế, ông còn làm rạng danh nền khoa học Việt Nam khi trở thành nhà Toán học đầu tiên của nước ta được trao huy chương Fields vào năm 2010. Đây là giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực Toán học, được ví như “giải Nobel Toán học”. Sự kiện này không chỉ là niềm tự hào của cá nhân ông, mà còn đưa Việt Nam trở thành quốc gia châu Á thứ hai, sau Nhật Bản có nhà Toán học vinh dự nhận giải thưởng cao quý này.
Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo