3 công trình giải cứu kẹt xe cửa ngõ Tân Sơn Nhất vỡ tiến độ về đích cuối năm
Loạt dự án giải cứu kẹt xe cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất vẫn ngổn ngang, vỡ tiến độ về đích do vướng mặt bằng.
Cuối năm nay đánh dấu thời điểm quan trọng khi hàng loạt công trình, dự án quan trọng của TPHCM sẽ về đích theo kế hoạch nhằm giải quyết bài toán kết nối giao thông, giải toả ùn tắc. Tuy nhiên, đến nay nhiều dự án phải lùi thời gian do những lý do khác nhau.
Trong số này có 3 dự án giao thông quan trọng ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, nơi được xem là điểm nóng nhất của TPHCM về vấn nạn ùn tắc.
Đầu tiên là dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn (kết nối trực tiếp luồng xe từ hướng công viên Hoàng Văn Thụ, đường Trường Chinh vào nhà ga T3 Tân Sơn Nhất) khởi công ngày 24/12/2022 với kinh phí hơn 4.800 tỷ đồng.
Công trình được dự kiến hoàn thành cuối năm nay để kết nối giao thông đồng bộ với nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, kinh phí hơn 11.000 tỷ đồng. Ngoài việc mở thêm hướng kết nối mới cho sân bay, tuyến đường này sẽ giúp giảm ùn tắc các đường Trường Sơn, Cộng Hoà, Trường Chinh, nút giao Lăng Cha Cả...
Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội chiều 28/11 vừa qua, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Hoà An cho biết đến nay, dự án mới thi công đạt 88% khối lượng, chậm tiến độ do vướng mặt bằng.
Nếu địa phương, đơn vị liên quan bàn giao mặt bằng còn lại thuộc 68 hộ dân vào ngày 28/12 thì dự án sẽ hoàn thành xây dựng vào ngày 28/2/2025.
Tương tự, dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám cũng vỡ tiến độ hoàn thành cuối năm 2024.
Dự án này có điểm đầu từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa, dài gần 800m, mặt đường rộng 8-10m được mở rộng lên 22m, kinh phí đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.
Công trình được khởi công từ cuối tháng 5, dự kiến thông xe cuối năm. Tuy nhiên, theo Sở GTVT, công trình chỉ mới đạt 55% khối lượng, chưa đạt yêu cầu tiến độ do chưa đủ mặt bằng và có đến 40% là đất quốc phòng, làm thủ tục kéo dài.
Cách đó 3km, dự án xây dựng cầu Tân Kỳ - Tân Quý cũng vấp trở ngại, không thể đạt tiến độ về đích cuối năm 2024 như kỳ vọng.
Dự án này có chiều dài 385m, gồm phần cầu chính dài 83m, rộng 16m (4 làn ô tô), được khởi công vào đầu năm 2018, vốn đầu tư 312 tỷ đồng theo hình thức BOT, dự kiến hoàn thành cuối năm 2018.
Tuy nhiên, khi xây dựng được 70% thì công trình tạm ngừng do chưa hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng và không phù hợp với Nghị quyết 437 của Quốc hội (không làm dự án BOT trên đường hiện hữu).
Đến ngày 14/3/2024, dự án được tái khởi động và thi công trở lại, tổng mức đầu tư tăng lên gần 500 tỷ đồng. Đây là công trình đầu tiên áp dụng cách làm mới từ hình thức đối tác công tư (BOT) sang đầu tư công.
Đến nay, tiến độ dự án đạt khoảng 85% khối lượng công việc, dự kiến phần cầu chính sẽ hoàn thành và thông xe vào tháng 1/2025 thay vì tháng 12/2024 như kế hoạch.
Chủ đầu tư dự án, Ban giao thông TPHCM cho biết sự chậm trễ này do vướng mắc trong việc thống nhất hình thức di dời hệ thống lưới điện trung hạ thế và trạm biến áp tại 2 đầu cầu.
Gần dự án này, công trình nâng cấp mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý dài 2km, mặt cắt ngang bề rộng 30m, tổng mức đầu tư hơn 237 tỷ đồng, dự kiến về đích cuối tháng 11. Tuy nhiên, đến nay, công trình vẫn ngổn ngang, mốc hoàn thành mới dự kiến vào trước Tết Nguyên đán 2025.
12 gói thầu và dự án hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2025
Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban giao thông TPHCM, chủ đầu tư và các nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, hoàn thành, đưa vào phục vụ người dân thành phố trước Tết Nguyên đán 2025 khoảng 12 gói thầu, dự án.
Trong số này có đường Tân Kỳ - Tân Quý, cầu Phước Long, Hầm HC1 thuộc dự án xây dựng hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, cầu Bà Hom, cầu Bà Dạt...
>> Bình Định thông báo hủy mời thầu, dự án xử lý chất thải 1.500 tỷ một lần nữa ‘lỡ hẹn’ nhà đầu tư