15 phiên xét xử Vạn Thịnh Phát ‘khui’ nhiều tài sản ‘ngầm’ của Trương Mỹ Lan

27-03-2024 12:59|Lan Phương

Gia đình Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát sở hữu loạt bất động sản đắt đỏ tại trung tâm Hà Nội và TP. HCM.

Đã trôi qua 15 phiên xét xử đại án Vạn Thịnh Phát, mọi tình tiết, thủ đoạn của các bị cáo dần được sáng tỏ, độ giàu có của gia đình Trương Mỹ Lan cũng theo đó được hữu hình hoá qua khối tài sản khổng lồ bị thu giữ, kê biên, phong tỏa và những bất động sản, cổ phần mà các bị cáo muốn dùng để khắc phục hậu quả.

Theo cáo trạng, quá trình điều tra và truy tố, cơ quan tiến hành tố tụng đã thu giữ, phong tỏa một lượng lớn tiền, tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm của bà Lan, các cổ phần tại SCB và những công ty liên quan tới bà Lan như: CTCP Vận tải Hàng không Miền Nam, CTCP Đầu tư Satsco Miền Bắc, CTCP Địa ốc Đông Á… 1.237 bất động sản liên quan trực tiếp đến vị Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng bị kê biên.

Một số bất động sản khủng trong danh sách kê biên này bao gồm:

Trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP. HCM), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sở hữu nhiều tòa nhà.

- Cao ốc Times Square của Công ty Times Square, do tỷ phú Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan) làm Chủ tịch HĐQT. Toà nhà cao 39 tầng là khu liên hợp văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại.

- Toà nhà số 19-25 Nguyễn Huệ, cho SCB thuê làm trụ sở chính trong nhiều năm qua.

- Toà nhà Union Square ở góc mặt tiền đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn. Vị trí này được giới kinh doanh bất động sản gọi là "đất kim cương". Đây là khu phức hợp trung tâm mua sắm - khách sạn được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát xây năm 2014, diện tích gần 9.000m2, quy mô 6 tầng hầm và 9 tầng nổi, trong đó có 5 tầng nổi là khách sạn 5 sao.

15 phiên xét xử Vạn Thịnh Phát ‘khui’ nhiều tài sản ‘ngầm’ của Trương Mỹ Lan
Toà nhà 193-203 Trần Hưng Đạo, Quận 1, TP. HCM

- Toà nhà 193-203 Trần Hưng Đạo, Quận 1, TP. HCM được xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 2.000m2, cao 5 tầng, làm văn phòng cho thuê. Trước đây, cao ốc này là trụ sở của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, hiện đóng cửa.

- Toà nhà Sherwood Residence ở số 127 Pasteur, Quận 3, TP. HCM do Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư, từng là nơi ở của bà Trương Mỹ Lan. Cao ốc này có 21 tầng với 3 tầng hầm, tổng diện tích hơn 40.000m2. Công trình là khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp ở vị trí trung tâm thành phố.

- Vạn Thịnh Phát cũng sở hữu khách sạn Windsor Plaza (Windsor Plaza Hotel) trên đường An Dương Vương, Quận 5, TP. HCM. Toà nhà cao 25 tầng, là khách sạn tư nhân đầu tiên được xếp hạng 5 sao ở Việt Nam và được chọn làm nơi tổ chức nhiều sự kiện lớn như Hội nghị APEC năm 2006... Công trình này nối liền với trung tâm mua sắm An Đông Plaza, cũng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, gồm 4 tầng với hơn 1.400 cửa hàng bán lẻ.

- Siêu dự án Mũi Đèn Đỏ rộng 118ha có vị trí đắc địa tại ngã ba sông Sài Gòn và sông Nhà Bè, với tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỷ USD (tại thời điểm năm 2007). Dự án là khu phức hợp gồm công viên đa chức năng, văn phòng, biệt thự, căn hộ, khách sạn, bến cảng du thuyền lớn nhất Việt Nam và mang tầm quốc tế.

15 phiên xét xử Vạn Thịnh Phát ‘khui’ nhiều tài sản ‘ngầm’ của Trương Mỹ Lan
Sai Gon Peninsula có diện tích 118ha tại mặt tiền đường Đào Trí, phường Phú Thuận, Quận 7, TP.HCM, sở hữu tổng vốn đầu tư lên đến 6 tỷ USD

- Trên đường Đồng Khởi (TP. HCM), Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng sở hữu nhiều bất động sản như căn nhà số 143 và 151...

Cơ quan tố tụng còn kê biên 8 bất động sản của Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh tại Quảng Ninh liên quan đến thỏa thuận hợp tác của bà Trương Mỹ Lan với Tập đoàn Tuần Châu, Quảng Ninh.

Liên quan việc này, tại tòa, bà Trương Mỹ Lan cho rằng bà Phạm Thị Lan Phương là người phụ trách dự án làm việc với Tập đoàn Tuần Châu.

Theo bà Lan, tiền được bà đưa cho ông Tuyển Tuần Châu (ông Đào Hồng Tuyển) trong suốt nhiều năm mà không có giấy tờ gì.

