Bất động sản

2 đô thị loại đặc biệt trong tương lai cần sớm hoàn thiện đề án phát triển đường sắt đô thị hơn 72 tỷ USD

An Nhiên 05/11/2024 15:00

Bộ GTVT đã yêu cầu UBND TP. Hà Nội và TP. HCM nhanh chóng hoàn thiện Đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị đến năm 2035 trước ngày 8/11/2024.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa gửi công văn đến UBND TP. Hà Nội và UBND TP. HCM liên quan đến Đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP. HCM đến năm 2035.

Theo nội dung công văn, Bộ GTVT đề nghị hai TP tập trung nguồn lực, rà soát thủ tục và hoàn thiện hồ sơ Đề án, đồng thời gửi Bộ GTVT trước ngày 8/11 để triển khai các thủ tục tiếp theo.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng yêu cầu bố trí nhân sự, cung cấp đầy đủ hồ sơ và chủ động phối hợp với Bộ GTVT để hoàn thiện Đề án, Tờ trình và Dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị.

2 đô thị loại đặc biệt trong tương lai cần sớm hoàn thiện đề án phát triển đường sắt đô thị 72,02 tỷ USD
TP. Hà Nội và TP. HCM cần sớm hoàn thiện Đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị đến năm 2035 trước ngày 8/11/2024. Ảnh minh họa

Bộ GTVT cho biết, cơ quan này đã nhận chỉ đạo từ Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc tổng hợp một hồ sơ Đề án trình Thường trực Chính phủ trước ngày 10/10.

Tuy nhiên, đến nay Bộ mới nhận được báo cáo Đề án từ UBND TP. HCM, trong khi chưa nhận được hồ sơ từ UBND TP. Hà Nội, dẫn đến việc tổng hợp hồ sơ chậm hơn so với chỉ đạo của Phó Thủ tướng.

>> Trượt gói thầu 11.400 tỷ tại dự án sân bay hơn 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam, một liên danh kiến nghị ACV

Để đảm bảo tính thống nhất của nội dung Đề án, Bộ GTVT đề nghị hai thành phố rà soát kỹ lưỡng, xác định suất đầu tư đường sắt đô thị (cả loại hình đi trên cao và đi ngầm), cơ sở lựa chọn công nghệ, khả năng làm chủ công nghệ vận hành và khai thác.

2 đô thị loại đặc biệt trong tương lai cần sớm hoàn thiện đề án phát triển đường sắt đô thị 72,02 tỷ USD
Theo Bộ GTVT dự kiến đến năm 2035 sẽ hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch với tổng chiều dài khoảng 580,8km. Ảnh minh họa

Cụ thể, các TP cần xác định cơ quan chủ trì tiếp nhận công nghệ, thiết bị, đầu máy, toa xe, nhu cầu đào tạo nhân lực, phương án huy động nguồn lực, cũng như mô hình quản lý, khai thác và các cơ chế, chính sách thực hiện.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT yêu cầu UBND TP. Hà Nội và TP. HCM phối hợp cùng Bộ Tài chính để tính toán, đánh giá tác động đến nợ công khi triển khai các dự án đầu tư đường sắt đô thị trọng điểm quốc gia, từ đó sớm có báo cáo tổng hợp về tác động nợ công.

Trước đó, nhằm bảo đảm tính đồng bộ trong đầu tư và khai thác, Bộ GTVT đã đề xuất một số thông số kỹ thuật chủ yếu cho hệ thống đường sắt đô thị tại hai thành phố, bao gồm: Khổ đường 1.435mm, đường đôi; tốc độ thiết kế từ 80-160km/h; hệ thống cấp điện trên cao hoặc cấp điện ray thứ 3; vận hành đoàn tàu tự động; và sử dụng đoàn tàu động lực phân tán EMU.

Về lộ trình thực hiện, Bộ GTVT dự kiến đến năm 2035 sẽ hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch với tổng chiều dài khoảng 580,8km; đến năm 2045 hoàn thành khoảng 369,1km (gồm 200,7km tại TP. Hà Nội và 168,4km tại TP. HCM); đến năm 2060 sẽ hoàn thành thêm khoảng 158,66km tại TP. HCM.

Về nhu cầu vốn, đến năm 2035, các dự án cần khoảng 72,03 tỷ USD; đến năm 2045 cần khoảng 44,43 tỷ USD và đến năm 2060 cần khoảng 40,61 tỷ USD. Trong đó, ngân sách Trung ương dự kiến hỗ trợ khoảng 11,82 tỷ USD đến năm 2030 và khoảng 6,29 tỷ USD đến năm 2035.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 891/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, cả nước hiện có 5 đô thị trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Cần Thơ và Đà Nẵng. Dự kiến đến năm 2030, các đô thị này sẽ đạt loại I, trong đó Thủ đô Hà Nội và TP. HCM là đô thị loại đặc biệt.
Theo quy định, đô thị loại đặc biệt là trung tâm quốc gia và quốc tế về kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, đồng thời là đầu mối giao thông, giao lưu quốc tế, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả nước. Đô thị loại đặc biệt phải đáp ứng các yêu cầu về dân số, cơ sở hạ tầng, kiến trúc và cảnh quan đô thị.

Tiêu chí cho đô thị loại đặc biệt bao gồm: quy mô dân số đạt từ 5 triệu người trở lên, với khu vực nội thành từ 3 triệu người trở lên; mật độ dân số toàn đô thị từ 3.000 người/km2, khu vực nội thành từ 12.000 người/km2. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt từ 70% trở lên và tại khu vực nội thành đạt từ 90% trở lên.

>> TP đáng sống nhất thế giới tại Việt Nam sắp có chợ đầu mối hơn 200 tỷ

Nhà máy điện rác hơn nghìn tỷ tại tỉnh nhỏ nhất Việt Nam sắp đi vào hoạt động

Đề xuất lập đề án di dời hơn 46.000 căn nhà ven kênh rạch tại TPHCM

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/2-do-thi-loai-dac-biet-trong-tuong-lai-can-som-hoan-thien-de-an-phat-trien-duong-sat-do-thi-7202-ty-usd-258189.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    2 đô thị loại đặc biệt trong tương lai cần sớm hoàn thiện đề án phát triển đường sắt đô thị hơn 72 tỷ USD
    POWERED BY ONECMS & INTECH