4 sai lầm khi giải rượu gây nguy hiểm đến sức khoẻ nhưng rất nhiều người mắc phải
Việc lựa chọn cách giải rượu thế nào để an toàn cho sức khỏe rất quan trọng.
Bác sĩ chuyên khoa I Lý Gia Cường, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, TP Hồ Chí Minh cho biết, say rượu là trạng thái khi cơ thể hấp thụ một lượng rượu đủ lớn làm cho nồng độ cồn trong máu tăng, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Khi uống nhiều rượu, các chức năng của cơ thể và não bộ sẽ chậm lại đáng kể, dẫn đến các tình trạng: Khả năng phán đoán kém; cơ thể thiếu sự phối hợp; nhịp thở chậm lại; các vấn đề về thị lực; buồn ngủ; mất thăng bằng; say rượu có thể gây co giật, mất nước, chấn thương, nôn mửa, hôn mê, thậm chí tử vong.
Các biểu hiện của di chứng say rượu sẽ tự biến mất. Tuy nhiên, cần đưa người say rượu đến cơ sở y tế gần nhất nếu xuất hiện các biểu hiện nghiêm trọng như: Nhịp thở không đều; thở chậm, ít hơn 8 lần mỗi phút; rối loạn nhịp tim; hạ thân nhiệt; lơ mơ; co giật, động kinh; da nhợt nhạt hoặc tái xanh; nôn mửa nhiều lần; hôn mê.
Bên cạnh đó, có rất nhiều người áp dụng các biện pháp giải rượu sai lầm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của họ. Dưới đây là những sai lầm tai hại nhiều người thường mắc khi muốn giải rượu.
Uống nước chanh
Một trong những sai lầm khi giải rượu nhiều người mắc phải nhất là cho người say rượu uống nước chanh hoặc các đồ uống chua. Nếu người say vẫn còn một lượng rượu trong người thì khi kết hợp với nước uống chua dễ gây nôn thêm, tổn thương dạ dày do có axit.
Do vậy, thay vì uống nước chanh thì nên cho người say uống các đồ uống có đường, muối như nước đường, mật ong, nước canh…
Uống thuốc giảm đau đầu
Trên thực tế không ít người có thói quen uống thêm vitamin B1, B6, acid folic… để làm giảm đau đầu khi say, điều này dễ có hại cho gan. Paracetamon, Aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hoá.
Ngoài ra, khi say cũng lưu ý không uống các loại thuốc chống nôn vì sẽ giữ chất độc lại trong cơ thể, gan không thể lọc chất độc kịp càng tổn hại nghiêm trọng, lâu ngày sẽ xơ gan, ung thư gan.
Uống thật nhiều nước
Uống nhiều nước về nguyên tắc giúp tăng cường bài tiết nước tiểu, qua đó chất cồn cũng được đào thải ra bên ngoài cơ thể. Tuy nhiên, việc cố gắng uống thật nhiều nước để mong hết nồng độ cồn nhanh là lợi bất cập hại.
Cụ thể, khi ethanol (cồn) được hấp thu vào cơ thể, chỉ khoảng 5-10% được bài tiết qua mồ hôi, hơi thở và nước tiểu; 90-95% lượng ethanol còn lại được chuyển đến gan để xử lý. Do đó, lượng cồn bài tiết qua đường nước tiểu là không quá đáng kể, trong khi đó uống quá nhiều nước lại dẫn đến tình trạng rối loạn điện giải.
Một trong những tình trạng hay gặp phải khi uống rượu bia là mất điện giải (hay gọi là mất muối). Việc uống thêm thật nhiều nước càng làm lượng điện giải trong cơ thể bị hòa loãng khiến tình trạng này trầm trọng hơn.
Xông hơi
Xông hơi sau mỗi cuộc nhậu là thói quen của nhiều quý ông. Bên cạnh việc thư giãn, nhiều người cho rằng, xông hơi còn giúp giải rượu vì cồn trong cơ thể sẽ thoát ra ngoài thông qua đường mồ hôi.
Tuy nhiên, cách giải rượu này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thức uống có cồn như bia, rượu tác động mạnh mẽ đến hệ tuần hoàn, đặc biệt làm co mạch ngoại biên và giãn mạch trung tâm.
Cồn còn có khả năng làm giảm khả năng đông máu, tạo điều kiện cho các tình trạng vỡ mạch máu diễn ra trong não bộ. Điều này có thể dẫn tới tai biến, vỡ mạch máu não, chèn ép sọ não dẫn đến tử vong.
Do đó, sau khi sử dụng rượu bia, không nên xông hơi vì những phản ứng tiêu cực mà biện pháp này mang lại. Thay vào đó, nên nghỉ ngơi, tránh hoạt động thể chất mạnh để đảm bảo an toàn.