Vĩ mô

3 chữ V – Chìa khóa tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025

Trường Thanh 24/12/2024 16:31

Việt Nam đang tiến tới năm 2025 với những kỳ vọng lớn lao về tăng trưởng kinh tế. Trong chương trình Bàn tròn đầu tư trên kênh Youtube "Tài chính - Kinh doanh", các chuyên gia đã cùng nhau phân tích ba yếu tố trọng tâm: Volatility (biến động), Velocity (tốc độ), và Vietnam (Việt Nam) – được xem là chìa khóa mở ra cánh cửa tăng trưởng vượt bậc.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập của Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA), CEO của AFA Capital, "Volatility chính là thước đo mức độ bất định trên thị trường. Năm 2025 sẽ là thời kỳ biến động lớn, chịu tác động từ lãi suất toàn cầu, căng thẳng địa chính trị và sự chuyển đổi năng lượng". Cụ thể, các thay đổi trong chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác sẽ tiếp tục tạo ra những làn sóng ảnh hưởng đến tỷ giá và dòng vốn đầu tư.

Mức độ biến động này không chỉ đặt ra thách thức cho nhà hoạch định chính sách mà còn tạo ra cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế thông qua các chính sách kinh tế linh hoạt và hiệu quả. Chính phủ cần tối ưu hóa các nguồn lực nội địa để giảm sự phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu đầy bất ổn.

Về chữ V thứ hai - Velocity, ông Nguyễn Minh Tuấn nhận định: "Velocity nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tận dụng sức mạnh của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ bán dẫn. Đây là những yếu tố quyết định tốc độ tăng trưởng trong chuỗi giá trị sản xuất và xuất khẩu". Các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc ứng dụng công nghệ hiện đại.

Vietnam chính là chữ V quan trọng nhất, biểu tượng cho tiềm năng phát triển nội tại. Ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup, chia sẻ: "Việt Nam có vị trí chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, lực lượng lao động trẻ, cùng với các chính sách cải cách mạnh mẽ, là những lợi thế cạnh tranh quan trọng".

Hiện nay, các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, Intel, và Apple đã đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dòng vốn FDI năm 2024 đã vượt 30 tỷ USD và dự kiến tăng 15% vào năm 2025. Đây là cơ sở để Việt Nam thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ và tăng tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA), “Ba chữ V chính là nền móng để Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển kinh tế năm 2025, phản ánh cả cơ hội lẫn thách thức mà thị trường trong và ngoài nước mang lại”.

Thách thức tăng trưởng GDP: Cuộc đua với mục tiêu 8%

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 7% đến 8%, cao hơn mức trung bình trong khu vực. Tuy nhiên, để đạt được điều này, Việt Nam cần tận dụng tối đa ba cấu phần chính trong mô hình GDP: tiêu dùng (C), đầu tư (I), và xuất khẩu ròng (NX).

3 chữ V – Chìa khóa tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025

Ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup, cho biết: “Việt Nam cần đón đầu làn sóng FDI mới, tập trung vào công nghệ cao như sản xuất chip và AI. Đây là cách hiệu quả nhất để kích thích tăng trưởng đồng bộ, từ xuất khẩu đến phát triển công nghiệp phụ trợ”. Các tập đoàn lớn như Samsung, Intel và Apple đã bắt đầu mở rộng hoạt động tại Việt Nam, củng cố tiềm năng phát triển dài hạn.

Trong cấu phần tiêu dùng (C), sức mua nội địa cần được tăng cường thông qua các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và cải thiện thu nhập cho người lao động. ADB từng nhận định rằng, mỗi 1% tăng trưởng tiêu dùng nội địa có thể đóng góp từ 0,5%-0,7% vào tăng trưởng GDP, mang lại sức sống mới cho các ngành dịch vụ và sản xuất.

Về đầu tư (I), Việt Nam đang lên kế hoạch giải ngân đầu tư công ở mức kỷ lục 790.000 tỷ đồng năm 2025, tăng 20%-25% so với năm 2024. Tuy nhiên, ông Báu cảnh báo rằng, “nếu đầu tư công không được quản lý hiệu quả, sẽ có nguy cơ lãng phí nguồn lực, tạo hiệu ứng lấn át, làm suy giảm tiềm năng đầu tư tư nhân”.

Chính sách tài khóa là công cụ mạnh mẽ nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam hiện tại vẫn dưới ngưỡng 60%, tạo dư địa đáng kể cho các chính sách đầu tư công.

Ông Phan Lê Thành Long, CEO AFA Group, nhấn mạnh: “Đầu tư công cần tập trung vào các dự án có tính lan tỏa lớn như đường sắt cao tốc Bắc - Nam hay hệ thống cảng biển quốc tế. Đây là những cú hích cần thiết để tạo nền tảng tăng trưởng bền vững”. Tuy nhiên, ông Long cũng chỉ ra rằng việc giảm chi thường xuyên là cần thiết để tăng dư địa đầu tư phát triển. Điều này giúp tối ưu hóa nguồn lực mà không gây áp lực quá lớn lên ngân sách.

3 chữ V – Chìa khóa tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025

Chính sách tiền tệ, trong khi đó, đối mặt với nhiều rào cản. Lãi suất hiện tại đã giảm đến mức thấp, và khả năng tiếp tục cắt giảm thêm là rất nhỏ. Ông Nguyễn Minh Tuấn nhận định: “Với áp lực từ tỷ giá và lạm phát, không gian chính sách tiền tệ đã bị thu hẹp đáng kể. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô”.

Làn sóng FDI: Cơ hội từ chuỗi cung ứng toàn cầu

Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang mang lại cho Việt Nam cơ hội hiếm có. Theo ông Báu, “các tập đoàn lớn đang tìm kiếm điểm đến thay thế Trung Quốc, và Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội này để trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao của khu vực”.

Bên cạnh đó, ông Phan Lê Thành Long cảnh báo rằng, “việc chỉ dựa vào sản xuất gia công không đủ để Việt Nam vươn xa. Chúng ta cần tập trung gia tăng giá trị nội địa hóa trong chuỗi cung ứng và nâng cao chất lượng lao động”. Các ngành công nghiệp phụ trợ, đào tạo nhân lực chất lượng cao, và cải cách thể chế sẽ là các yếu tố quyết định thành công của chiến lược này.

Ba chữ V không chỉ là động lực tăng trưởng, mà còn là bài kiểm tra khả năng thực thi của Việt Nam. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025, và xa hơn là hai con số trong chu kỳ 2025-2030, Việt Nam cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa, tiền tệ, và chiến lược FDI.

Như ông Phan Lê Thành Long đã khẳng định: “Kỳ tích kinh tế không đến từ tham vọng mà từ cách chúng ta thực hiện. Chỉ khi chính sách được triển khai hiệu quả, Việt Nam mới có thể bứt phá thực sự”.

>> Là nền kinh tế mở nhất trong khu vực, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng gì khi Fed khiến đồng USD liên tục mạnh lên?

Giải pháp nào để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 trên 8%?

Sở hữu siêu cảng có thể làm được điều hiếm trong khu vực, Việt Nam trở thành điểm sáng trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/3-chu-v-chia-khoa-tang-truong-kinh-te-viet-nam-nam-2025-267458.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    3 chữ V – Chìa khóa tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025
    POWERED BY ONECMS & INTECH