"Chị Phương đang bị phù não đi Úc nên tài liệu cũng không bàn giao lại, những vấn đề liên quan tôi cũng không nhớ rõ chi tiết. Công ty Tuần Châu cho SCB mượn tài sản, cụ thể thế nào bị cáo không rõ, bị cáo chỉ biết SCB đang cơ cấu liên tục, luôn thiếu tài sản, còn việc cơ cấu thế nào thì không rõ, việc này có thể Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) và Trương Khánh Hoàng (cựu Quyền Tổng Giám đốc SCB) biết", bị cáo Lan nói.

Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan cho biết muốn mang 13 tài sản ngoài danh mục kê biên, phong tỏa trong vụ án này để khắc phục hậu quả nếu bà bị tuyên có tội, gây hậu quả.

Bà Trương Mỹ Lan khai tòa nhà mà con gái Chu Duyệt Phấn đang rao bán 1 tỷ USD để khắc phục thiệt hại là tòa Capital Place 29 Liễu Giai (Hà Nội). Bà Lan cho rằng tòa nhà này được mua với giá 700 triệu USD chưa tính chi phí khác.

"Bán bên nước ngoài mới nhiều tiền, nhưng người ta yêu cầu phải xác minh không liên quan vụ án", bị cáo nói thêm.

HĐXX nói nếu bà Lan biết ai mua với giá đó có thể đề nghị lên để xem xét tạo điều kiện nhằm góp phần khắc phục hậu quả. Bà Lan cũng cam kết nếu bán được tòa nhà sẽ tự nguyện dùng phần còn lại sau khi trả nợ để khắc phục.

Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng khai gia đình bà còn sở hữu 73,4% cổ phần khách sạn Daewoo ở Hà Nội. Theo bà Lan, tài sản này không thể bán được do vướng về pháp lý vì đã được dùng để phát hành trái phiếu trước đó.

Ngoài ra, bà Trương Mỹ Lan cũng xác nhận đang có cổ phần tại công ty bảo hiểm nước ngoài (thuộc sở hữu của một tỷ phú Hong Kong - Trung Quốc), trị giá cổ phần lúc mua khoảng 920 tỷ đồng, hiện đã tăng lên nhiều lần nên đề nghị xem xét lại giá cổ phần để thu hồi, khắc phục.

Trong phần tự bào chữa, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát cũng trình bày tòa nhà số 19 Nguyễn Huệ, Quận 1 đứng tên con gái của bà thời gian qua cho Ngân hàng SCB thuê làm trụ sở. Bà đề nghị HĐXX xem xét giải tỏa kê biên cho bà.

15 phiên xét xử Vạn Thịnh Phát ‘khui’ nhiều tài sản ‘ngầm’ của Trương Mỹ Lan
Biệt thự cổ số 110-112 Võ Văn Tần (Quận 3, TP. HCM)

Trong khối tài sản này, bà Lan xin được giữ lại một bất động sản duy nhất, đó là biệt thự cổ số 110-112 Võ Văn Tần (Quận 3, TP. HCM). Theo bị cáo, đây là biệt thự do mẹ bà mua với giá 700 tỷ đồng. Trước khi bà bị bắt, căn biệt thự này đang được tu sửa. Tuy nhiên, việc trùng tu này phải tạm dừng từ tháng 10/2022.

"Xin HĐXX đừng kê biên nhà đó vì không mua bán được mà phải bảo tồn. Đó là di tích của Việt Nam", bị cáo Lan đề nghị cơ quan tố tụng giao lại cho gia đình để tiếp tục sửa chữa.

Ngoài bất động sản, 22 tài sản là phương tiện gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của bà Trương Mỹ Lan và cháu gái Trương Huệ Vân cũng bị kê biên trong quá trình điều tra.

Ngoài ra, trong phiên tòa này, bà Lan còn được bị cáo Nguyễn Cao Trí cam kết trả đủ số tiền 1.000 tỷ đồng đã chiếm đoạt. 300 tỷ đồng mà bà Lan đưa cho bị cáo Tạ Hùng Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Greenhill Village) cũng đã được nộp lại vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra.

>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Tích cực nộp tiền khắc phục cho Trương Mỹ Lan, một bị cáo được 2.000 người viết đơn xin giảm án

Tập đoàn quy tụ nhiều nữ tướng “tài sắc vẹn toàn” nhất Việt Nam, một bóng hồng sở hữu khối tài sản hơn 8.000 tỷ đồng trên sàn chứng khoán

‘Nhà tiên tri chứng khoán’ Lã Giang Trung dự báo VN-Index về lại mốc 1.500 trong năm 2024, chỉ điểm 2 nhóm ngành tiềm năng

Vụ Vạn Thịnh Phát: Lộ diện người ‘lấp liếm’ sai phạm của SCB liên quan đến 18 khách hàng vay vốn tại dự án Chợ Vải

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/15-phien-xet-xu-van-thinh-phat-khui-nhieu-tai-san-ngam-cua-truong-my-lan-228021.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
15 phiên xét xử Vạn Thịnh Phát ‘khui’ nhiều tài sản ‘ngầm’ của Trương Mỹ Lan
POWERED BY ONECMS & INTECH