2 ông lớn dịch vụ hàng không lập liên danh tham gia đấu thầu tại dự án sân bay Long Thành
Tổng vốn đầu tư của liên danh ông lớn dịch vụ hàng không để tham gia đấu thầu dự án tại sân bay Long Thành tối thiểu là 781 tỷ đồng.
Ngày 26/11, CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (HoSE: SGN) đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần 2 năm 2024, nhằm thông qua định hướng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong thời gian tới với trọng tâm là tham gia đấu thầu vào sân bay Long Thành.
Cụ thể, công ty đã thông qua cổ đông kế hoạch liên danh với CTCP Phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) để đấu thầu dự án với nội dung chi tiết được quy định tại hồ sơ mời thầu của Cục hàng không Việt Nam phát hành ngày 11/10 vừa qua (Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không và dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành). Trong đó, SGN tham gia với vai trò là thành viên đứng đầu liên danh góp vốn 75% và còn lại 25% thuộc về HGS. Tổng vốn đầu tư dự kiến từ 781 tỷ đồng đến 798 tỷ đồng, được đóng góp toàn bộ bằng vốn chủ sở hữu, không sử dụng vốn vay. Công ty ủy quyền cho HĐQT SGN quyết định các nội dung thỏa thuận liên danh với HGS đảm bảo thành công đấu thầu dự án.
SGN và HGS liên danh đấu thầu trong dự án sân bay Long Thành |
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào tháng 4, Chủ tịch HĐQT Đặng Tuấn Tú cho biết SGN sẽ tập trung mọi nguồn lực để đấu thầu thành công dự án cung cấp dịch vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
"Đây là việc quyết định sự tồn tại cũng như phát triển của công ty trong tương lai. Bởi vì khi đưa sân bay Long Thành vào khai thác giai đoạn 1, 80% đường bay hãng bay quốc tế từ Tân Sơn Nhất sẽ chuyển về sân bay Long Thành", ông Tú nhận định.
Dự án sân bay Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành được triển khai trên diện tích 5.000ha với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 16 tỷ USD. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, sân bay Long Thành dự kiến sẽ có công suất phục vụ 25 triệu hành khách mỗi năm và trở thành sân bay lớn nhất cả nước.
Bên cạnh đó, tại Đại hội, cổ đông công ty cũng thông qua chủ trương về việc tiếp tục đàm phán, ký hợp đồng cung cấp dịch vụ mặt đất trọn gói với CTCP Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) với giá trị hợp đồng lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản ghi trong báo cáo tài chính tại thời điểm công bố gần nhất của công ty.
>> Sản phẩm thép chủ lực của Hòa Phát (HPG) hiện diện trong loạt dự án đầu tư công trọng điểm