3 thiên tài có chỉ số IQ cao nhất thế giới, thông minh hơn cả Einstein: Người thành thạo hơn 40 ngôn ngữ, người chưa từng tốt nghiệp đại học
Đây được xem là những người có trí thông minh đặc biệt.
Lịch sử khoa học từ xưa đến nay đã phát triển và cải thiện nhiều phương pháp khác nhau để đo trí thông minh của con người, chẳng hạn như bài kiểm tra Chỉ số thông minh (IQ) nổi tiếng. Bài kiểm tra IQ được biết đến và sử dụng rộng rãi, nhưng nó cũng gây ra nhiều tranh cãi.
Một số nhà phê bình chỉ ra rằng hầu hết các bài kiểm tra này chỉ liên quan đến một số kỹ năng hẹp, một số khác nói rằng chúng chứa đầy những thành kiến liên quan đến văn hóa và bối cảnh, đặc biệt là đối với các giá trị của người da trắng, phương Tây, xã hội trung lưu. Hơn nữa, các bài test IQ tập trung phần lớn vào khả năng lý luận và giải quyết vấn đề, mà lại thiếu đi nhiều loại trí thông minh khác của con người, chẳng hạn như động lực, cảm xúc và thái độ.
Mặc dù độ chính xác của nó vẫn còn bị nghi ngờ nhưng nó vẫn được coi là công cụ hữu ích để đánh giá ít nhất một vài khả năng nhận thức của một người một cách tổng quát. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng chỉ số IQ cao cũng có thể không tương quan với một sự nghiệp thành công hoặc thỏa mãn. Trí thông minh thô và cách sử dụng nó là một khoảng cách còn khá xa.
Các bài kiểm tra IQ chỉ ra điểm trung bình của một người bình thường sẽ đạt được là 100, hầu hết mọi người đều có chỉ số IQ từ 85 đến 115. Những người đạt từ 115 đến 140 trong bài kiểm tra được coi là có năng khiếu, và những người có điểm trên 160 được coi là thiên tài.
Albert Einstein chưa bao giờ làm bài kiểm tra IQ. Các chuyên gia đã tính toán chỉ số IQ của ông bằng cách sử dụng các ghi chép lịch sử và suy đoán rằng chỉ số IQ của ông ít nhất là 160. Những người nổi tiếng khác được cho có chỉ số IQ 160 là Elon Musk, Stephen Hawking , Benjamin Franklin và Bill Gates. Mặc dù chúng ta thường nhắc đến tên của Albert Einstein giống như một định nghĩa về thiên tài, nhưng Einstein không nhất thiết phải là người có chỉ số IQ cao nhất.
Dựa theo những bài kiểm tra này trong lịch sử và kéo dài cho đến hiện tại, có những người đạt chỉ số IQ "vô cực", thậm chí dựa vào đó có thể nói họ thông minh hơn cả nhà vật lý lỗi lạc Einstein.
Marilyn Vos Savant (IQ 228)
Nữ tác giả người Mỹ Marilyn vos Savant nổi tiếng là người sở hữu IQ cao nhất thế giới theo ghi nhận của Sách Kỷ lục Guiness. Marilyn vos Savant sinh năm 1946 tại thành phố St. Louis, bang Missouri, Mỹ. Bà mang họ Savant vì gia đình có truyền thống nam theo họ bố, nữ theo họ mẹ. Bà mang trong mình dòng máu Italy, Tiệp Khắc, Đức và có tổ tiên là người Áo. Theo Chicago Tribune, bà là hậu duệ của nhà vật lý học, triết gia Ernst Mach.
Từ nhỏ, bà đã rất thông minh và có niềm đam mê lớn với Toán, Khoa học. Năm 10 tuổi, "nhà bác học nhí" thực hiện hai bài kiểm tra IQ Stanford-Binet. Kết quả cho thấy Marilyn có trí tuệ tương đương người 22 tuổi 11 tháng. Với chỉ số 228, Marilyn là đứa trẻ có IQ cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, thần đồng không hề ý thức được điều đó. “Lúc ấy, không ai nói gì với tôi cả. Tôi cứ tưởng đây là chỉ số thông thường mà nhiều người khác đạt được”, bà kể.
