2 chỉ báo chính thức ‘nhấp nháy’ báo động: Siêu cường số 1 thế giới có thể đã rơi vào suy thoái
Kinh tế Mỹ có thể đã bước vào suy thoái khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3% vào tháng 7. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng.
Nền kinh tế Mỹ có thể vừa bước vào suy thoái
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ mới đây, tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã tăng từ mức 4,1% tháng 6 lên 4,3% vào tháng 7 - mức cao nhất kể từ tháng 10/2021.
Sự gia tăng này đã kích hoạt Quy tắc Sahm - một chỉ báo suy thoái do cựu chuyên gia kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bà Claudia Sahm phát triển.
Chỉ báo này chỉ ra rằng nền kinh tế đang suy thoái nếu tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong 3 tháng cao hơn 0,5% điểm phần trăm so với mức thấp nhất trong 12 tháng. Thước đo này có độ tin cậy nhất định khi nó dự báo đúng trong ít nhất 9 cuộc suy thoái gần đây.
Hiện tại, mức chênh lệch giữa tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong ba tháng và tỷ lệ thấp nhất trong 12 tháng là 0,53 điểm phần trăm. Tuy nhiên, quy tắc Sahm cũng vướng phải tranh cãi vì đôi khi nó không tính đến tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, điều này có thể làm tăng tỷ lệ thất nghiệp. Và thực tế là tỷ lệ tham gia lao động đang tăng lên ở thời gian này.
Tuy nhiên, một chỉ báo khác là “mức tăng trưởng hàng năm của số người thất nghiệp” - vốn không bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ tham gia lực lượng lao động - cũng cho thấy Mỹ đang chìm trong suy thoái. Chỉ báo này đề cập đến sự gia tăng tỷ lệ phần trăm số lượng người thất nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định (thường là một tháng hoặc một quý) so với cùng khoảng thời gian đó của năm trước. Đây là một chỉ báo quan trọng để đánh giá tình trạng của thị trường lao động và xu hướng thất nghiệp trong nền kinh tế.
Được biết, số người thất nghiệp tại Mỹ đã tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong ít nhất 11 trường hợp gần đây nhất khi tình trạng này xuất hiện, nền kinh tế đã xảy ra suy thoái.
Dẫu vậy, dù cho hai chỉ báo này đã cảnh báo đúng về tình hình suy thoái trong quá khứ nhưng không có nghĩa lần này cũng vậy.
Tom Essaye, người sáng lập Sevens Report Research đã nói với Business Insider rằng các chỉ số thị trường lao động khác vẫn chỉ ra Mỹ có khả năng có một cuộc hạ cánh mềm trong thời gian tới. Ví dụ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu hàng tuần vẫn ở mức khá thấp là 249.000, mặc dù đã tăng từ mức 194.000 vào tháng 1. Ông cho biết nếu chúng bắt đầu tăng lên trên 300.000 và đạt tới 350.000, thì đó mới là lúc cần lo lắng.
Ngoài ra, trong khi báo cáo việc làm của tháng 7 yếu hơn dự kiến, khi Mỹ có thêm 114.000 việc làm mới, thì mức trung bình động bốn tháng vẫn ở mức cao và chỉ khi các báo cáo trong những tháng tới cũng liên tục ảm đạm thì mới chứng minh được là xu hướng chắc chắn đã giảm.
Và dù mọi thứ có thể vẫn ổn, tuy nhiên, lịch sử cho thấy rằng khi thị trường lao động suy yếu đến mức này, nó thường có xu hướng xấu đi nhanh chóng.
Jack McIntyre, Quản lý danh mục đầu tư tại Brandywine Global còn nhận định rằng có thể nền kinh tế còn chậm hơn so với những gì mà dữ liệu việc làm chỉ ra.
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất ISM cũng đã giảm sâu và báo hiệu hoạt động sản xuất của Mỹ tiếp tục chậm lại. Số lượng cơ hội việc làm cũng đang giảm, đạt 8,1 triệu vào tháng 6 so với 12,1 triệu vào tháng 3/2022.
Thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ ra sao?
Các nhà đầu tư đang gặp khó khăn khi giải mã thị trường trong bối cảnh dữ liệu kinh tế không khả quan trong tuần này.
Diễn biến thị trường chứng khoán sắp tới có thể sẽ phụ thuộc vào khả năng chịu đựng của thị trường lao động trong những tháng tới khi Fed chuẩn bị hành động tại cuộc họp tháng 9. Nhiều chiến lược gia đã khuyến nghị các nhà đầu tư không nên phản ứng quá mức với dữ liệu việc làm tháng 7.
Dẫu vậy, có thể thấy, thị trường tài chính toàn cầu đang biến động trước làn sóng bán tháo cổ phiếu mạnh mẽ khi các nhà đầu tư ngày càng lo lắng về việc Mỹ có thể xảy ra suy thoái.
Hướng đi của thị trường cũng phụ thuộc vào cách nhà đầu tư dự báo việc cắt giảm lãi suất cùng với dữ liệu tương lai. Mặc dù việc cắt giảm lãi suất nhằm kích thích nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp phát triển và người tiêu dùng chi tiêu, nhưng nhà đầu tư cũng có thể hiểu chúng là dấu hiệu cho thấy Fed đã lo lắng về sức khỏe của nền kinh tế.
Theo Công cụ FedWatch của CME, thị trường đang dự đoán Fed có thể cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 9. Michael Hartnett, chiến lược gia toàn cầu tại Bank of America, cho biết các nhà đầu tư nên bán cổ phiếu khi Fed cắt giảm lãi suất lần đầu tiên, có khả năng diễn ra vào tháng 9.
Hartnett và nhóm của ông đã phân tích các chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed. Ông cho rằng Fed đang rơi vào kịch bản hạ cánh cứng (hoặc suy thoái). S&P 500 từng giảm trung bình 6,2% trong ba tháng sau lần cắt giảm lãi suất đầu tiên ở trường hợp này. Mức giảm lớn nhất là vào năm 1974, khi chỉ số giảm 26% trong ba tháng.
Tham khảo Business Insider
>>Chuyên gia: Chỉ vài tháng nữa, Fed sẽ đẩy Mỹ rơi vào suy thoái và khiến chứng khoán Mỹ lao dốc 32%
IMF: Tăng trưởng toàn cầu chịu tác động từ đà giảm tốc của kinh tế Mỹ
'Pháp sư' Jeremy Siegel cảnh báo ‘cú sốc’ cho nền kinh tế Mỹ nếu Fed không hạ lãi suất vào tháng 9