Bà vẫn dành phần lớn thời gian để làm việc trong hiệu giặt là của cha và kiếm thêm thu nhập bằng cách cộng tác với báo chí địa phương.
16 tuổi, Marilyn kết hôn trước khi theo học Cao đẳng Cộng đồng Meramec rồi chuyển sang theo đuổi ngành Triết học tại Đại học Washington ở St. Louis. Song dù sở hữu IQ cao gấp đôi người bình thường, thần đồng người Mỹ chưa từng tốt nghiệp đại học. Bà bỏ học sau hai năm và bắt đầu gây dựng tài chính cho bản thân thông qua đầu tư và bất động sản.
Trong vòng 5 năm, bà tích cóp đủ để tự nuôi sống bản thân và chuyên tâm theo đuổi nghiệp viết lách. Bà viết tiểu thuyết, truyện ngắn, cộng tác với tạp chí, các trang báo chủ yếu về châm biếm chính trị. Đến năm 1985, bà bất ngờ nổi tiếng khi Sách Kỷ lục Thế giới Guiness ghi nhận là người có IQ cao nhất hành tinh. Cái tên Marilym vos Savant trở thành tâm điểm của giới truyền thông. Người ta biết đến bà với cuốn sách "Ask Marilyn" in trên tạp chí Parade từ năm 1986.
Marilyn cũng là người đầu tiên được sách kỉ lục Guiness Thế giới công nhận là người có IQ cao nhất vào năm 1986 và giữ vững cho đến năm 1989.
Terence Tao (IQ 230)
Terence Tao là cái tên quen thuộc trong giới Toán học thế giới. Ông cũng là một trong những người có IQ cao nhất trong lịch sử nhân loại. Terence Tao sinh năm 1975 trong gia đình người Australia gốc Hoa. Bố ông, Billy Tao, là bác sĩ nhi khoa. Mẹ ông là giáo viên từng tốt nghiệp hạng ưu ngành Toán và Vật lý từ ĐH Hong Kong.
Từ năm Terence hai tuổi, vợ chồng ông Tao đã biết con trai họ khác biệt với những đứa trẻ thông thường khi chứng kiến cậu dạy một đứa trẻ 5 tuổi đánh vần và thực hiện phép cộng. Trước đó, không ai dạy Terence về chữ số hay chữ cái. Thần đồng tự học tất cả thông qua việc xem chương trình truyền hình Sesame Street.
Chứng kiến trí tuệ của con, ông bà Tao quyết định gửi đứa bé 3 tuổi rưỡi tới trường học. Tuy nhiên, 6 tuần sau, họ cho con thôi học khi nhận thấy cậu chưa sẵn sàng cũng như các giáo viên không biết nên dạy cậu theo cách nào.
Lên 5 tuổi, Terence mới bắt đầu đi học trở lại như bạn bè cùng trang lứa. Nhờ sự sáng suốt của phụ huynh, thần đồng Toán học trưởng thành một cách bình thường, ngoại trừ việc cậu sở hữu trí tuệ siêu phàm so với những đứa trẻ khác. Nhờ đó, chỉ 3 năm sau, cậu bé người Australia gốc Hoa theo học chương trình trung học phổ thông. Năm 9 tuổi, Terence bắt đầu tham gia các khóa học trình độ đại họ.
Trong 3 năm tiếp theo, Terence Tao theo học đồng thời hai trường Trung học Blackwood và ĐH Flinders. Ông cũng là một trong hai đứa trẻ trong lịch sử của chương trình nghiên cứu tài năng đặc biệt của Johns Hopkins đạt trên 700 điểm kì thi Toán SAT (Tao được 760 điểm).
Năm 10 tuổi, Terence đại diện Australia tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế và đoạt huy chương đồng. Một năm sau, ông giành huy chương bạc. Trong lần thứ 3 dự thi (năm 1988), thần đồng trở thành thí sinh trẻ nhất trong lịch sử giành huy chương vàng.
Năm 14 tuổi, Terence Tao chính thức theo học tại ĐH Flinders và tốt nghiệp với tấm bằng hạng ưu vào tháng 12/1991. Một năm sau, ông được cấp bằng thạc sĩ, đồng thời nhận học bổng Fulbright hệ sau đại học.
Năm 1996, ông nhận bằng tiến sĩ từ ĐH Princeton, Mỹ, và bắt đầu giảng dạy tại ĐH California. 4 năm sau, thần đồng ghi thêm dấu mốc quan trọng trong đời khi trở thành người trẻ nhất nhận danh hiệu giáo sư tại trường này.
Khác với nhiều thần đồng chịu sự lập trình sẵn trên chặng đường trở thành thiên tài, thần đồng người Australia có cuộc sống riêng bình dị, hạnh phúc. Ngoài Toán, ông dành thời gian cho gia đình. Vợ ông là kỹ sư tại Phòng thí nghiệm Động cơ Phản lực của NASA. Công việc của hai người đều rất bận rộn nhưng họ vẫn dành thời gian cho hai đứa con và thỉnh thoảng mời đồng nghiệp về nhà ăn bữa cơm tự nấu.
Terence Tao không chỉ nhận được sự kính trọng nhờ tài năng xuất chúng mà còn là vị giáo sư đáng mến trong mắt đồng nghiệp và học trò.
William James Sidis (IQ: 250 - 300)
William James Sidis sinh ngày 1/4/1898 trong gia đình di cư người Ukraine gốc Do Thái. Ông nổi danh là “thần đồng”, sở hữu IQ khoảng 250-300 và từng được ghi nhận là người thông minh nhất thế giới. Mới 5 tuổi, Sidis đã có thể sử dụng máy tính, học được tiếng Latin, Hy Lạp, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Do Thái.
Bố mẹ William đều rất thông minh và kỳ vọng nhiều ở con trai. Bố ông, Boris Sidis, là nhà tâm lý học nổi tiếng với nghiên cứu về thuật thôi miên và rối loạn tâm thần. Mẹ ông, bà Sarah, là một trong số ít nữ bác sĩ có bằng y khoa vào thời điểm đó. Tuy nhiên, bà từ bỏ sự nghiệp để chuyên tâm giáo dục con trai. Đây có lẽ là khởi nguồn của mọi bất hạnh mà William gặp phải trong đời.
Thần đồng William James Sidis chịu sự giáo dục hà khắc từ nhỏ bởi bố mẹ ông không chỉ cần đứa con thông minh. Họ muốn đào tạo một thiên tài. Bà Sarah dành tất cả tiền tiết kiệm của gia đình để mua sách báo, trang thiết bị có thể khuyến khích tinh thần học hỏi cho con trai. Ông Boris áp dụng những liệu pháp tâm lý học với con trai. Nhờ đó, William học chữ chỉ trong vòng vài tháng.
Cuộc đời của người được xem là có IQ cao nhất thế giới cho thấy chỉ số này không phải là yếu tố đảm bảo thành công. Ngược lại, danh "thần đồng" đẩy ông vào bất hạnh. Năm 6 tuổi, ông bị từ chối cho học tại ĐH Harvard khi bị coi là chưa lớn về mặt cảm xúc. Nhưng đến năm ông 11 tuổi, ĐH Harvard cho phép ông vào học. Đến khi trưởng thành, ông được cho là thành thạo đến hơn 40 ngôn ngữ.
Tuy thông minh nhưng cuộc sống của ông không được trọn vẹn. Sau khi tốt nghiệp ĐH năm 16 tuổi, William dạy toán ở ĐH Rice ở Houston (Mỹ), tuy nhiên vì còn trẻ và nổi tiếng quá sớm trong khi bản chất ông là người khép kín nên ông luôn cảm thấy không thỏa mãn.
Ông còn tham gia bạo động và có nhiều tư tưởng chính trị đối lập, đến nỗi gia đình bị quản thúc chặt chẽ. Điều này càng gây cho ông sự bất mãn, và khi càng chống đối, ông càng bị truyền thông chỉ trích là "vô dụng", "vô tích sự".
Cuối cùng, năm 1944, ông qua đời ở tuổi 46 trong cô độc.